Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm giết người nguy hiểm nhất thế giới. Theo ước tính của tổ chức này, mỗi ngày, gần 4.000 người mất mạng vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc bệnh có thể phòng ngừa, chữa khỏi.
Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo trên toàn cầu năm 2018 của WHO, Việt Nam có 124.000 bệnh nhân và khoảng 12.000 tử vong do căn bệnh này trong năm 2017.
Hai loại của bệnh lao
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, được phân thành 2 loại theo vị trí giải phẫu gồm lao phổi và lao ngoài phổi.
- Lao phổi
Bệnh lao tổn thương ở phổi - phế quản, bao gồm cả lao kê. Trường hợp tổn thương phối hợp ở phổi và cơ quan ngoài phổi được phân loại là lao phổi. Đây là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80-85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Cơ thể gầy gò của người đàn ông mắc bệnh lao. Ảnh: The Guardian Nigeria. |
- Lao ngoài phổi
Bệnh lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi như màng phổi, hạch, màng bụng, sinh dục tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim..., Nếu lao nhiều bộ phận, nơi có biểu hiện tổn thương nặng nhất (lao màng não, xương, khớp...) được ghi là chẩn đoán chính.
Hiện hầu hết cơ sở y tế tuyến quận, huyện, trạm y tế xã, phường... đều có tổ theo dõi và cấp thuốc, điều trị cho bệnh nhân lao cư trú tại địa phương. Tại TP.HCM, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là đơn vị chuyên điều trị bệnh nhân lao, đa số là thể nặng.
Ai dễ mắc bệnh lao?
Theo phân loại của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh lao nhất gồm:
- Người nhiễm HIV
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em
- Người mắc các bệnh mạn tính như loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn...
- Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào
- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư...
Lao là bệnh có thể lây nhiễm từ người mang trùng sang người lành thông qua hoạt động hô hấp như ho, hắt hơi, khạc nhổ… Ảnh: Freepik. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoài Minh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết so với Covid-19, lao có mức độ lây truyền nguy hiểm hơn.
Bệnh lao lan truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc giọt bắn ra từ cổ họng và phổi của người bệnh lao phổi giai đoạn tiến triển. Chỉ khoảng 5-10% người bị nhiễm vi khuẩn sẽ phát triển bệnh lao trong đời.
Vi khuẩn lao trong các hạt mịn có kích thước rất nhỏ, lơ lửng trong không khí từ giọt bắn của người mắc bệnh. Ở môi trường tự nhiên, vi khuẩn có thể sống vài giờ. Trong khi đó, SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua việc hít trực tiếp các giọt bắn đường hô hấp xuất phát từ người bệnh.
Triệu chứng của bệnh lao phổi bao gồm ho, đôi khi có đờm, hoặc ho ra máu, đau ngực, suy nhược, gầy sút, sốt và ra mồ hôi về đêm.
Điều cần biết về vaccine phòng bệnh lao
Tại Việt Nam, vaccine phòng lao được sử dụng phổ biến là sản phẩm thuộc Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC).
Thời gian bảo vệ của vaccine là từ 4-5 năm cho đến 15-20 năm, thay đổi tùy theo công trình nghiên cứu. Người ở khu vực nguồn lây nhiễm lao cao nên tiêm chủng BCG càng sớm càng tốt.
Bệnh lao có thể phòng ngừa tốt nhờ vaccine. Ảnh: CTVnews. |
Những người không nên tiêm vaccine là bệnh nhân ung thư, bạch hầu và người mắc một số bệnh mạn tính như viêm thận mạn, hội chứng thận hư, suy tim...
Các trường hợp tạm thời nên hoãn tiêm vaccine là trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thiếu cân, mắc bệnh cấp tính (cả trong giai đoạn phục hồi) hay các vấn đề ngoài da đang tiến triển.
Vaccine lao được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do có hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, bao gồm lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc điều trị lao là quá trình lâu dài. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo người mắc bệnh lao nên dùng thuốc đúng lịch và chính xác theo liều lượng được chỉ định, không tự ý ngưng thuốc, tái khám đúng hẹn, liên hệ ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường (sốt, ho, ớn lạnh, đờm có máu...).
Người bệnh nên chủ động giữ gìn sức khỏe, tránh lây nhiễm bệnh cho người khác để đảm bảo an toàn chung cho cộng đồng.
Thông điệp trong Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay của Việt Nam là "Chiến thắng Covid-19 - Chấm dứt bệnh lao". Các chuyên gia nhấn mạnh trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các biện pháp phòng dịch Covid-19 cũng là cơ hội giúp Việt Nam phòng ngừa bệnh lao, hướng đến mục tiêu chấm dứt căn bệnh này vào năm 2030.