Nhân sự trẻ Trung Quốc từ chức vì áp lực công việc, đề cao lối sống YOLO. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. |
Hầu Tư Nghị (24 tuổi) là nhân vật trong chương trình hẹn hò Heart Signal nổi tiếng tại Trung Quốc. Cô thông báo về quyết định rời khỏi công ty công nghệ ByteDance trên truyền hình thực tế, đồng thời ăn mừng sự kiện này với bánh kem và hoa cùng các bạn diễn.
“Tôi không lập kế hoạch gì, cũng không muốn nghĩ đến ý kiến của người khác. Hiện tại, tôi chỉ làm những gì mình thích”, cô gái trẻ nói trong chương trình.
Hầu Tư Nghị là một trong nhiều người lao động trẻ ở Trung Quốc thông báo quyết định nghỉ việc trên mạng xã hội. Những lý do từ chức mà họ đưa ra là không hài lòng với doanh nghiệp cũ, muốn có khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Sau khi nghỉ việc, nhiều Gen Z Trung Quốc trở thành “tỷ phú thời gian”. Họ đi đâu, làm gì, chi tiêu vào những danh mục nào trở thành câu hỏi được các nhãn hàng quan tâm, theo Jing Daily.
Nhân sự trẻ Trung Quốc kiệt sức với công việc, nghỉ làm để chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh hoạ: Pexels/Tima Miroshnichenko. |
‘Bỏ việc ồn ào’ và theo đuổi hạnh phúc
Loud quitting (nghỉ việc ồn ào) là xu hướng trái ngược với quiet quitting (thôi việc trong im lặng). Trào lưu này được nhiều nhân sự trẻ hưởng ứng, thể hiện mong muốn kết thúc một chu kỳ làm việc đầy áp lực, đồng thời tìm kiếm hướng đi mới.
Trên một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, từ khoá “Tôi nghỉ việc” thu hút 346 triệu lượt xem. Theo Jack Porteous, Giám đốc thương mại của cơ quan đa văn hóa Tong, hiện tượng nghỉ việc ồn ào và ăn mừng thất nghiệp này là một phần của phong trào cải cách văn hoá làm việc thịnh hành sau những năm 2000 ở xứ tỷ dân.
Xu hướng “nghỉ việc ồn ào” đến từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, bao gồm môi trường làm việc độc hại, đãi ngộ không tốt, lương thấp và thái độ sống YOLO (viết tắt của “You only live once) ở người trẻ Trung Quốc. Thanh niên tại quốc gia này ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đề cao sức khỏe tinh thần.
Đối với Hầu Tư Nghị, tỷ lệ người lao động trẻ thất nghiệp đạt mức kỷ lục ở xứ tỷ dân là hiện tượng tất yếu. Cô cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế khiến nhiều công ty lớn phải thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Do đó, khối lượng công việc của mỗi cá nhân tăng cao, dẫn đến trạng thái buồn chán và kiệt sức. Áp lực công việc lớn khiến nhiều người mất dần trạng thái vui vẻ khi đến văn phòng, quyết định nghỉ việc để tìm lại cảm giác hạnh phúc.
Du lịch chữa lành là phương án được nhiều người lao động lựa chọn sau khi nghỉ việc. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. |
Du lịch chữa lành
Những người trẻ thất nghiệp làm gì để lấp đầy thời gian rảnh rỗi? Du lịch chữa lành là hình thức được nhiều người ưa chuộng.
Hầu Tư Nghị dành nhiều thời gian ở Vạn Ninh (Hải Nam) để học lướt sóng và Đại Lý (Vân Nam) để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Cô chia sẻ rằng cả 2 thành phố này đều có mức sinh hoạt phí thấp, môi trường tự nhiên tốt, khí hậu ôn hoà, phù hợp với dân du mục kỹ thuật số.
Trong khi đó, An (32 tuổi), cựu trưởng nhóm marketing tại công ty điện tử tiêu dùng OnePlus, đã từ chức từ năm 2022, dành thời gian để thực hiện chuyến phiêu lưu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan, Palestine, Ai Cập, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Paraguay, Brazil,...
“Tôi muốn ghé thăm các quốc gia chưa quá phát triển. Mỹ hay châu Âu là những địa điểm tôi có thể ghé thăm trong một chuyến công tác hoặc khi nghỉ hưu. Tôi muốn tận dụng tuổi trẻ để du lịch khám phá, trải nghiệm những điểm đến khác biệt”, An nói.
Theo quan niệm của phần lớn người Trung Quốc, tiền bạc, sự nghiệp và danh tiếng là những yếu tố quyết định mức độ thành công, hạnh phúc của mỗi con người. Tuy nhiên, sau những chuyến đi của mình, An nhận ra rằng nhiều người ở Brazil, Amazon hay Colombia không giàu có nhưng vẫn hạnh phúc.
Để tìm kiếm câu trả lời, An thực hiện một podcast mang tên Hạnh Phúc và Công Việc. Cựu trưởng nhóm marketing này mong muốn xem công việc và hạnh phúc có thực sự ở 2 cực đối lập hay không.
Theo Trip.com Group, số lượt tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ liên quan đến gap year (năm nghỉ ngơi) tại Trung Quốc tăng đều từ 2022. Từ đầu năm nay, tỷ lệ tìm vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch gap year tăng đột biến, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Jack Porteous cho rằng các thương hiệu nên điều chỉnh thông điệp truyền thông, giảm bớt tính thương mại, gia tăng sự đồng cảm đối với khách hàng. Những người lao động mệt mỏi tại Trung Quốc mong muốn khám phá thế giới, chữa lành tâm hồn, ưu tiên các nhãn hàng có thể đồng hành với họ trong giai đoạn này.
Nếu các thương hiệu không mang đến những nội dung có tính chất giáo dục, thể hiện sự thấu hiểu, họ sẽ phải chứng kiến lòng trung thành giảm sút từ thế hệ khách hàng đề cao sự quan tâm.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.