Năm 2019, 27 triệu người Ấn Độ chi khoảng 28 tỷ USD ở nước ngoài. Đến năm 2022, một người Ấn Độ chi trung bình 1.200 USD cho mỗi chuyến du lịch, theo thống kê từ Đại sứ quán Ấn Độ.
Dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho thấy người dân Ấn Độ không cắt xén mức tiêu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút. Họ rút tổng cộng 17 tỷ USD vào năm 2023 và năm nay để du lịch nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2023, số tiền chi cho du lịch là gần 10 tỷ USD.
Economic Times cũng ước tính trong năm nay, du khách Ấn Độ chi khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài, khi số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng cao. Chưa kể, quốc gia này hiện có khoảng 80 triệu hộ chiếu lưu hành. Những con số trên lần nữa chứng minh khả năng "đẻ trứng vàng" của thị trường khách Ấn Độ.
Đà Nẵng đang đi đầu
Theo thạc sĩ Phạm Đức Thiện, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về tư tưởng và văn hóa. Khoảng cách giữa 2 quốc gia không xa, các đường bay kết nối trực tiếp TP.HCM, Hà Nội (Việt Nam) với thành phố Mumbai, thủ đô New Delhi (Ấn Độ) tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vì du khách Ấn Độ không thích du lịch dài ngày.
"Mối quan tâm lớn của du khách Ấn Độ còn nằm ở chi phí, trong khi Việt Nam ghi điểm với giá dịch vụ cạnh tranh trong khu vực. Giá vé máy bay khá rẻ, tạo cơ hội để du khách đến và tìm hiểu về Việt Nam", thạc sĩ này nói với Tri Thức - Znews.
Cô dâu Kulvin Kaur và chú rể Dilip Bhagwan (người Ấn Độ) tổ chức "siêu đám cưới" tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 2. Ảnh: Kulvin Kaur. |
Mặt khác, Việt Nam cũng thu hút thị trường khách này bởi nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều điểm đến có sức hấp dẫn, cơ sở hạ tầng chất lượng cao như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh)…
Thạc sĩ Đức Thiện chỉ ra Đà Nẵng đi đầu trong việc đón tiếp "làn sóng" du khách Ấn Độ đến Việt Nam. Thành phố này đầy tiềm năng khi có giao thông tốt, bờ biển dài và thời tiết đúng sở thích của du khách Ấn Độ. Ngoài ra, Đà Nẵng còn nằm gần thánh địa Mỹ Sơn - trung tâm Ấn giáo lớn nhất Việt Nam, cùng với đó là hệ thống nhà hàng Halal (Hồi Giáo), các điểm lưu trú đa dạng...
"Hiểu tiêu chí, kết hợp thế mạnh hiện có, Việt Nam đủ sức đón tiếp tốt thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, việc thu hút chỉ là bước đầu, quan trọng vẫn là chất lượng phục vụ. Ngành du lịch nước ta chưa tiếp xúc nhiều với thị trường 'khổng lồ' này nên sẽ gặp khó khăn ban đầu. Hơn nữa, thị trường Ấn Độ phức tạp, việc đón tiếp không phải 'sớm chiều'", thạc sĩ này cho biết.
Ẩm thực 'khó chiều' của người Ấn
Thị trường khách Ấn Độ tăng nhanh được minh chứng qua những con số, nhưng ngành du lịch Việt Nam cần hoàn thiện hệ sinh thái, đồng thời đánh trúng tâm lý về ẩm thực và cầu nguyện để khai thác được "mỏ vàng" này.
Nắm "gu" văn hóa, ẩm thực giúp Việt Nam giữ chân du khách Ấn Độ. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Thạc sĩ Đức Thiện phân tích Ấn Độ là quốc gia đa tôn giáo với nhiều hình thức thực hành tôn giáo khác nhau. Đồng thời, chế độ đẳng cấp vẫn còn khắt khe. Du khách Ấn Độ tham gia du lịch nước ngoài thường có địa vị kinh tế và xã hội cao, thu nhập đáng kể. Do đó, họ yêu cầu cao về mặt hàng và dịch vụ, đặc biệt là thận trọng trong cách tiếp cận du lịch, ăn uống.
Các tầng lớp xã hội khó chấp nhận việc ngồi ăn hay mua sắm cùng nhau tại một nơi. Ví dụ, người thuộc tầng lớp cao chỉ sử dụng dịch vụ cao cấp, không thể ngồi chung không gian ăn uống với tầng lớp thấp.
"Nếu xác định Ấn Độ là thị trường mục tiêu, Việt Nam cần đa dạng hóa nhà hàng, điểm lưu trú, khu mua sắm… để phù hợp với nhu cầu của từng tầng lớp. Từ đó làm hài lòng thị trường khách 'sộp', tạo hứng thú để họ quay lại và 'làm giàu' cho du lịch", thạc sĩ này chia sẻ.
Du khách Ấn Độ nổi tiếng với nguyên tắc ăn uống khắt khe. Họ thường ăn chay hoặc kiêng các thực phẩm từ thịt bò, thích cách chế biến hăng cay và nhiều gia vị. Dù du lịch nước ngoài, thị trường khách này vẫn "trung thành" với ẩm thực Ấn Độ.
Tuy nhiên, số nhà hàng Ấn Độ tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM… chỉ đếm trên đầu ngón tay, cần mở thêm nhà hàng trên các tuyến điểm du khách Ấn Độ thường đến. Đặc biệt, nhà hàng Ấn Độ tại các thành phố lớn cần chứng nhận chuẩn Halal để du khách Ấn Độ tin tưởng.
"Đào tạo đầu bếp nấu các món Ấn Độ là cần thiết. Việt Nam có lợi thế về nguồn rau củ quả, thịt heo và gia cầm cũng có thể bổ sung vào thực đơn. Các điểm lưu trú cũng cần bố trí không gian ẩm thực Ấn Độ. Nếu làm tốt, Việt Nam sẽ giữ chân họ lâu hơn", vị thạc sĩ nhận định.
Du khách Ấn Độ rất quan trọng việc ăn uống, việc thiếu nhà hàng và đầu bếp chuẩn Halal là trở ngại không nhỏ trong việc đón tiếp. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Ngoài phục vụ tốt về ăn uống và tín ngưỡng, việc hoàn thiện hệ sinh thái với những dịch vụ liên quan cũng quan trọng không kém. Du khách Ấn Độ thích mua sắm vật phẩm và quà lưu niệm trong trung tâm thương mại. Theo nghiên cứu đặc điểm tâm lý du khách Ấn Độ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, họ thường mua trang sức, ngọc trai, tranh thêu, tranh sơn dầu dát vàng, đồ thủ công mỹ nghệ…
"Xây dựng các sản phẩm đúng với nhu cầu là cách lấy lòng thị trường khách Ấn Độ. Để tăng tính thu hút, cần có những giải pháp đồng bộ phù hợp với văn hóa và thị hiếu đặc biệt của thị trường này", thạc sĩ Đức Thiện thông tin.
Khách Ấn kéo sang, ai là người tiếp?
Trong khi đó, chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội nhận định nguồn nhân lực là "chìa khóa" giúp thu hút và đón tiếp thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng tốt yếu tố này.
Để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt và đưa du khách Ấn Độ trải nghiệm sản phẩm du lịch bằng 5 giác quan, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết.
Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực thấu hiểu văn hóa, thành thạo ngôn ngữ để đón đầu thị trường khách Ấn Độ. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Theo Tổng cục Du lịch, tính đến năm 2022, số lượng hướng dẫn viên nói tiếng Hindi/lượng khách Ấn Độ tại Việt Nam là 0/173.900, dù thực tế có thể có hướng dẫn viên nói được sơ lược tiếng này. Du khách Ấn Độ đến Việt Nam chủ yếu được hướng dẫn bằng tiếng Anh. Do đó, cần tăng số lượng nhân lực du lịch nói tiếng Hindi để phục vụ thị trường khách này.
Nâng cao năng lực ngôn ngữ Ấn Độ và mở rộng cơ sở đào tạo là điều cần thiết. Hiện cả nước chỉ có 2 cơ sở đào tạo ngôn ngữ này với chỉ tiêu dưới 100 sinh viên. So với nhu cầu của thị trường, số lượng cơ sở giáo dục và sinh viên được đào tạo ngôn ngữ Ấn Độ khá ít.
Nhân lực thông thạo ngôn ngữ nước ngoài thường am hiểu về văn hóa của quốc gia đó, nhưng họ lại chưa được đào tạo chuyên sâu để phục vụ du khách Ấn Độ. Các doanh nghiệp phục vụ thị trường này nên chủ động mời các chuyên gia du lịch và khách sạn về đào tạo để tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên.
Bên cạnh việc phát triển kỹ năng, nhân lực du lịch cũng cần nâng cao tư duy trong thời công nghệ số bằng cách sử dụng phần mềm, tiện ích thông minh và thanh toán điện tử để làm việc. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch trên Internet để tiếp cận nhu cầu của thị trường khách Ấn Độ.
"Bên cạnh visa, hạ tầng và công nghệ, Việt Nam cần chú trọng đến hệ thống nền tảng - nguồn nhân lực chính của thị trường tiềm năng này. Nếu có chiến lược xúc tiến hiệu quả, Việt Nam hứa hẹn đón nhiều lượt khách Ấn Độ, mở ra cơ hội kinh doanh, trải nghiệm mang tính gắn kết giữa 2 quốc gia", PGS Long bày tỏ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.