Zing xin đăng tải bài viết của bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - về công dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng nha đam.
Nha đam còn được biết đến với cái tên lô hội, là loại thực vật quen thuộc với nhiều người. Nó dễ sinh trưởng và được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Trong y học, nha đam được dùng trong chữa bệnh hàng nghìn năm qua.
Tác dụng trị bệnh của nha đam
Nha đam có 2 tác dụng chính. Khi sử dụng với liều nhỏ (0,05-0,1 g), nha đam đóng vai trò như loại thuốc bổ, kích thích tiêu hoá và nhuận tràng, chống viêm ruột, táo bón. Loại cây này chứa nhiều loại men tiêu hóa và nhóm hoạt chất emodin, aloin có tác dụng nhuận trường.
Nha đam là vị thuốc chữa bệnh được dùng từ rộng rãi trong đời sống. Ảnh: WebMD. |
Trong trường hợp dùng với liều cao, nha đam sẽ là loại thuốc tẩy mạnh nhưng tác dụng chậm, sau 10 đến 15 giờ. Nó gây xung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ruột già. Vì vậy, người bị trĩ và phụ nữ có thai không được sử dụng.
Trong khi đó, theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng. Nó có tác dụng sát trùng, nhuận tràng, thanh nhiệt, lương can. Nha đam điều trị tốt các chứng cam tích, kinh giản, táo bón ở trẻ em.
Ngoài ra, nha đam còn có tác dụng ức chế các cơn đau. Vì vậy, nha đam cũng được chiết xuất ra dạng gel để thoa vào các vùng bị thương, giúp giảm viêm, giảm đau.
Bên cạnh đó, nha đam có hàng loạt công dụng tốt như ức chế các phản ứng histamine và giúp giải dị ứng nhanh chóng, làm lành vết thương và tẩy sạch các tế bào sừng trên da, kháng khuẩn, kháng nấm; giúp tái sinh tế bào, loại bỏ tế bào già, tái sinh các mô mới, giải độc cơ thể nhờ tăng cường chuyển hoá tại gan, thận giúp loại trừ độc tố.
Với các tác dụng, nha đam được điều chế thành nhiều sản phẩm khác để sử dụng trong đời sống hàng ngày. Trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, nha đam được điều chế thành kem giúp dưỡng ẩm, dưỡng da nhờ công dụng tái sinh tế bào, làm lành vết thương, chữa mụn nám.
Hai thành phần chính của nha đam là lignin và polysaccharide thấm sâu vào biểu bì, tẩy sạch các vi khuẩn và chất dầu bịt lỗ chân lông.
Ở lĩnh vực y khoa, nha đam được điều chế thành dạng gel bôi da trong ngoại khoa để làm lành vết mổ và phòng chống nhiễm xạ. Đại học Oklahoma (Mỹ) điều chế dạng kem đánh răng, dịch chiết nha đam ngừa chảy máu chân răng và viêm nướu, chống sâu răng và làm răng chắc khoẻ.
Dùng nha đam có hại hay không?
Nhựa nha đam nguyên chất có tính độc. Nó có thể khiến người ăn phải bị tiêu chảy. Trẻ sơ sinh có thể bị dị tật nếu người mẹ nhiễm độc trong quá trình mang thai. Nếu dùng lượng lớn, nha đam có thể gây co thắt bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bài tiết qua nước tiểu làm cho nước tiểu có màu như máu.
Nha đam có tính độc, kích thích da, nhất là với người cho con bú, thai phụ. Ảnh: Getty. |
Nếu sử dụng liều quá cao (khoảng 8 g), nha đam có thể gây ngộ độc chết người. Các triệu chứng là phân nhiều, yếu toàn thân, mạch chậm, nhiệt độ cơ thể giảm.
Phụ nữ đang cho con bú nên dùng nha đam dùng cẩn thận vì trẻ có thể bị ngộ độc khi bú mẹ. Người bị bệnh trĩ, viêm ruột không nên dùng vì anthraquinon trong nhựa nha đam vì có thể gây xung huyết. Người hay lạnh, hư hàn, tiêu chảy, huyết áp thấp cũng không được dùng.
Do nha đam là loại thực vật dễ sinh trưởng và sống tốt ở các môi trường, nhiều gia đình thường trồng nó tại nhà để tiện sử dụng. Tuy nhiên, do nhựa nha đam có độc, người dùng cần chú ý chế biến kỹ.
Trước khi ăn, nha đam cần được làm sạch lớp mủ màu vàng cạnh lớp thạch để tránh ngộ độc. Người dùng nên gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ, ăn chung với yaourt, nấu với đậu xanh. Đây là cách để sử dụng lâu dài với liều thấp.
Bạn không bôi trực tiếp nha đam lên da vì nó gây kích ứng gây đỏ da và viêm loét. Nhiều trường hợp bị dị ứng là do dùng lá cây nha đam không lột lớp vỏ ngoài.
Ngoài ra, bạn cũng không nên lạm dụng nha đam để giải khát. Nó có thể gây rối loạn nhịp tim nếu dùng lâu dài. Dù vậy, nước ép nha đam có tính mát và nhuận tràng nhẹ, nhưng không ngọt và an toàn bằng sương sâm, thạch...
Aloe vera gel được bán tràn lan ở các siêu thị và được quảng cáo là thần dược. Tuy nhiên, người bệnh tim tránh dùng vì có nguy cơ gây loạn nhịp tim.
Một số bài thuốc có sử dụng nha đam?
- Táo bón: Dùng lá Lô hội tươi mỗi ngày ăn 1 lá, hoặc lô hội 20 g xay nhỏ với 0,5 lít nước, chia uống 2-3 lần trong ngày.
- Mụn trứng cá: Dùng lá Lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị mụn trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.
- Trị vết cháy và bỏng: Dùng lá Lô hội chiết dịch xoa tại chỗ. Lấy một lá (15-18 cm) đun nước sôi, thêm đường dùng uống.
- Ăn uống khó tiêu: Dùng Lô hội 20 g, Bạch truật 12 g, Cam thảo 4 g, đem nấu lấy nước uống trong ngày, chia 2-3 lần uống.