Bệnh đái tháo đường thường phát triển từ tuần thai thứ 24-28. Ảnh: Shutterstock. |
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng cơ thể không tạo ra đủ insulin trong thời kỳ mang thai. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 đến 28.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết đái tháo đường thai kỳ cần được chẩn đoán thông qua chủ động sàng lọc trước sinh thay vì đợi có triệu chứng.
"Nếu bạn bị đái tháo đường trong thai kỳ, không đồng nghĩa với đã mắc bệnh từ trước lúc mang thai hoặc sau khi sinh con. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến bạn tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai", bác sĩ Thanh nói.
Bác sĩ Thanh cũng cho hay đái tháo đường thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh, tử vong chu sinh, thai to làm tăng nguy cơ đẻ khó và mổ đẻ...
Trẻ sơ sinh của những bà mẹ bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ hạ glucose máu, hạ canxi máu, vàng da. Khi trẻ lớn hơn, bé cũng có nguy cơ cao bị béo phì và đái tháo đường type 2...
Theo bác sĩ Thanh, những người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ bao gồm:
- Người thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con ≥ 4 kg. Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền sử sản khoa bất thường: Thai chết lưu, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
- Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần từ khi 19 đến 27 tuổi.
Vì vậy, tất cả thai phụ nên kiểm tra đường huyết bằng nghiệm pháp tăng đường huyết 3 mẫu dành cho phụ nữ mang thai ở tuần thai 24-28. Riêng những người nguy cơ cao nói trên cần kiểm tra đường huyết ngay khi phát hiện có thai.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có một hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.