Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

97% học sinh ở ngôi trường không có điện đỗ đại học

Tọa lạc trong thung lũng hẻo lánh, ngôi trường ở Afghanistan không có điện hay máy tính. Thế nhưng, tỷ lệ học sinh đỗ đại học lên đến 97%.

Tọa lạc tại một góc hẻo lánh của quận Yakawlang, Afghanistan, Rustam là trường trung học duy nhất trong khu vực, đào tạo lớp 1 đến lớp 12. Trường có 12 thầy cô giáo, 330 học sinh nữ và 146 học sinh nam, theo New York Times.

Đây là con số đáng ngạc nhiên, bởi ở Afghanistan, tỷ lệ nữ sinh tại trường học thường chỉ là 1/3. Trong bộ đồng phục màu xanh phấn và khăn trùm đầu màu trắng, phần lớn nữ sinh trong độ tuổi từ 7 đến 18, thường phải đi bộ một tiếng hoặc hơn để đến trường.

Ngôi trường không điện và máy tính

Thầy Mohammad Sadiq Nasiri, 49 tuổi, Hiệu trưởng trường Rustam, bắt đầu buổi sáng mỗi ngày bằng lời động viên: "Thi đại học năm nay sẽ khó hơn, các em phải làm tốt hơn bao giờ hết".

do dai hoc anh 1
Hiệu trưởng Mohammad Sadiq Nasiri cùng các học sinh lớp 1 trong lớp học ngoài trời. 

Rustam có vẻ là địa điểm không thích hợp để khuyến khích giấc mơ đại học. Trường chỉ có 7 phòng học làm bằng đá nguyên khối, thêm 6 lều bạt lớn. Vì thế, học sinh chia thành hai ca học sáng và chiều, mỗi ca 4 tiếng.

Trường không có điện, hệ thống sưởi, máy tính. Nhiều tài liệu học tập được giáo viên chép tay.

Dù vậy, lớp tốt nghiệp năm 2017 của trường Rustam có 60/65 học sinh trúng tuyển các trường đại học công lập của Afghanistan, tương ứng tỷ lệ học sinh đỗ đại học là 92%. 2/3 số đó là nữ sinh. Vài năm trước, tỷ lệ đỗ đại học của trường lên đến 97%.

Nam nữ học chung

Khác với hầu hết trường ở Afghanistan, Rustam cho nam và nữ học chung. Thầy hiệu trưởng cho biết: "Chúng tôi dạy tất cả học sinh, không có sự khác biệt nào giữa các em. Khi vào đại học, tất cả sẽ ở cùng môi trường, nên các em cần phải học cách tôn trọng lẫn nhau”.

do dai hoc anh 2
Học sinh phải dùng chung sách giáo khoa và học tập trong lớp học làm bằng lều bạt. 

Badan Joya, một trong 5 cô giáo của trường, dạy môn Toán. Với miếng bìa carton được sơn đen làm bảng, cô viết trên đó những công thức đại số đơn giản. Cô hỏi các học sinh, hầu hết là nữ, kể tên môn học yêu thích của mình. Các em đồng thanh trả lời “môn Toán”.

Câu trả lời này chẳng hề lạ ở trường Rustam. Toán chiếm 40% số câu hỏi trong đề thi đại học, nhiều hơn các môn khác.

“Thật ra, nữ sinh giỏi hơn nam sinh, họ nghiêm túc hơn. Những đứa trẻ này đều hiểu không ai có thể biến người có học thành nô lệ”, thầy Nasiri chia sẻ.

Trừ môn Hồi giáo học, hầu hết lớp trưởng là nữ. Amina, sắp 18 tuổi, là nữ sinh đứng đầu trường. Em tâm sự bản thân may mắn vì cha em biết chữ. Em thích Toán và mong trở thành bác sĩ.

Shahrbano Hakimi, lớp trưởng lớp Toán khối 11, cũng mơ ước làm bác sĩ. Bố mẹ em chỉ lao động chân tay trên đồng ruộng và cả hai đều mù chữ. Trong 11 anh chị em, một anh trai và hai chị gái của Hakimi đã đi học đại học.

Hakimi còn đứng đầu lớp Tin học, môn mà mới đây các em đã học về hệ điều hành Windows qua sách giấy. Chỉ 1 trong số 60 học sinh trong lớp có máy tính ở nhà.

"Thứ em mong muốn nhất trên đời là một chiếc máy tính xách tay", Hakimi tâm sự.

Với thu nhập dưới 200 USD/tháng, Hiệu trưởng Nasiri phải nuôi gia đình với 6 người con. Thầy Nasiri chia sẻ chỉ 5% học sinh trong trường có phụ huynh biết chữ. Hầu hết gia đình đều làm nghề nông.

3 trường đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển

Trước khi điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố, 3 trường đại học đã có kết quả tuyển sinh dựa trên điểm bài thi đánh giá năng lực hoặc xét tuyển học bạ.


Vũ Trang

Ảnh: New York Times

Bạn có thể quan tâm