Viveki Kapoor (47 tuổi) làm y tá 23 năm nay. Tháng 4 vừa qua là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của cô. Đêm 23/4, 25 bệnh nhân Covid-19 chết tại bệnh viện nơi cô làm việc ở New Delhi vì thiếu oxy.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy giận dữ và bất lực đến vậy. Nhiều người bệnh có thể không qua khỏi đêm nay. Tôi không biết phải nói gì với thân nhân của họ. Làm thế nào để quên đi và bước tiếp?”, Kapoor buồn bã nói.
Những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe Ấn Độ trở thành tiêu điểm khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tàn phá đất nước với hơn 300.000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, theo The Lily.
Ngoài sự thiếu hụt thiết bị y tế và oxy, tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng đang diễn ra, khiến các bác sĩ và y tá trở nên quá tải. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Ấn Độ hiện chỉ ở mức dưới 3%.
Nhân viên y tế làm việc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Holy Family ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/5. Ảnh: Rebecca Conway/Getty. |
“Mỗi ngày đều như ra chiến trường”
“Các y tá luôn làm việc quá sức. Bây giờ, chúng tôi cũng đang đặt tính mạng của mình vào nguy hiểm”, Kapoor nói.
Cô cho biết trong năm qua, ít nhất một y tá cùng bệnh viện không chống chọi được với virus corona và hơn 50 người khác có kết quả xét nghiệm dương tính.
“Y tá là nghề cao quý. Mọi người thể hiện sự tôn trọng vì chúng tôi là người mà họ có thể tin tưởng. Nhưng giờ chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ”, Kapoor nói thêm.
Khi số ca mắc Covid-19 ở New Delhi bắt đầu gia tăng vào tháng 4, chồng của Kapoor cũng nhiễm bệnh.
“Tôi cảm thấy tội lỗi vì đã lây virus cho chồng. Tôi tự hỏi bản thân lý do để tiếp tục công việc. Nghỉ làm không phải là lựa chọn. Chúng tôi đang thiếu hụt nhân sự”, Kapoor nói.
Kapoor tham gia Hiệp hội Y tá Thống nhất - công đoàn quốc gia cố gắng thu hút sự chú ý tới các vấn đề ảnh hưởng đến thành viên của mình. Nữ y tá nói rằng vấn đề tăng lương tại các bệnh viện tư nhân và đảm bảo việc làm nằm trong số nhu cầu quan trọng nhất.
Nhưng hiện tại, có một số vấn đề cấp bách hơn. “Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp quốc gia và là những người lính ở tuyến đầu”, Kapoor nói.
Nữ y tá bên trong bệnh viện dã chiến BKC jumbo, một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất ở thành phố Mumbai, ngày 7/5. Ảnh: Rafiq Maqbool/AP. |
Đầu tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ tuyển dụng thêm nhiều y tá để bổ sung cho 25.000 người được thuê kể từ khi đại dịch bùng phát. Động thái này được coi là phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng của đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe.
“Thông báo tuyển thêm y tá, bao gồm cả sinh viên, được đưa ra trong tháng này, nhưng nhiều người đang làm việc ở tuyến đầu đã kiệt quệ. Trước tiên, chính phủ nên cải thiện mức lương và điều kiện làm việc của họ”, Harish Kumar Kajla, Chủ tịch Hiệp hội Y tá Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) ở New Delhi, nói.
Viveki Kapoor không đơn độc khi cảm thấy phải làm việc quá sức dù vẫn biết rằng ý thức trách nhiệm là trên hết.
Philomina Dange (30 tuổi), làm việc tại bệnh viện ung thư ở thành phố Mumbai - nơi cũng có khu điều trị Covid-19.
“Với chúng tôi, mỗi ngày đều như ra chiến trường”, cô nói.
Chăm sóc cho các bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư và nhiễm SARS-CoV-2 là điều mà những y tá như Dange không được chuẩn bị.
“Đó là cuộc chiến giữa Covid-19, ung thư và ý chí của bệnh nhân. Nhiễm virus ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và tinh thần của họ khi luôn nghĩ rằng ‘Tôi sắp chết’”.
Các nhân viên y tế giúp nhau mang đồ bảo hộ trước khi vào chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong khu ICU tại Bệnh viện Holy Family ngày 6/5. Ảnh: Rebecca Conway/Getty. |
Sự mệt mỏi vì phải làm việc hơn một năm ở tiền tuyến đang đè nặng lên vai Dange. Ba ngày trước lễ kỷ niệm ngày cưới đầu tiên vào tháng 5/2020, Dange phải đi cách ly vì 6/8 bệnh nhân cô tiếp xúc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Dange không có triệu chứng bệnh, nhưng đi cách ly vì muốn bảo vệ chồng và gia đình chồng.
Giống như nhiều y tá trên khắp Ấn Độ, Dange nghĩ cô luôn có nguy cơ mắc Covid-19 trong suốt năm qua. “Có những lúc tôi bị sốt và cảm thấy mệt mỏi đến thấu xương. Nhưng sau khi uống một viên paracetamol, tôi lại chạy đi làm”, cô nói.
Không thể sợ hãi
Với sự gia tăng số ca bệnh, một số bang ở Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu y tá. Họ bắt đầu tuyển dụng, nhưng nhiều người cho rằng đã quá muộn.
Ở Bihar năm ngoái, các nhân viên y tế đã đình công đòi tăng lương. Tại Gujarat, chưa đến 10% nhu cầu về y tá được đáp ứng thông qua đợt tuyển dụng vào tháng 4, phản ánh mức lương thấp, đặc quyền hạn chế và nguy hiểm đến tính mạng.
“Đó là công việc bạc bẽo. Mức lương cho y tá có thể thấp tới mức 10.000 rupee, tương đương 135 USD/tháng, ngay cả ở thủ đô”, Kajla của công đoàn AIIMS nói.
Y tá nắm tay bệnh nhân Covid-19 trong nỗ lực giúp anh bình tĩnh trở lại tại bệnh viện dã chiến BKC jumbo ngày 6/5. Ảnh: AP. |
Không có thống kê chính thức về số lượng nhân viên y tế chết vì Covid-19.
Ginni Kaur (37 tuổi) là y tá tại gurdwara, nơi thờ cúng Đạo Sikh ở New Delhi, từ năm 2005. Có lẽ khi chăm sóc bệnh nhân ở đó, cô đã nhiễm virus corona, theo lời Gurpreet - bạn của Kaur.
Ngày 17/4, Gupreet nhận cuộc gọi từ Kaur và được biết người bạn bị sốt, có nguy cơ mắc Covid-19.
“Cô ấy biết mọi thứ đang rất tồi tệ ở New Delhi và tự hỏi liệu mình có giường bệnh nếu cần không. Tôi chỉ biết an ủi cô ấy suy nghĩ tích cực và cố gắng trở nên khỏe hơn”, Gurpreet nói.
Sau đó, Kaur sốt cao và khó thở. Gurpreet và những người khác đã lấy cho Kaur một bình oxy nhưng vẫn chưa đủ. Ngay sau đó, Kaur phải nhập viện. Các bác sĩ cố gắng hết sức nhưng không giúp được gì.
“Chúng tôi đợi ở bệnh viện để ít nhất một bác sĩ đến khám cho cô ấy nhưng có 200 người khác cũng đang chờ. Sau đó chúng tôi hiểu rằng cô ấy dần rời xa mình”, Gurpreet đau lòng nhớ lại.
Y tá Ginni, bạn của Gurpreet, cũng phải vật lộn vì nhiễm virus và thua trận trong khi chờ đợi tại khu thương vong của bệnh viện. “Cô ấy đã chiến đấu cho cuộc sống của chính mình. Cuối cùng, chúng tôi mất cô ấy vì hệ thống thất bại”, Gurpreet nói.
Trên khắp Ấn Độ, các y tá như Kapoor và Dange nhận thức được sự nguy hiểm của nghề nghiệp, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, họ trở lại khu chăm sóc đặc biệt mỗi ngày.
“Giống như các chiến sĩ, chúng tôi không thể sợ hãi. Nếu chúng tôi từ bỏ hy vọng, ai sẽ chăm sóc cho người dân?”, Kapoor nói.