Thời tiết chuyển mùa từ đông sang hè là thời điểm bùng phát sốt virus. Ảnh: Mallareddynarayana. |
Sốt virus là tình trạng phổ biến có thể tấn công bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt từ đông sang hè, là khoảng thời gian bùng phát sốt virus.
Nguyên nhân
Theo India Times, tiến sĩ Sunita Kapoor, Giám đốc kiêm nhà tư vấn bệnh học tại Trung tâm X-ray and Scan, New Delhi (Ấn Độ), cho biết cúm theo mùa/sốt virus lây lan rất dễ dàng, với tốc độ lây truyền nhanh chóng ở những khu vực đông đúc bao gồm trường học và viện dưỡng lão.
"Khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, những giọt nhỏ chứa virus (giọt truyền nhiễm) sẽ phát tán vào không khí và có thể lan rộng đến một mét, và lây nhiễm cho những người ở gần hít phải những giọt này. Virus cũng có thể lây lan qua bàn tay bị nhiễm virus cúm", tiến sĩ Kapoor chia sẻ.
Phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính và mắc bệnh ức chế miễn dịch (chẳng hạn HIV/AIDS, đang dùng hóa trị liệu hoặc steroid, hoặc bệnh ác tính) có nguy cơ mắc bệnh sốt virus cao hơn. Nhân viên y tế cũng có khả năng cao bị nhiễm virus cúm do tiếp xúc với bệnh nhân nhiều và nguy cơ lây lan hơn nữa, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương.
Trẻ em là trường hợp dễ bị virus và gặp biến chứng cao vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ảnh: Humaverse. |
Biến chứng của sốt virus
Theo tiến sĩ Kapoor, đau cơ và khớp, nhức đầu, kiệt sức, sổ mũi hoặc đau họng, thân nhiệt tăng, thường xuyên ớn lạnh và mất nước là những dấu hiệu ban đầu của nhiễm virus. "Mọi người không nên phớt lờ tình trạng sốt cao, đau họng, đau nhức cơ, nhức đầu và mệt mỏi", chuyên gia này khuyến cáo.
Hầu hết cơn sốt virus gây ra kéo dài 3-4 ngày, mặc dù một số trường hợp có thể kéo dài ít nhất là một ngày và những trường hợp khác, chẳng hạn sốt do sốt xuất huyết, có thể kéo dài đến 10 ngày hoặc hơn. Sốt virus có thể có nhiệt độ từ 37,2 độ C đến hơn 39,4 độ C, tùy thuộc vào loại virus tiềm ẩn.
Trong hầu hết trường hợp, sốt virus không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu cơn sốt lên tới 39 độ C hoặc cao hơn hoặc ở trẻ là trên 38 độ C, tốt nhất bạn nên gọi bác sĩ. Hầu hết cơn sốt virus sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày, nhưng nên đi khám bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng như đau đầu dữ dội, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng. Đây là những triệu chứng cảnh báo bệnh viêm màng não.
Những trường hợp sốt virus nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Mất nước.
- Mê sảng và ảo giác.
- Sốc.
- Trục trặc hệ thống thần kinh.
- Hôn mê.
- Co giật.
- Suy thận, gan.
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu).
Sốt virus gây ra bởi các loại virus như arbovirus có thể dẫn đến xuất huyết trên da, các cơ quan nội tạng, miệng, mắt hoặc tai. Điều này có thể gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn bị sốt và bạn:
- Suy giảm miễn dịch.
- Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như steroid, methotrexate hoặc thuốc trị ung thư.
- Người nhận cấy ghép.
- Dương tính với HIV.
- Khó thở.
- Bối rối hoặc buồn ngủ bất thường.
- Gần đây đã đi du lịch nước ngoài.
Nên làm gì khi bị sốt virus?
Những điều cần làm khi bị sốt vius:
- Nghỉ ngơi và ngủ nhiều.
- Uống nhiều chất lỏng, chẳng hạn nước, súp và nước ép trái cây, để giữ nước.
- Sử dụng thuốc giảm đau để hạ sốt, chẳng hạn paracetamol. Tuy nhiên, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ.
- Trong khi hắt hơi hoặc ho, hãy che miệng và mũi.
- Để duy trì độ ẩm trong không khí và giúp thở dễ dàng hơn, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm.
- Ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau và thực phẩm giàu protein.
- Hãy gọi bác sĩ nếu bị sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như lú lẫn, khó thở hoặc đau ngực.
Những điều không nên làm:
- Không nên sử dụng thuốc kháng sinh để tự điều trị vì chúng không hiệu quả đối với các bệnh do virus.
- Tránh uống rượu vì nó có thể làm tăng các triệu chứng bệnh và dẫn đến mất nước.
- Tránh tập thể dục hoặc hoạt động thể chất quá mức.
- Hút thuốc có thể gây kích ứng hệ hô hấp, vì vậy, hãy cố gắng tránh hút thuốc.
- Không bao giờ cho người lạ mượn đồ dùng cá nhân, bao gồm khăn tắm, đồ dùng và ly.
- Đừng phớt lờ các triệu chứng vì chúng có thể nặng dần và gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
Bạn đã từng cảm thấy muốn ăn uống gì đó khi buồn bực, tức giận? Hay thậm chí vui vẻ cũng làm bạn ngon miệng và ăn nhiều hơn? Đặc biệt là thèm ăn rất nhiều thực phẩm không lành mạnh? Đây thực sự là tâm lý của rất nhiều người nhưng thực tế, nó không tốt cho sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo sẽ cho bạn thấy tác hại của việc ăn uống theo tâm trạng. Cuốn sách cũng là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần.