1. Đọc sách: Đọc sách cho con nghe là một trong những cách tốt nhất để kích thích trí óc, kích hoạt trí tưởng tượng và củng cố sự yêu thích học tập ở trẻ. Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em được đọc sách từ khi còn nhỏ biết nhiều từ vựng hơn trẻ em khác và đạt điểm cao hơn ở cả môn Toán và Tiếng Anh. |
2. Cùng nhau tìm hiểu: Giả sử con bạn đặt câu hỏi nhưng bạn chưa biết câu trả lời, đừng ngại thừa nhận điều này. Con bạn sẽ hoàn toàn hiểu và sẽ không nhìn bạn theo cách tiêu cực nếu bạn không biến nó thành một vấn đề lớn. Bạn hoàn toàn có thể cùng con tìm hiểu, dạy chúng cách tìm câu trả lời từ các nguồn uy tín trên Internet, trong sách hoặc các công cụ tìm kiếm khác. |
3. Biến việc học trở thành trải nghiệm thú vị: Khi bạn biến việc học thành một cuộc phiêu lưu, học mà chơi, chơi mà học, sự hứng thú của con bạn đối với việc học sẽ được nâng cao. Bạn có thể cùng con đến bảo tàng, vườn thú, thủy cung, gặp gỡ những người mới và có những trải nghiệm khác sẽ mở rộng sự hiểu biết của con bạn về thế giới. |
4. Tạo niềm vui học tập cho con: Khi việc học tập là niềm vui, trẻ sẽ hào hứng hơn. Không gian học tập của trẻ cần đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng và có đủ ánh sáng. Cha mẹ có thể cùng con trang trí góc học tập theo sở thích của trẻ, làm sổ đánh dấu điểm tốt hoặc đơn giản là khen ngợi, tặng món quà nhỏ khi con có cố gắng, nỗ lực. |
5. Kết nối kiến thức với cuộc sống thực tế: Hãy đưa những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế để trẻ thấy được sự hữu ích của việc học. Ví dụ, khi học về phân số, bạn có thể cùng con chia bánh hoặc trái cây. Khi tưới hoa, bạn có thể hỏi con về thân, rễ, lá... |
6. Để trẻ làm "thầy": Việc truyền đạt lại những điều mình biết sẽ giúp trẻ ghi nhớ kỹ càng và sâu sắc hơn. Cha mẹ có thể dạy trẻ về những sự vật, hiện tượng xung quanh và sau đó giả vờ quên để trẻ có thể chỉ dẫn lại. Việc liên tục hỏi sẽ kích thích trẻ truyền tải thông tin nhiều hơn, cũng như thúc đẩy khả năng tưởng tượng, ham học của trẻ. |
7. Để con có thời gian nghỉ ngơi: Cha mẹ thường rất kỳ vọng vào các con nên luôn ép con học tập, khiến trẻ thậm chí không có thời gian chơi, nghỉ ngơi. Điều này hoàn toàn không tốt, kìm hãm sự phát triển của trẻ, dễ khiến trẻ chán nản với việc học. Các chuyên gia tâm lý trẻ em cho rằng chơi và học cùng đồng hành rất có lợi cho sự phát triển trí não cũng như quá trình hình thành nhân cách của trẻ. |
8. Đặt câu hỏi mở: Thay vì tự động đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà con đặt ra, cha mẹ hãy giúp trẻ suy nghĩ bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: "Con có ý tưởng gì? Con nghĩ điều gì đang xảy ra ở đây?". Với cách này, trẻ được khuyến khích tìm tòi để có câu trả lời. |
9. Tạo ra những thói quen học tập tốt: Cha mẹ hãy giúp trẻ xây dựng một lịch học cố định và tạo ra những thói quen học tập tốt như làm bài tập đầy đủ, đọc sách thường xuyên. Cha mẹ cũng cần loại bỏ những yếu tố như tiếng ồn, điện thoại, ti vi hoặc tiếng đùa vui của bạn bè để giúp trẻ tập trung hơn. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.