Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X bỏ việc giữa mùa dịch, đi bộ từ Nam ra Bắc với 0 đồng trong ví

Kết thúc chuyến đi, Ngọc Quý còn kêu gọi quyên góp được hơn 134 triệu đồng, số tiền này cậu sẽ dành tặng cho trẻ em ở huyện Mường Tè, Lai Châu.

“Còn cách mấy ngã tư là đến đích cuối ở Lăng Bác rồi. Mình đến chậm so với dự tính nhưng không sao, về đích là tốt rồi”, Bùi Ngọc Quý (sinh năm 1997) vừa nở nụ cười lớn vừa nói với những người đang theo dõi livestream của mình.

Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi vì tiết trời oi nồng của thủ đô một ngày hè tháng 7, nhưng vẻ vui mừng lộ rõ trên gương mặt của chàng trai 23 tuổi đến từ huyện Chưprông, Gia Lai.

Những mét cuối, không giấu được vẻ phấn khích, Quý không đi bộ nữa, mà chạy một mạch về bãi cỏ trước Lăng Bác, trong tiếng vỗ tay của nhóm người đã đứng sẵn chờ cậu về đích.

chang trai di bo xuyen viet anh 1

Bùi Ngọc Quý (sinh năm 1997) đi bộ xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội để "thử thách bản thân".

Trước đó, một ngày cuối tháng 5, Quý bắt đầu hành trình đi bộ xuyên Việt của mình, với điểm xuất phát là cầu Sài Gòn (TP.HCM) và điểm cuối là Lăng Bác (Hà Nội).

Lên đường với 0 đồng trong ví, nhưng khi kết thúc chuyến đi, Quý đã vận động được một số tiền lớn, sẽ dùng để ủng hộ xây trường cho trẻ em nghèo vùng cao.

Từ Nam ra Bắc với chiếc ví trống trơn

Quyết định lên đường của chàng trai 23 tuổi đến vào những ngày cách ly xã hội. Nằm nhà nhiều, Quý muốn “thoát ra khỏi con người mình hiện tại”.

Biết đến câu chuyện xuyên Việt của những người đi trước, Quý nghĩ đơn giản “họ làm được, mình cũng làm được”.

Nghĩ là làm, cậu viết đơn xin nghỉ việc, chuẩn bị bắt tay cho chuyến đi. Trước đó, Quý là nhân viên cắm hoa ở Sài Gòn, mức thu nhập khoảng 8 triệu VNĐ/tháng.

Như nhiều người chọn cách từ bỏ công việc ổn định để “thử thách bản thân”, Quý nhận về không ít ánh nhìn nghi hoặc từ bạn bè xung quanh. Bù lại, cha mẹ lại là người ủng hộ Quý thực hiện những gì cậu muốn.

“Mình tự lập sớm nên gia đình cũng khá yên tâm”, Quý cho hay.

Trước ngày lên đường, cậu cắt bỏ phần tóc nhuộm vàng trước kia, đổi sang đầu đinh 3 cm, vừa như một con người mới, vừa giúp tóc tai đỡ vướng víu khi đi bộ đường dài. Hành trang mang theo gói gọn trong 3 bộ đồ, 2 đôi giày thể thao cùng 5 đôi tất. Tất cả được xếp gọn vào chiếc balo đeo trên vai.

Chàng trai lên đường mà không mang theo tiền phòng thân, đi đến đâu sẽ làm việc để kiếm sống ở đó, như một cách “thử thách bản thân thêm nữa”.

“Mình thường xin làm ở những quán ăn, phụ giúp họ việc vặt để đổi lấy bữa cơm. Vừa bỏ sức trẻ khỏe, vừa có thêm cơ hội cọ xát thực tế cuộc sống”, Quý kể.

Nói thì dễ nhưng nhiều lần cậu phải chợp mắt ngoài ghế đá, công viên, bên hiên nhà người dân hoặc những lúc thoải mái hơn sẽ xin được nằm ngủ nhờ trên võng.

Vận động quyên tiền cho trẻ em vùng cao

Thực hiện hành trình vào những ngày hè nóng như đổ lửa, Quý phải lựa giờ xuất phát sớm, từ trước khi mặt trời ló rạng và tranh thủ đi vào ban tối để tránh cái nắng khắc nghiệt dễ làm đuối sức.

“Mình thường xuất phát lúc 3-4 h sáng, đi tới tầm 7-8 h sẽ nghỉ ngơi. Cứ thế đi tiếp đến trưa lại kiếm chỗ nghỉ. Chiều muộn, mình lên đường tiếp, đi đến tối khuya thì kiếm chỗ vệ sinh tắm rửa, ngủ lại”, chàng trai cho biết.

Có ngày đi nhiều nhất, Quý đi được gần 80 km, dành gần trọn 24 giờ trong ngày để rong ruổi trên đường.

“Trước đây, mình thường xuyên chạy bộ. Từ khi quyết định hành trình này, mình đã tập luyện ở mức cao hơn, thế nhưng đến lúc đi vẫn là một câu chuyện khác hẳn”, Quý nhớ lại.

Mấy tuần đầu, đôi chân luôn trong tình trạng đau đớn, phồng rộp, căng cơ. Dù vậy, cậu cho biết không lo lắng về sức khỏe quá nhiều vì tự tin mình đủ sức đi đến đích cuối.

Thế nhưng, thể chất không phải nỗi lo lớn. Thời điểm Quý muốn bỏ cuộc giữa chừng lại là khi cậu đứng ra kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ trên trang cá nhân.

Sau một tuần rời Sài Gòn, chàng trai nảy ra ý tưởng sử dụng chuyến đi của mình để góp tiền cho trẻ em ở huyện Mường Tè, Lai Châu.

“Nhiều anh chị ủng hộ, nhưng cũng có người phản đối, khi đọc những bình luận trái chiều đó, mình từng thấy buồn đến mức có ý định dừng lại”, cậu nói.

Quý cho biết mỗi lần thấy chán nản, cậu lại tìm đọc những lời động viên từ những người theo dõi hành trình của mình. Quý muốn dành để xây một căn nhà sinh hoạt cho trẻ em bán trú vùng cao Lai Châu.

Sau 10 ngày kêu gọi, Quý đã quyên góp 120 triệu VNĐ như dự kiến.

Tiếp tục những chuyến đi

Từng bị người lạ quấy rối, thậm chí đối mặt nguy cơ bị cướp, song Quý vẫn thấy mình may mắn khi chưa gặp phải trường hợp nào quá nguy hiểm. Ngược lại, chàng trai gặp nhiều tấm lòng tốt bụng, từ liên hệ phía trước đưa đón, sắp xếp cho Quý chỗ nghỉ, cho đến những người xa lạ biết đến chuyến đi của Quý trên mạng, bèn “nhập bọn” giữa đường, “tiếp lửa và giúp mình thoải mái hơn hẳn”.

Quý chia sẻ mình lên đường với hành trang lớn nhất là sự kiên trì và niềm tin.

Khép lại những ngày rong ruổi, chàng trai 23 tuổi đã có "vô vàn kỷ niệm", “thoát ra khỏi con người trước đó” và thấy mình vừa trưởng thành vừa làm được điều ý nghĩa cho cộng đồng.

“Tương lai, chắc chắn mình sẽ có những hành trình thử thách bản thân khác, có thể vẫn là đi bộ, có thể theo cách khác”, Quý bộc bạch.

Thời điểm bài viết này được đăng, từ Hà Nội, Quý đi tiếp lên huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Số tiền mọi người quyên góp thêm, cho tới nay, đã là 134 triệu đồng, Quý cho hay sẽ dành để mua các thiết bị cần thiết cho phòng sinh hoạt của các em.

"Mình không muốn vận động ai bỏ việc. Mình cũng không nói về hành trình vừa qua bằng những điều to tát. Nhưng vì còn trẻ, mình muốn một lần được thỏa chí xê dịch, ngắm nhìn trọn vẹn đất nước qua các cung đường. Và hơn hết, có thời gian để suy nghĩ về những điều mình muốn làm trong tương lai, để sống thật ý nghĩa hơn", chàng trai 23 tuổi nói.

Con bại não được cha đưa tới giảng đường hàng ngày

Vợ bị khiếm thị, con trai bại não bẩm sinh, ông Lý Vệ Minh (Trung Quốc) cáng đáng mọi việc của gia đình. Người con ham học, ông quyết định theo con đến từng giảng đường, lớp học.

Hiền Thy

Ảnh: NVCC.

Bạn có thể quan tâm