adidas cho biết họ sẽ "rời bỏ" Reebok sau 15 năm sở hữu. Theo Highsnobiety, sự xác nhận này xuất hiện sau những tin đồn liên quan đến một vụ mua bán từ tháng 10/2020.
Theo Kasper Rorsted - giám đốc điều hành của adidas, 2 thương hiệu có thể nhận ra tiềm năng phát triển độc lập với nhau. Ông nhấn mạnh cơ hội tăng trưởng dài hạn trong ngành, đặc biệt là đối với các thương hiệu thể thao mang tính biểu tượng.
Nhãn hàng 3 sọc cho biết họ sẽ tập trung vào việc củng cố thương hiệu trên thị trường đồ thể thao toàn cầu.
adidas quyết định tiến trình thoái vốn với Reebok. Ảnh: Insider. |
"Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ trong những tháng tới để đảm bảo một tương lai thành công cho thương hiệu Reebok và đội ngũ phía sau", Kasper Rorster nói.
Có một số bên tiềm năng đã "xếp hàng", thể hiện sự quan tâm đến việc mua Reebok. Authentic Brands Group - một tập đoàn quản lý thương hiệu - gần đây mua lại Brooks Brothers và Barneys New York cũng nằm trong số này.
Những người mua khác bao gồm VF Corp - công ty mẹ của Vans và The North Face, Anta Sports, cựu vận động viên Shaquille O'Neal...
Reebok đã phải vật lộn vào thời kỳ đại dịch khi doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2020. adidas cũng gặp khó khăn tương tự khi doanh thu cùng kỳ giảm 20% so với năm ngoái.
Cardi B từng bị chê như nhân vật phim kinh dị khi đóng quảng cáo cho Reebok. Ảnh: Rolling Stone. |
Việc đóng cửa hàng, cắt giảm chi phí, hợp tác với các nghệ sĩ như Cardi B và Ariana Grande giúp Reebok thu lợi nhuận, thúc đẩy tăng trưởng doanh số ở Bắc Mỹ. Song đại dịch xảy ra khiến nhiều cửa hàng của 2 thương hiệu thể thao phải đóng cửa.
adidas sẽ chia sẻ kế hoạch chi tiết hơn liên quan đến tương lai Reebok khi công ty trình bày thuyết trình chiến lược mới của mình với các nhà đầu tư vào ngày 10/3.
Năm 2006, thương hiệu thời trang Đức mua lại Reebok với giá 3,8 tỷ USD, nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Reebok có các hợp đồng may mặc với Hiệp hội Bóng rổ quốc gia (NBA) và Liên đoàn Bóng đá quốc gia (NFL).