Bé nhà tôi đã hơn 1 tuổi nhưng vẫn hay bị nôn trớ. Mỗi lần con trớ, tôi rất bối rối, không biết xử lý ra sao. Tôi nên làm gì khi gặp tình huống này?
Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nôn trớ là tình trạng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ hay gặp ở trẻ nhỏ do bé ăn quá nhiều, bú no hoặc ngậm vú giả.
Trẻ nôn trớn thường không nhiều, chủ yếu là thức ăn. Do vậy, mẹ chỉ cần thay đổi cách cho bé ăn là chia nhỏ thực đơn làm nhiều bữa trong ngày hoặc tăng số lần cho bú, mỗi bữa bú một ít. Sau khi bú xong, bạn nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt bé nằm.
Nếu trẻ bú bình với đầu vú cao su, mẹ cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình, tránh nuốt không khí vào dạ dày.
Nôn trớ có thể do rối loạn thần kinh thực vật, thường xuất hiện sớm trong những ngày đầu sau đẻ. Trẻ có thể nôn trong hoặc sau khi bú dù ăn sữa mẹ hay sữa bò. Trẻ vẫn háu ăn, ít bị sụt cân.
Vì vậy, bạn cần cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Sau mỗi lần bú, hãy bế trẻ đầu cao một lúc, sau đó để con nằm nghiêng bên trái 10 phút rồi chuyển sang phải. Cuối cùng, mẹ đặt bé nằm ngửa. Nôn có thể tự khỏi khi trẻ bắt đầu ăn chế độ bột loãng, quấy đặc dần lên.
Nôn trớ còn do trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não và một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột…
Trẻ đột ngột nôn, nôn nhiều và kèm theo các triệu trứng đặc hiệu của từng bệnh cần được đưa đến khám ở cơ sở y tế.
Tóm lại, khi trẻ bị nôn trớ, cha mẹ cần tìm nguyên nhân để xử trí. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi trẻ bị nôn nên đặt nằm nghiêng một bên để chất nôn không bị hít vào đường thở, tránh cho bé bị sặc.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.