Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980) là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam can đảm nghiên cứu và nuôi trồng đông trùng hạ thảo - loại nấm chữa được “bách hư bách tổn" chỉ mọc trên đỉnh núi Himalaya ở Nepal.
Để có loại nấm này trong tự nhiên, người ta phải bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng chỉ để mua một kg. Sự can đảm ấy đã cho cô mức doanh ấn tượng - 12 tỷ đồng mỗi năm.
Nguyễn Thị Hồng - người nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam. |
Đông trùng hạ thảo là loại nấm ký sinh trên côn trùng, vừa là thực vật vừa là động vật. Theo Đông y, đó là loại thuốc quý giúp “cải lão hoàn đồng”, hồi phục trí lực, được các vị vua chúa xưa hay dùng. Chính vì vậy, đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên gần như bị khai thác cạn kiệt.
“Trên thị trường Việt Nam, hiện có rất nhiều sản phẩm đông trùng hạ thảo xuất xứ từ nước ngoài không rõ nguồn gốc và chất lượng. Theo Viện kiểm nghiệm phân tích, hàm lượng hoạt chất sinh học trong những sản phẩm đó rất thấp, khi uống vào chưa chắc đã có lợi, ngược lại còn gây hại cho cơ thể” - Thạc sĩ Lê Thanh Hiếu - Trưởng phòng Công nghệ, sở Khoa học Công nghệ Hà Nội - cho biết.
Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã làm nên điều kỳ diệu khi chinh phục được loại nấm quý hiếm và khó tính này. Hiện tại, Hồng sở hữu 2 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo lớn, một trụ sở chính tại Thanh Oai (Hà Nội) và một trụ sở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Mỗi năm cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của cô đem về doanh thu khoảng 12 tỷ đồng. Trước đó, Hồng tự bỏ tiền đầu tư công phu vào việc nghiên cứu và nắm bắt quy trình sản xuất giống đông trùng hạ thảo - công nghệ mà ở Việt Nam hiếm có nơi làm được.
Tất cả sản phẩm đông trùng hạ thảo cơ sở Hồng làm ra là kết quả tự mày mò nghiên cứu trong hơn 3 năm.
Thành công lớn nhất của Hồng là nắm được đặc tính nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở những môi trường khác nhau, bất cứ vùng đất nào cũng có thể trồng được loài nấm này. Nhiệt độ lý tưởng cho nấm sinh trưởng tốt là 18-20 độ.
Thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo. |
“Những năm 2006, 2007, chúng tôi sử dụng đông trùng hạ thảo rất nhiều nguồn của nam dược từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, giá đông trùng hạ thảo tăng rất nhanh, chất lượng của loại nấm này rất khó kiểm soát. Với lý do đó, chúng tôi quyết định không sản xuất những sản phẩm thuốc có liên quan thành phần đông trùng hạ thảo.
Đến năm 2010, qua tìm hiểu, chúng tôi biết đến cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của Hồng, qua kiểm nghiệm cho chất lượng tốt và giá thành hợp lý, tạo cơ sở cho chúng tôi sản xuất lại những sản phẩm liên quan đến đông trùng hạ thảo" - anh Lê Văn Sản - Phó tổng giám đốc của một công ty dược tại Hà Nội - cho biết.
Hiện tại đã có 13 cơ sở phát triển được mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo từ nguồn giống của Hồng.
Con đường chinh phục nấm đông trùng hạ thảo
Xuất thân từ gia đình làm nông, cuộc sống vất vả không khiến Hồng có ý định rời xa quê hương, mà đó là động lực giúp cô say mê hơn với nông nghiệp. Chính vì khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp, cô quyết định thi vào khoa Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Năm 2003, cô ra trường làm cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tình cờ tìm đọc tài liệu về nấm, Hồng biết đến đông trùng hạ thảo. Thời điểm bấy giờ, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố.
Những lọ nấm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy tại cơ sở chính Thanh Oai, Hà Nội. |
Năm 2009, Hồng từ bỏ công việc hiện tại để tập trung toàn lực vào nghiên cứu cách nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Anh Phạm Hữu Quyển (đồng nghiệp của Nguyễn Thị Hồng) chia sẻ: "Bấy giờ tôi chưa biết đông trùng hạ thảo là cái gì, thế nhưng sau khi tìm hiểu, tôi cũng quyết định liều một phen với Hồng. Tôi phụ trách về môi trường sống, còn Hồng phụ trách về giống trồng”.
Với số tiền tích cóp và tiền bán một mảnh đất mặt đường, Hồng dồn toàn bộ để đầu tư mua đất trong làng làm xưởng, công nghệ máy móc và học cách thức nuôi cấy nấm ở nước ngoài.
“Lần đầu tiên thử nghiệm với lọ giống mua ở Quảng Tây (Trung Quốc) với giá 5 triệu đồng, tôi tiêm giống vào ngực và đầu nhộng tầm với biết bao chờ đợi, hy vọng. Nhưng càng mong đợi bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu. 3 ngày sau, toàn bộ số nấm trồng đều bị hỏng hết. Nhộng tằm chết và bốc mùi hôi thối” - Hồng kể lại.
Sau 3 lần mua loại giống 5 triệu đồng không thành công, Hồng quyết định đầu tư mua loại giống 50 triệu đồng. Sau nhiều lần thất bại, cô rút ra kinh nghiệm, điều chỉnh lại những thông số: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp để tạo ra môi trường tốt cho nấm đông trùng hạ thảo phát triển.
Hồng tâm sự: “Nguyên nhân chính cho những thất bại trước đó là vì trong tài liệu nghiên cứu đông trùng hạ thảo của Mỹ không viết rõ cần tiêm giống nấm vào nhộng tầm sâu bao nhiêu nên tôi chỉ tiêm vào đầu và ngực của nhộng mà không để ý đến khoảng cách gây nên nhiễm trùng, nấm không phát triển được. Để khắc phục, tôi tạo ra lò hấp các cốc thủy tinh khử trùng trước khi tiến hành tiêm giống vào nhộng”.
Cuối năm 2014, Hồng cho ra đời thành công giống nấm đông trùng hạ thảo made in Việt Nam. Những lọ nấm tuy nhỏ bé nhưng mang lại giá trị kinh tế rất lớn, có thể là ý tưởng hay cho những người muốn thoát nghèo.