Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám ảnh văn mẫu

Năm nay con vào lớp 5. Con là một đứa bé nhạy cảm. Đầu mỗi năm học luôn là thời điểm khó khăn đối với con tại trường tiểu học chuẩn quốc gia này.

Con thường sợ thầy cô giáo mới. Con sợ sự khắt khe, thị uy của thầy cô giáo mới khi vừa nhận lớp. Con sợ tiếng roi của cô nhịp xuống bàn, tiếng roi quất lên tay, lên mông bạn. Con sợ tiếng quát mắng của cô với cả lớp. Con sợ cảnh cô kêu bạn hoặc con để mắng giữa đám đông.

Từ giữa năm học trở đi, con sợ lượng bài tập khổng lồ cô giao cho con và các bạn. Thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, mỗi lần là những xấp bài photo nặng trịch: Văn, Toán, năm ngoái lớp 4 thêm cả Sử - Địa và Khoa học. Lịch của hai mẹ con trong những ngày ôn thi là một “điệp khúc”: mẹ đón con về, ăn tối xong là vào bàn làm bài ôn bài. Hôm nào cũng thức đến 23-24h. Con vừa làm bài, học bài vừa khóc vì đuối sức, vì nhức đầu. Có lúc mẹ thấy cả người con như phát sốt. Mẹ xót xa nghĩ giờ này cô hẳn đã ngủ từ lâu nên bảo con nghỉ, đừng làm nữa, để hôm sau mẹ gọi điện gặp cô, hoặc viết thư xin cô cho con ôn ít lại. Con vừa khóc vừa nói: “Lúc mẹ nói vậy cô sẽ “dạ dạ!”, nhưng khi mẹ về rồi cô kêu con ra la trước lớp, hoặc sẽ nhiếc móc, như vậy còn khổ hơn. Thôi mẹ cứ để con ráng làm”.

Và con vẫn ráng làm. Chuyện này diễn ra trong những năm lớp 2 tới lớp 4. “Nhờ” những bài ôn kinh khủng như vậy, mỗi khi thi xong điểm số chung lớp con toàn điểm 9 điểm 10. Nhưng mẹ thấy con không vui, mẹ cũng không vui, chỉ thấy cô giáo vui.

Con còn sợ những dịp dự giờ, thi giáo viên giỏi cấp quận, cấp thành của các cô. Con kể cô thường dặn: Ai hỏi các con đi học có vui không, các con phải nói có. Ai hỏi cô có giao bài tập về nhà làm không, các con phải nói không... Con hỏi mẹ khi đang làm những bài ôn: “Sao cô cho rất nhiều bài về nhà mà cô lại biểu tụi con nói là không có bài?”. Là giáo viên, mẹ thật lòng cũng không hiểu sao cô lại dạy các con điều “trái ngang” như thế.

Năm nay con vào lớp 5. Đón con sau bữa đầu nhập trường, mẹ thấy con hoảng hốt: “Mẹ ơi, năm nay cô bảo ai cũng phải mua sách văn mẫu để học tập làm văn”. Chuyện này cũng là chuyện mẹ và con rất sợ ở mấy năm học trước. Nhưng vì ham đọc sách từ khi vừa biết chữ, con làm văn khá hay. Các bài tập làm văn con đều viết một cách dễ dàng. Các cô lớp cũ đã miễn cho con không học theo văn mẫu, chỉ bắt các bạn yếu trong lớp học thuộc lòng văn mẫu để làm “tốt” bài thi. Con nhìn cảnh các bạn học văn mẫu, viết hệt theo văn mẫu, nào “buổi tối, ba em ngồi đọc báo, mẹ em may vá bên ánh đèn, chúng em ngồi học bài”, nào “những bông hoa tỏa hương ngào ngạt, thu hút những chú ong cần mẫn bay tới hút mật”, nào “ông nội em có mái tóc bạc phơ, lưng còng và đôi mắt hiền từ”... con đã rất, rất sợ.

Giờ trong hình dung của con và mẹ là “viễn cảnh” đó. Con phải học theo văn mẫu, chép theo, làm theo văn mẫu ư? Mẹ đã “nói không”, con cũng “nói không”. Vì sao ư? Vì mẹ đã dạy con từ lâu là ngoài điểm số thì tình cảm, trí lực, sự sáng tạo, ý thức tự giác... nơi mỗi học sinh cũng quan trọng không kém. Là mẹ, cũng là người dạy học, mẹ mong con của mẹ không chỉ vượt qua được một năm học, mà muốn thấy con ngày càng yêu thích học tập, ngày càng sáng tạo, ngày càng tự giác và giỏi giang trong các bậc học tiếp nối, trở thành con người có năng lực. Và con, dù các năm học qua đầy khó khăn, nhiều nỗi sợ, con không chỉ học tốt, đạt điểm tốt trong từng cấp lớp, con còn biết làm chủ kiến thức, vẫn yêu thích học tập, vẫn kính mến các cô, và con luôn có suy nghĩ riêng.

Con à, để tiếp tục yêu thích việc học, chúng ta phải vượt qua được vụ “văn mẫu” này. Trước mắt con và mẹ là năm cuối tiểu học quá dài...

http://tuoitre.vn/Giao-duc/623565/%E2%80%8Bam-anh-van-mau.html

Theo Uyên Ngọc/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm