TS Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo. Ảnh: BTC. |
Đó là chia sẻ của các chuyên gia, giảng viên tại sự kiện ABAII Unitour 14, tổ chức tối 17/10 tại Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai.
Sinh viên có thể bị phụ thuộc vào AI
Theo TS Lê Linh Lương, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), với những tiến bộ của công nghệ, 300 triệu việc làm toàn thời gian sẽ bị ảnh hưởng do tự động hóa. Một thống kê gần đây cho thấy mức độ sử dụng AI đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng qua. Ngày càng có nhiều người sử dụng AI tại nơi làm việc (cứ 4 người thi có 3 người sử dụng AI).
Theo báo cáo của McKinsey 2023, AI tạo sinh tạo ra khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó marketing, bán hàng và phát triển phần mềm là những ngành chịu tác động mạnh nhất.
Còn theo báo cáo của Microsoft, người lao động ở mọi lứa tuổi đều đang có xu hướng chấp nhận và sử dụng AI như một công cụ học tập và làm việc không thể thiếu với tỷ lệ ứng dụng 73-85%.
AI có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ y tế (chẩn đoán bệnh, hỗ trợ phẫu thuật), giao thông (xe tự lái, hệ thống giao thông thông minh); giáo dục (cá nhân hóa học tập, trợ lý ảo); sản xuất (tự động hóa dây chuyên)...
Tuy nhiên, ông Lương đánh giá AI có khả năng bổ sung và hỗ trợ nhiều hơn là loại bỏ hoàn toàn một công việc cụ thể. Điều này mở ra cơ hội cho những ai biết cách sử dụng và vận dụng AI trong công việc, đặc biệt là các lĩnh vực như sale, marketing, logistics, hay quản lý chuỗi cung ứng.
Dù vậy, AI vẫn mang lại nhiều thách thức như thay thế lao động và gia tăng thất nghiệp, xâm phạm quyền riêng tư, tăng nguy cơ bất bình đẳng xã hội, an ninh mạng, AI bị lạm dụng.
Ngoài ra, người dùng AI có thể bị phụ thuộc vào nó. Ông Lương lấy ví dụ một sinh viên năm nhất sử dụng AI để hỗ trợ giải bài tập. Đến năm thứ 3, các em vẫn dùng nó. Như vậy, rất có thể các em đang bị phụ thuộc vào AI, bị giảm khả năng đưa ra quyết định. Mặc dù kết quả học tập có thể vẫn tốt nhưng tư duy các em đang bị thụt lùi.
"Như vậy, AI mang đến cả cơ hội và thách thức. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm bắt ưu thế, hạn chế những nhược điểm để AI trở thành công cụ hữu hiệu, phục vụ cho học tập và làm việc", ông Lương nói.
Các chuyên gia chia sẻ về xu hướng việc làm ngành AI và Blockchain. Ảnh: BTC. |
AI không cướp việc của ai
Khi đề cập đến lo ngại về việc AI có thể thay thế con người, TS Lương Văn Thiện, giảng viên khoa Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, trường Công nghệ (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhìn nhận AI sẽ thay thế nhiều công việc lặp lại, đặc biệt trong ngành dịch vụ, nhưng cũng mở ra các cơ hội nghề nghiệp mới chưa từng xuất hiện trước đây.
"Đặc biệt, các bạn sinh viên Việt Nam với lợi thế cạnh tranh về năng lực và sự sẵn sàng thay đổi có thể sẽ là những ưu tiên của thị trường lao động quốc tế trong thời gian tới”, thầy Thiện đánh giá.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc CTCP TomoTech, nhận định AI sẽ không thay thế hoàn toàn con người mà chủ yếu bổ sung, tăng cường năng lực lao động của con người trong nhiều lĩnh vực bằng việc tự động hóa một phần nhiệm vụ trong các ngành nghề như giáo dục, kế toán - kiểm toán, phân tích dữ liệu... Đồng thời, nó cũng tạo ra nhu cầu mới về kỹ năng và vai trò mới.
Trong bối cảnh đó, bà Linh cho rằng trong quá trình tìm kiếm việc làm, nếu trong hồ sơ cá nhân có thông tin thể hiện ứng viên từng học, trải nghiệm hay tham gia các dự án liên quan đến những công nghệ mới như AI, Blockchain, hồ sơ đó sẽ được đánh giá cao hơn hẳn so với những người khác.
Dành lời khuyên cho sinh viên, ThS Nguyễn Thanh Tuấn, giảng viên khoa Toán Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh sinh viên hãy lên những trang tuyển dụng, tìm hiểu nhà tuyển dụng đang quan tâm đến yếu tố nào để trau dồi những yếu tố đó.
"AI không cướp công việc của ai, nhưng những người có AI sẽ lợi thế hơn rất nhiều. Các em đang học về lĩnh vực gì hãy tìm hiểu xem trong lĩnh vực đó, AI được ứng dụng vào việc gì. Các em hãy học, học sớm, tập trung chuyên môn, định hướng công việc và kỹ năng cần thiết trước khi ra trường", ThS Tuấn nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.