Trước đó, bệnh nhân ăn thịt vịt, sau ăn thấy nuốt vướng, nuốt khó, đau tức ngực. Ảnh: Foodyquangninh. |
Các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), cho biết đơn vị đã tiếp nhận bệnh nữ 31 tuổi (Hà Nội) bị hóc xương vịt vào cấp cứu.
Trước đó, bệnh nhân ăn thịt vịt. Sau khi ăn, người phụ nữ thấy nuốt vướng, nuốt khó, đau tức ngực, đã đi khám chuyên khoa tai mũi họng 3 lần nhưng không tìm thấy dị vật.
Sau 9 ngày, bệnh nhân thấy nuốt vướng tăng lên, nuốt nghẹn và đau tức ngực nhiều, không ăn uống được. Đến khám tại Bệnh viện 19-8, người phụ nữ này được chỉ định nội soi thực quản - dạ dày.
Khi nội soi, bác sĩ thấy dị vật đâm sâu vào thành thực quản, nghi thủng và rò khí quản nên đã chỉ định chụp CT lồng ngực. Kết quả chụp dị vật cản quang kích thước 2x3 cm, đâm xuyên qua thành thực quản, khí quản và thực quản thâm nhiễm xung quanh.
May mắn, dị vật chưa bị rò sang khí quản. Người bệnh được gắp dị vật an toàn qua nội soi. Sau gắp, bác sĩ lấy ra được một mảnh xương lớn, phức tạp, tại chỗ cắm của dị vật có vết loét rỉ máu và chảy mủ.
Người bệnh được theo dõi sát, dùng thuốc nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo trường hợp hóc dị vật, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy ra đúng cách. Người dân cần tránh tình trạng tự ý dùng tay móc dị vật ra khiến chúng chui sâu vào đường tiêu hóa hoặc gây nên hiện tượng trầy xước đường tiêu hóa.
Cuốn sách về dinh dưỡng và lối sống
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.