Âm thanh là chìa khóa ngăn chặn những cơn ác mộng. Ảnh: ScienceAlert |
Kết quả của nghiên cứu trên 36 bệnh nhân mắc chứng rối loạn ác mộng cho thấy sự kết hợp của 2 liệu pháp đơn giản đã làm giảm tần suất gặp ác mộng của họ. Các kỹ thuật không xâm lấn để điều khiển cảm xúc có thể hạn chế được những cơn ác mộng ảnh hướng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta, theo Science Alert.
Các nhà khoa học đã yêu cầu các tình nguyện viên viết lại những cơn ác mộng thường xuyên nhất của họ theo cách lạc quan, sau đó cho họ nghe những âm thanh tích cực trong khi ngủ.
Bác sĩ tâm thần Lampros Perogamvros tại Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: “Các loại cảm xúc trải qua trong giấc mơ và sức khỏe tinh thần của chúng ta có mối quan hệ với nhau”.
Ông cho biết dựa vào mối liên hệ này nhóm nghiên cứu có ý tưởng giúp mọi người bằng cách điều khiển cảm xúc trong giấc mơ của họ.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện có thể giảm những giấc mơ tiêu cực ở những người chắc chứng rối loạn ác mộng”, ông nói.
Ác mộng khiến giấc ngủ kém chất lượng và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể làm tăng lo lắng, dẫn đến mất ngủ và gặp ác mộng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ác mộng và rối loạn giấc ngủ đã tăng lên trong đại dịch Covid-19.
Rối loạn ác mộng ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe. Ảnh: CNN. |
Việc điều trị những cơn ác mộng mạn tính là một thử thách vì chúng ta không thực sự biết tại sao và bằng cách nào bộ não tạo ra những giấc mơ trong khi ngủ.
Một cách khác chống lại những cơn ác mộng là ứng dụng liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT). Liệu pháp này yêu cầu bệnh nhân viết kết thúc có hậu cho những cơn ác mộng tiêu cực của họ và kể lại câu chuyện được viết lại đó.
Phương pháp này có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những cơn ác mộng, tuy nhiên việc điều trị không mang lại hiệu quả cho tất cả bệnh nhân.
Vào năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện ra việc phát âm thanh có liên kết với một kích thích nhất định trong khi ngủ giúp tăng cường trí nhớ về kích thích đó. Quá trình này được gọi kích hoạt lại trí nhớ có mục tiêu (TMR). Bác sĩ Perogamvros và các đồng nghiệp muốn tìm hiểu xem liệu nó có thể cải thiện hiệu quả của liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT) hay không.
Sau khi hoàn thành ghi chép giấc mơ và giấc ngủ trong 2 tuần, tất cả tình nguyện viên đều được tiếp nhận một buổi IRT. Lúc này, nửa nhóm tình nguyện đã trải qua một buổi TMR, tạo ra mối liên hệ giữa phiên bản ác mộng tích cực của họ và âm thanh.
Nửa còn lại gọi là nhóm kiểm soát sẽ tưởng tượng ra một phiên bản ít kinh khủng hơn của cơn ác mộng mà không được tiếp xúc với những âm thanh tích cực.
Cả 2 nhóm đều nhận được băng đô tai nghe phát ra một hợp âm của piano khi họ đang ngủ. Hợp âm này được phát ra sau mỗi 10 giây trong giai đoạn ngủ REM khi những cơn ác mộng dễ xảy ra nhất.
Các nhóm được đánh giá sau 2 tuần ghi nhật ký và một lần nữa sau 3 tháng mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm kiểm soát có trung bình 2,58 cơn ác mộng mỗi tuần và nhóm TMR có trung bình 2,94 cơn ác mộng. Vào cuối nghiên cứu, nhóm kiểm soát đã giảm xuống còn 1,02 cơn ác mộng hàng tuần, trong khi nhóm TMR giảm xuống chỉ còn 0,19. Thậm chí nhóm TMR còn có sự gia tăng những giấc mơ hạnh phúc.
Sau 3 tháng theo dõi, ác mộng tăng nhẹ ở cả 2 nhóm, lần lượt lên 1,48 và 0,33 mỗi tuần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết đó vẫn là mức giảm đáng kể về tần suất gặp ác mộng. Kết quả cho thấy việc sử dụng TMR để hỗ trợ IRT mang lại một phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Bác sĩ Perogamvros nói: "Chúng tôi quan sát thấy các cơn ác mộng giảm nhanh chóng và những giấc mơ trở nên tích cực hơn. Đối với chúng tôi, những phát hiện này rất hứa hẹn cho nghiên cứu về quá trình xử lý cảm xúc trong khi ngủ và sự phát triển của các liệu pháp mới”.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.