Trước thông tin này, các chuyên gia lạc quan một cách thận trọng khi cho rằng ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đợt bùng phát đậu mùa khỉ đã qua đỉnh dịch. Cách đây ít ngày, giới chức Mỹ cũng cho biết đã có đủ nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ, mặc dù số vaccine này vẫn không đến được với một số người cần được bảo vệ nhiều nhất.
Số ca mắc trên toàn cầu giảm 21%
Ngày 26/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã giảm 21% so với tuần trước. Xu hướng này cũng đã kéo dài suốt một tháng qua.
Tại Mỹ, số ca mắc vẫn được ghi nhận hàng ngày nhưng một số chuyên gia nhận định làn sóng này đang hạ nhiệt, phần lớn dựa vào khả năng miễn dịch khỏi bệnh nhiễm trùng từ trước và thay đổi hành vi khi nhận thức về căn bệnh tăng lên.
Dù vậy, theo Guardian, các chuyên gia cảnh báo điều này không có nghĩa căn bệnh đã được kiểm soát.
Từ cuối tháng 5 đến nay, Mỹ đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc đậu mùa khỉ. Đợt bùng phát lần này lan tới 80 quốc gia bên ngoài châu Phi, phần lớn virus lây truyền giữa những người đồng tính nam và lưỡng tính.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi và các vết loét chứa đầy mủ là triệu chứng điển hình nhất. Căn bệnh hiếm khi gây tử vong.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn tại Mỹ như New York, San Francisco và Chicago đang có xu hướng giảm. Ảnh: Brendan McDermid/Reuters. |
Việc triển khai vaccine Jynneos khá chậm chạp do nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Đây cũng là loại vaccine được nhiều nơi phê duyệt trong ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Một số ý kiến cho rằng nhận thức về rủi ro và khả năng miễn dịch được nâng cao dường như đang làm chậm sự lây lan của đậu mùa khỉ.
Chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm DrGerardo Chowell, Trường Y tế Công cộng, thuộc Đại học bang Georgia, Mỹ, nhận định: “Rất có thể dịch bệnh này đã đạt đỉnh vào tuần trước".
Mô hình mới nhất của ông Chowell dự báo làn sóng đậu mùa khỉ ở Mỹ sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong 4 tuần tới. Sự sụt giảm có thể không đủ để dập tắt đợt bùng phát nhưng chúng sẽ đưa sự lây lan xuống mức rất thấp.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không đưa ra bình luận về xu hướng này.
Theo NPR, hơn 94% ca mắc bệnh đậu khỉ ở Mỹ liên quan hoạt động tình dục. Và hôm 26/8, các quan chức CDC nhấn mạnh dữ liệu mới cho thấy cộng đồng đồng tính nam đang sửa đổi hành vi tình dục để đáp lại thông điệp về bệnh đậu mùa khỉ.
Trong một cuộc khảo sát trực tuyến, khoảng 50% số người được hỏi cho biết họ đã giảm "số lượng bạn tình, những lần 'tình một đêm' qua ứng dụng hẹn hò vì bệnh đậu mùa khỉ". Một nghiên cứu khác do CDC công bố cho thấy "giảm 40% 'tình một đêm' có thể trì hoãn sự lây lan và giảm tỷ lệ người mắc bệnh" lên đến 30%.
Chênh lệch tỷ lệ bao phủ vaccine
Nhà dịch tễ học, tiến sĩ Celine Gounder, Tổng biên tập tờ Kaiser Health News, cho rằng thay đổi hành vi là nguyên nhân chính giúp giảm sự lây lan của đậu mùa khỉ. Nhưng bà cảnh báo "mọi người mệt mỏi vì phải thay đổi hành vi" và sự lây lan có thể tăng ngược trở lại, ít nhất là cho đến khi người dân được tiêm đủ hai liều vaccine Jynneos.
Hiện tại, các ca bệnh dường như giảm mạnh ở một số thành phố lớn của Mỹ - nơi vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ủy viên Sở Y tế thành phố New York, ông Ashwin Vasan, chia sẻ điều này trong bài đăng trên Twitter cách đây ít ngày: "Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về dữ liệu này, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo đây là xu hướng bền vững".
Tương tự, dữ liệu theo dõi các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở San Francisco và Chicago cũng cho thấy xu hướng giảm trong vài tuần qua. Người phát ngôn của Sở Y tế Công cộng Chicago, ông James Scalzitti, cho biết thành phố có thể đang ở ngã rẽ nhưng cần có thêm dữ liệu để xác nhận xu hướng đậu mùa khỉ đã giảm.
Trợ lý bác sĩ Susan Eng-Na (bên phải) tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người dân tại một điểm tiêm chủng ở New York, Mỹ. Ảnh: Mary Altaffer/AP. |
Các dấu hiệu khác cũng đang chứng minh cho điều này. Theo dữ liệu trên website của CDC, tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã giảm mạnh từ 55% (ngày 16/7) xuống còn 24% (ngày 25/8).
Trong khi đó, khoảng 10% số vaccine đã được tiêm cho người da màu, dù họ chiếm tới 1/3 ca mắc bệnh ở Mỹ.
Con số mới được ghi nhận ở 17 tiểu bang và hai thành phố. Chúng đại diện cho bức tranh toàn cảnh về xu hướng trái ngược trong tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Mỹ hiện nay.
Các chuyên gia nhận định sự chênh lệch này có thể liên quan cách thức và địa điểm vaccine được cung cấp, công khai. Theo ông Yvens Laborde, Giám đốc giáo dục sức khỏe toàn cầu của Ochsner Health, tại New Orleans, cho biết khoảng cách này phản ánh sự chênh lệch vốn đã thấy trong đại dịch Covid-19. Vị chuyên gia cảnh báo nếu không cẩn thận, vết xe đổ của Covid-19 sẽ tái diễn ở đậu mùa khỉ.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).