Theo thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương, chỉ tính riêng trong tuần 5-11/9, cơ sở y tế này đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó. Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ tử vong có nhiễm Adenovirus.
Những thông tin này khiến nhiều người lo lắng về sự nguy hiểm của Adenovirus. Nhưng trên thực tế, đây là virus phổ biến, vẫn luôn gây bệnh cho con người, nhất là trẻ nhỏ.
Loại virus gây nhiều căn bệnh phổ biến
Adeno vốn không phải loại virus mới gặp, chúng vốn xuất hiện từ lâu và gây nhiều căn bệnh phổ biến.
Năm 1953, chủng adeno virus đầu tiên được phân lập từ mô sùi vòm họng và hạch hạnh nhân của người. Vì chúng gây thoái hóa tế bào nên được gọi là virus A.D (Adenoid degenerative).
Sau đó, những virus tương tự được phân lập từ người không bị bệnh và người bệnh với các tên gọi khác nhau như virus APC (Adeno Pharyngeal Conjunctival), virus ARD (Acute Respiratory Diseases).
Năm 1956, tên adeno được đặt cho nhóm virus này và được dùng cho đến ngày nay.
Cuối năm 2021, thế giới xuất hiện làn sóng viêm gan bí ẩn ở trẻ em với hơn 1.000 trẻ em tại 35 quốc gia và 22 trường hợp tử vong. Nghi phạm hàng đầu của trận dịch này được cho là Adenovirus.
Adeno là nghi phạm hàng đầu mà các chuyên gia cho rằng có thể gây ra làn sóng viêm gan bí ẩn. Ảnh: BSIP/Universal Images Group. |
Theo tài liệu của Đại học Stanford, adeno là nhóm virus phổ biến, có thể gây ra nhiều bệnh như cảm lạnh thông thường hoặc triệu chứng giống cúm, sốt, viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột cấp tính. Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 loại virus adeno, trong đó, 50% đã truyền nhiễm sang con người.
Adeno có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh hô hấp hoặc tim có nguy cơ cao bị bệnh nặng do nhiễm trùng adeno.
Trong khi đó, virus adeno 40, 41 thuộc nhóm 7, còn được gọi là virus adeno đường ruột vì chúng liên quan tình trạng viêm dạ dày ruột. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy nặng đến mức nhập viện ở trẻ em, sau rotavirus. Loại 40 có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em dưới 12 tháng và loại 41 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở trẻ em khoảng 28 tháng tuổi.
Adenovirus lây lan như thế nào?
Theo WebMD, loại virus này tồn tại ở những nơi đông trẻ em như trường học, nhà trẻ, trại hè. Chúng rất dễ lây và phát tán khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt chứa virus bay vào không khí và hạ cánh trên các bề mặt. Trẻ bị nhiễm bệnh khi chạm tay vào bề mặt chứa virus và sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Virus nhanh chóng xâm nhập vào trong cơ thể và gây bệnh.
Người chăm sóc có thể bị nhiễm virus khi thay tã cho trẻ hoặc ăn phải thức ăn do người bệnh chế biến. Adenovirus cũng có ở trong môi trường nước như bể bơi nhưng không phổ biến.
Adenovirus gây ra nhiều triệu chứng tùy theo chủng virus. Trẻ em là nhóm có nguy cơ mắc cao nhất. Ảnh: Freepik. |
Mỗi loại Adenovirus có thể ảnh hưởng đến người bệnh theo những cách khác nhau. Trong đó, các triệu chứng thường gặp là:
- Viêm phế quản: Ho, sổ mũi, sốt, ớn lạnh
- Cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác: Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau họng, sưng hạch
- Viêm thanh quản: Ho khan, khó thở, thở khò khè
- Nhiễm trùng tai: Đau tai , khó chịu, sốt
- Viêm kết mạc: Mắt đỏ, chảy dịch từ mắt, chảy nước mắt, cảm giác như có vật gì trong mắt
- Viêm phổi: Sốt, ho, khó thở
- Nhiễm trùng dạ dày và ruột: Tiêu chảy, nôn, nhức đầu, sốt, co thắt dạ dày
- Sưng não và tủy sống (viêm màng não và viêm não): Nhức đầu , sốt, cứng cổ, buồn nôn và nôn (trường hợp này hiếm gặp)
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nóng rát và đau khi đi tiểu, thường xuyên phải đi, tiểu ra máu
Nhìn chung các bệnh do Adenovirus gây ra thường chỉ có triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Nhưng trong một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch kém, đặc biệt là trẻ em. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có triệu chứng nhiễm Adenovirus cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Ngoài ra, trẻ có bất kỳ triệu chứng như khó thở, sưng quanh mắt, sốt không hạ sau vài ngày, mất nước cần được nhập viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Cũng như các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, cách phòng ngừa nhiễm Adenovirus là rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch; khử trùng các bề mặt như đồ chơi, tay nắm cửa...; hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; không tiếp xúc với người có triệu chứng về đường hô hấp; đeo khẩu trang ở nơi công cộng.