Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, về câu chuyện các quán hát karaoke tại Seoul vẫn hoạt động bình thường, nơi những tiếp viên nữ được trả tiền để hầu rượu, mua vui cho giới đàn ông công sở giữa lúc làn sóng dịch bệnh thứ hai tấn công Hàn Quốc.
Đêm tối muộn thứ 6 ở thủ đô Seoul, những con đường dẫn xuống lối nhà ga Gangnam vắng tanh bất thường. Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai, khiến 2.000 quán bar và club xung quanh khu ăn chơi đắt đỏ Gangnam lâm vào trạng thái tê liệt.
Tuy nhiên, tại một góc khác của thành phố, các quán karaoke, thường được gọi dưới cái tên “những phòng salon” vẫn chật kín khách, chủ yếu là đàn ông vẫn đang bận đồ công sở và các cô gái make up kỹ càng.
Dù nhiều cơ sở không thiết yếu bị đóng cửa do dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại Hàn, các cửa hàng karaoke vẫn được hoạt động tại thủ đô Seoul. Ảnh: Hancinema. |
Tại Hàn, những cơ sở kiểu này được gọi bằng cái tên chung yuheung upso, ám chỉ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ giải trí chỉ dành cho người lớn. Nam giới khi đến đây sẽ được các nữ tiếp viên tiếp đón trong các căn phòng luôn đầy ắp rượu và đồ nhắm.
Dù hoạt động dưới danh nghĩa kinh doanh hợp pháp và không phải nơi bán dâm, mua dâm, ai cũng hiểu những khách hàng đi ra từ đây có thể dễ dàng rủ các cô gái hầu rượu vào các khách sạn, nhà nghỉ gần đó, với một khoản tiền trả thêm hậu hĩnh.
Những quán karaoke này từng đóng cửa trong 1 tháng khi dịch bệnh tấn công đất nước những tháng trước. Những người chủ kinh doanh phản đối, tuyên bố họ sẽ phá sản nếu không được hoạt động.
Lần này, khi số ca nhiễm mới tăng cao trở lại tại xứ kim chi, các tụ điểm này không còn nằm trong danh sánh cấm, như một minh chứng cho việc các dịch vụ này đóng vai trò không nhỏ tại Hàn.
Ở xứ kim chi, những phòng karaoke này từ lâu đã được coi là nơi để các đối tác làm ăn gặp gỡ, bàn bạc công việc, trao đổi thỏa thuận.
Tại Hàn, những quán hát karaoke trở thành nơi quen thuộc để giới đàn ông bàn bạc công việc trên bàn rượu. Ảnh: Koreaboo. |
“Một bên đối đãi, tặng quà cho bên kia để những lời hứa hẹn, thỏa thuận với nhau được giữ vững. Ở đây, món quà là những khoản tiền khổng lồ chi trả cho các nữ tiếp viên rót rượu vào ly của đàn ông”, Joohee Kim, giáo sư tại Viện Đại học Sogang, nói.
Chính quyền thành phố tuyên bố những địa điểm này không bị coi là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, sự phản đối của người dân tăng cao khi một cơ sở buộc phải đóng cửa do có xác nhận nhân viên dương tính với virus.
Kể từ đó, những phòng karaoke thường xuyên có đội kiểm tra để đảm bảo các biện pháp giãn cách được thực thi nghiêm ngặt.
Trong một cửa tiệm có tên Byul, một nhóm 4 khách hàng nam đang nâng ly, còn những nữ phục vụ chờ sẵn ở bên ngoài. Trong căn phòng có hơn 19 nữ nhân viên ngồi vây quanh, người quản lý ước tính có đến 100 khách hàng nam ghé qua đây mỗi đêm kể từ khi quán mở lại.
“Chúng tôi vệ sinh hàng ngày và thậm chí còn cung cấp khẩu trang cho những ai không có”, người chủ khẳng định.
Sự phổ biến của các phòng salon với rượu và tiếp viên nữ này đã trở nên quá quen thuộc tại xứ củ sâm.
Các phòng salon tại thủ đô Seoul. Ngay sát đó là những khách sạn, nhà nghỉ thường trực sáng đèn. Ảnh: SCMP. |
“Nhân viên tại công ty tôi rất thích uống rượu và kiểu giải trí này. Họ hiếm khi bỏ lỡ cơ hội tụ tập đến các quán hát mỗi khi văn phòng tổ chức”, một quản lý của công ty thiết kế website xin được giấu tên, cho biết.
“Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra, có những người đồng nghiệp của tôi ghé quán karaoke kiểu vậy mỗi ngày. Lần này cũng vậy, khi đại dịch xuất hiện”, ông nói thêm.
Ở Hàn Quốc, việc phụ nữ được sử dụng để giải trí, mua vui cho đàn ông đã kéo dài hàng thế kỷ, xuất phát từ việc những cô gái bị xã hội ruồng bỏ được đào tạo để múa hát, trò chuyện với những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu.
Theo báo cáo năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hơn 50% đàn ông Hàn Quốc đã trả tiền cho các dịch vụ mại dâm ít nhất một lần trong đời.
Theo Eom Joong-sik, giáo sư tại Khoa Truyền nhiễm của Đại học Gachon, quyết định mở lại các phòng karaoke này là sai lầm.
“Trái với siêu thị, cửa hàng tạp hóa, các cửa hiệu này không phải là những cơ sở cần được mở cửa trở lại vì nhu cầu người sử dụng cao. Dù số ca lây nhiễm xuất phát từ đây thấp, vẫn có vô số chỗ đáng lo ngại ở xung quanh các địa điểm này như hệ thống thông gió, phòng vệ sinh, hành lang”, vị giáo sư nói.