Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X với niềm đam mê cải tạo các ngôi nhà xuống cấp

Phạm Tuấn Tú (Hà Nội) cho hay anh thích cảm giác biến những cái cũ thành mới, đồng thời khẳng định việc cải tạo nhà tốn nhiều thời gian, chất xám hơn thường nghĩ.

"Hô biến" một ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp thành một nơi ở mới hiện đại, có diện mạo khác hoàn toàn đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Trên các diễn đàn, nhiều người dùng khoe ảnh căn nhà trước và sau khi cải tạo thu hút nhiều ý kiến, bàn luận từ những người có niềm yêu thích với nhà cửa.

Zing có cuộc trò chuyện với Phạm Tuấn Tú (29 tuổi, Hà Nội), một kiến trúc sư trẻ từng nhận được sự chú ý bởi màn "lột xác" căn nhà cũ thành không gian sống tiện nghi, để tìm hiểu thêm về chủ đề này. Với 9X, cải tạo nhà ngoài là sở thích, đó còn là công việc xứng đáng đầu tư nghiêm túc.

Thích biến cũ thành mới

Niềm yêu thích với thiết kế nhà cửa của Tuấn Tú bắt đầu từ những năm tháng sinh viên tại Đại học Kiến trúc (Hà Nội). Những tiết học trên giảng đường, trải nghiệm đi làm thực tế dần khiến anh thích thú rồi đam mê với công việc kiến trúc sư.

Ban đầu, Tú nhận sửa nhà cho bạn bè. Dần dần, những sản phẩm, công trình có bàn tay anh tham gia được yêu thích, cứ thế khách hàng lại giới thiệu cho những người khác.

Tuấn Tú chia sẻ anh có hứng thú với việc sửa chữa, cải tạo hơn là thiết kế nội thất, trang hoàng một không gian mới sẵn từ đầu. Cảm giác biến cái cũ thành cái mới đem lại nhiều thích thú và đồng thời, tốn nhiều chất xám hơn.

So với những căn rộng rãi, mỗi phòng đảm nhiệm một chức năng, những nhà có diện tích bé, các phòng phải tích hợp vào nhau lại đặt ra cho những người cải tạo như Tuấn Tú một bài toán khó: tiết kiệm tối đa không gian mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của gia chủ.

Có những ngôi nhà quá cũ, cách phân chia không hợp lý, cần đập đi xây lại. Và có khi số tiền bỏ ra lại hạn chế, người cải tạo chỉ có thể dựa vào khung nhà có sẵn để tiến hành làm mới.

Ngoài ra, với chuyên môn của người làm nghề, có những trường hợp Tú nhận ra ngôi nhà sau khi cải tạo sẽ không trợ giúp nhiều cho những người sống ở đó.

“Khi đó, mình sẽ thẳng thắn khuyên khách hàng không nên làm, bởi tốn quá nhiều tiền chỉ để nhà đẹp hơn, mới hơn chứ lại chưa giải quyết được vấn đề chỗ ở”, anh nói.

Khi được hỏi có bao giờ ý tưởng trên bản vẽ đã rất ưng ý mà không được chủ nhà không đồng tình, Tuấn Tú thừa nhận bản thân là một người khá chủ động khi làm việc với khách hàng.

“Mình vốn dành rất nhiều công sức cho thiết kế nên luôn muốn các đề xuất của mình được thông qua, chí ít với tỷ lệ 80% trở lên. Do đó, ngay từ đầu, mình đã tìm hiểu người mình làm việc cùng có tính cách ra sao, dễ tính hay hơi bảo thủ để có cách hợp tác phù hợp”, Tú nói.

Mặt khác, khách hàng chủ yếu là những người trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh phí để mua toàn bộ một căn nhà. Vậy nên cải tạo nhà là cách tiết kiệm, giúp họ vẫn có một chốn ở mới ngay trên nền cũ.

"Xây mới khó, nhưng "sửa lại" còn khó hơn. Với xu hướng người trẻ sống độc lập, sống riêng ngày càng nhiều, việc cải tạo, sửa chữa cho mọi người có cơ hội được ở trong không gian ưng ý, nhưng chi phí rẻ, phù hợp thu nhập hơn".

Vui vì giúp chất lượng cuộc sống cải thiện

Bước đầu, dựa trên chi phí chủ nhà sẵn sàng chi trả, anh sẽ quan sát, hình dung trong đầu để định hình những thứ cần làm, từ đặt vị trí đồ đạc thế nào, sắp xếp lại mọi thứ ra sao đến đường đi kỹ thuật tương ứng.

Khâu lên ý tưởng, phác thảo bản vẽ “thường rất nhanh, chỉ tốn khoảng một ngày”. Trung bình khoảng thời gian để hoàn thành mất từ 10-14 ngày, nếu có phát sinh sẽ rơi vào khoảng 20 ngày.

Trong những công trình từng làm, căn nhà của một người bạn là một trong những sản phẩm anh ưng ý nhất. Khi bắt tay sửa sang, đề bài mà chàng trai nhận được khá nan giải: Trên một diện tích sàn 33 m2 vốn là tầng 2 của một căn nhà ống 3 tầng, phải có đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng bếp cho cặp vợ chồng và một con gái nhỏ tuổi.

Hiện trạng căn nhà đã cũ kỹ, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Cuối cùng, Tuấn Tú quyết định cải tạo khu vực ban công thành một không gian kín, đa chức năng với khu nấu nướng, máy giặt và chỗ phơi phóng quần áo.

Phòng ăn được lắp kính, có view nhìn ra phố và tận dụng ánh sáng tự nhiên, tràn ngập ánh nắng vào cả phòng ngủ liền kề. Phòng vệ sinh chật chội cũng được “giải phóng”. Bồn rửa tay được đặt ra bên ngoài, giúp khu vực này khô ráo.

Hệ tủ nhô ra khỏi tường ở phòng khách, bao gồm khu làm việc “vừa kín vừa hở”, có thể giấu đi bằng vách trượt, đáp ứng đúng theo yêu cầu của chủ nhà về một nơi làm việc kín đáo, tránh ảnh hưởng đến con cái.

Đến giờ, Tuấn Tú phần nào tự hào vì những tâm huyết bỏ ra đã giúp nhiều gia đình cải thiện chất lượng sống, khi ngôi nhà - chốn lui về mỗi ngày của khách hàng - được cải tạo lại với diện mạo mới, tinh tươm, ngăn nắp hơn.

“Khi bàn giao sản phẩm, chủ nhà thường không khen ngợi trực tiếp luôn. Song, mình có thể đọc biểu cảm trên gương mặt để nhận ra họ vui với những gì nhận được. Sau một thời gian sống, khách hàng cũng nhắn tin với mình, bày tỏ nhà mới khiến họ có ý thức gọn gàng nhà cửa hơn”, anh kể.

Về phía chủ nhân của các thiết kế, Tuấn Tú cho hay mỗi lần hoàn thiện, anh lại cảm thấy mãn nguyện.

“Trên bản vẽ ban đầu, mọi đường nét vẫn ở mức phác thảo nguệch ngoạc. Ngay cả ở bản vẽ 3D, mọi thứ mới chỉ dừng ở mức mô phỏng. Nhưng khi đã trang hoàng xong, từng đồ đạc đều được bày biện đầy đủ và sống động, cảm giác lúc đó rất sướng mắt”.

Cải tạo nhà vì đam mê

Các căn nhà được “lột xác” hoàn toàn mới giúp Tuấn Tú nhận kha khá lời khen về tính sáng tạo hay gu thẩm mỹ. Tuy nhiên, 9X cho hay để ra được sản phẩm cuối cùng, bản thân anh trải qua không ít áp lực.

Thời gian cải thiện một căn nhà từ A-Z diễn ra trong vòng hai tuần thoạt đầu nghe có vẻ nhanh chóng, song trên thực tế, Tú gọi đó là lúc “rất stress, rất căng đầu, mất nhiều công sức”.

“Mình phụ trách toàn bộ công trình, từ khâu thiết kế đến thi công, đảm bảo mọi việc diễn ra đúng tiến độ và chất lượng. Thiết kế mình vốn đã nằm lòng. Công việc còn lại là trực tiếp giám sát thợ làm, theo dõi sát sao từng chi tiết. Sai số kích thước cũng phải nhỏ nhất có thể để tránh phát sinh ra vấn đề khác”.

Tuấn Tú thừa nhận anh theo đuổi công việc này vì đam mê, nhiều hơn mục đích thu nhập. Anh chỉ nhận sửa những căn nào thấy thích, không nhận ồ ạt để chăm chút, giúp các thiết kế “có hồn hơn”.

“Song, làm vì đam mê, mình cũng đối mặt với rủi ro. Nhiều khi bản thân đặt rất nhiều tâm huyết vào bản vẽ, nhưng chủ nhà lại từ chối và dựa vào ý tưởng, chất xám của mình để thương thảo làm việc với bên khác rẻ hơn. Người chịu thiệt ở đây là người thiết kế”.

Hiện tại, chàng trai 29 tuổi đang tiếp tục tập trung vào công việc này. “Theo mình, cải tạo đang là một chủ đề còn khá mới mẻ, được nhiều người quan tâm và sẽ còn phát triển nữa”, anh kết luận.

‘Vì dịch, tôi tiết kiệm chục triệu nhờ không còn tụ tập sau giờ làm'

Hết cách ly xã hội, dân văn phòng trở lại nơi làm việc bình thường. Nhiều người từ bỏ việc ăn hàng, la cà sau giờ làm và hình thành thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Trà My

Ảnh: NVCC.

Bạn có thể quan tâm