Tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Minh (20 tuổi, ở Bắc Ninh) là một trong những bệnh nhân trẻ tuổi. Cô hốc hác, xanh xao, ánh mắt vô hồn.
PGS.TS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết Minh thuộc nhóm bệnh nhân trầm cảm nặng. Khai thác tiền sử cho thấy 9X này là người có nhân cách yếu.
Minh xinh đẹp và từng có một công việc ổn định, được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Khi gặp khó khăn trong công việc, tình cảm gặp trục trặc, cô không chịu được áp lực, ngày càng sống trầm lặng hơn. Sau đó, cô bắt đầu bỏ ăn uống, không nói chuyện với ai. Từ một cô gái xinh đẹp đầy sức sống, cô trở nên gầy gò như một cái xác không hồn.
Minh là một bệnh nhân trầm cảm nặng. Ảnh: HQ. |
PGS Phương cho hay hàng ngày Minh vẫn hợp tác điều trị nhưng không giao tiếp và bỏ ăn. Bệnh nhân đang được điều trị theo hướng dùng thuốc trầm cảm. Nếu sau 40 ngày tình trạng không biến chuyển, bệnh nhân sẽ được thay đổi phác đồ mới.
Theo chuyên gia này, hiện nay, giới trẻ bị các yếu tố xung quanh ảnh hưởng rất lớn, gây ra các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm. Xã hội phát triển kéo theo những vấn đề ở giới trẻ như nghiện mạng xã hội, áp lực học tập, công việc, mâu thuẫn tình cảm,… Những người không có sức chống đỡ sẽ dễ bị mắc bệnh.
Do đó, khi có tâm sự, bác sĩ khuyên chúng ta nên chia sẻ với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý để giải tỏa, tránh kìm nén quá lâu sẽ gây ra ức chế và dẫn đến trầm cảm.
Ngoài ra, người dân nên tăng cường rèn luyện thể lực, vận động thể thao, tăng lưu thông máu lên não, cải thiện khả năng chống đỡ, phòng tránh bệnh trầm cảm.
Khi xuất hiện những triệu chứng mất ngủ kéo dài, lo âu, buồn phiền không dứt, người bệnh cần đến chuyên khoa tâm thần để thăm khám.
Nếu bệnh nhân mắc trầm cảm dưới 6 tháng (cấp tính) sẽ điều trị thuốc tấn công liên tục, duy trì thuốc 1,5 năm. Bệnh nhân mắc bệnh trên 6 tháng dùng thuốc tấn công liên tục ít nhất 7-12 tháng và duy trì thuốc điều trị 3-5 năm.
* Tên nhân vật đã được thay đổi