Trên thực tế, chức danh bác sĩ thể thao không lạ lẫm đối với nền thể thao các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nơi nhiều chấn thương kéo dài, thời gian thi đấu đỉnh cao trung bình thấp, vai trò của các bác sĩ thể thao mới dần được công nhận.
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ y học thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện giữ vai trò bác sĩ thể thao của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes, nói rằng trong khó khăn đó vẫn còn nhiều cơ hội.
Cơ duyên với thể thao và y học
Trò chuyện trong căn phòng trị liệu rộng chừng 80 m2 trên tầng 4 của căn nhà nằm trên phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), TS Tuấn đảo mắt một vòng quan sát các vận động viên (VĐV), bạn trẻ đang tập luyện trị liệu trước khi ngồi xuống ghế.
Ban đầu, Tuấn không dự định theo nghiệp này, nhưng duyên số đẩy tôi thi vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Vào năm 2004, Việt Nam liên kết với Trung Quốc để mang về gói học bổng liên quan lĩnh vực y học thể thao. Cậu sinh viên Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khi đó được nhà trường đề xuất.
Trước đó, cả gia đình gồm 2 bên họ nội, ngoại của Tuấn đều có truyền thống thể thao. Bản thân Tuấn cũng có đam mê với lĩnh vực năng động này. Không suy nghĩ nhiều, Tuấn nhận học bổng, rời xa gia đình sang Trung Quốc. Thời điểm này, tại Việt Nam, chưa có ai nhận học bổng theo lĩnh vực y học thể thao như Tuấn.
Phải tới 12 năm sau (2016), Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, giờ đã trở thành tiến sĩ của Đại học Thể thao Bắc Kinh, mới lần đầu tiên có cơ hội được đi theo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho một đội bóng là đội tuyển bóng rổ Hà Nội.
“Trước đó, tôi cũng từng làm nhiều công việc, vị trí liên quan y học thể thao ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết công việc khi đó được thực hiện ở các phòng phục hồi chức năng, phòng khám của trường, chuyên chăm sóc cho các VĐV”, TS Tuấn chia sẻ.
Cơ duyên để TS Tuấn đến với đội tuyển bóng rổ Hà Nội cũng rất tình cờ. Một số người bạn thân quen của anh năm đó đang chuẩn bị cho giải đấu tại Nha Trang. TS Tuấn hỏi vui để đi theo và cuối cùng lại trở thành bác sĩ của đội.
Anh kể lại: “Chuyến đi cũng khiến tôi khá bất ngờ. Một số kiến thức rất cơ bản, như tôi từng làm việc với các VĐV bên Trung Quốc, từ phong trào đến chuyên nghiệp, họ đều biết. Nhưng VĐV Việt Nam lại không biết”.
Thời điểm đó, đa phần người chơi thể thao tại Việt Nam có đau cũng sẽ tự chữa cho nhau, dùng kinh nghiệm truyền miệng. Với riêng bóng rổ, VBA khi đó chưa được tổ chức, bộ môn này cũng chưa thực sự được quan tâm.
“Làm việc một thời gian, tôi nhận ra mặt bằng chung về hiểu biết y học, cơ thể của vận động viên Việt Nam, bóng rổ nói riêng và các môn thể thao nói chung, còn tương đối kém. Dẫu vậy, tôi nghĩ đây là thử thách, cũng là thuận lợi”, TS Tuấn nói.
Năm đó, đội tuyển bóng rổ Hà Nội giành được giải nhì quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử. Các vận động viên cũng tỏ rõ sự nỗ lực, trân trọng khi bỗng có một người bác sĩ với chuyên môn tốt ngồi trên băng ghế huấn luyện.
“Không rõ kết quả thi đấu ra sao nhưng ít nhất, các vận động viên cũng có tâm lý yên tâm hơn, sẵn sàng thi đấu ‘nhiệt’ hơn trong các pha bóng, vì biết rằng sẽ có người lo cho mình. Sau giải đấu, mọi người đều ghi nhận tầm quan trọng khi có một người bác sĩ đi cùng”, TS Tuấn kể.
Bác sĩ thể thao cũng như… “anh nuôi”
Về mặt lý thuyết, bác sĩ thể thao được phân ra nhiều nhánh khác nhau. Trong một CLB, đội ngũ bác sĩ thể thao sẽ bao gồm một người chuyên lo về điều trị, hướng dẫn sử dụng thuốc, truyền dịch, xử lý VĐV bị ốm; một người có chuyên môn về physiotherapy, lo về vật lý trị liệu, massage, bấm huyệt; một người khác chuyên hướng dẫn tập luyện, hỗ trợ tập cho các trường hợp bị đau…
“Nhóm này khi kết hợp với huấn luyện viên thể lực của đội sẽ tạo thành một đội chuyên chăm lo sức khỏe cho các VĐV”, TS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, sau quá trình làm việc tại Việt Nam, TS Tuấn nhận thấy ngoài bóng đá - bộ môn có điều kiện tốt và được đầu tư - ở các môn thể thao khác, bác sĩ thể thao là làm tất cả.
“Người bác sĩ theo đội sẽ phải chuẩn bị từ băng bó, hỗ trợ khởi động, thả lỏng đến ăn uống như thế nào. Ngoài ra, một số VĐV bị đau sẽ phải tập riêng, khi họ chấn thương, bác sĩ thể thao phải kiểm tra, xử lý tại chỗ. Một số trường hợp chấn thương nặng, bác sĩ thể thao phải đưa họ đi khám, sau đó theo sát VĐV trong thời gian sau đó”, vị chuyên gia nói.
Tiến sĩ y học thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc), bác sĩ thể thao của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes. Ảnh: MQ. |
TS Tuấn nhấn mạnh bác sĩ thể thao là người phụ trách hoàn toàn “quãng đường” giữa bệnh viện và ngày VĐV ra sân thi đấu.
“Đó là chưa tính đến chuyện tâm lý của VĐV và các yếu tố khác. Không ngoa nếu nói bác sĩ thể thao gần như ‘anh nuôi’ của đội bóng, gì cũng phải làm”, bác sĩ trẻ cười.
Theo TS Tuấn, ở Việt Nam, ranh giới giữa các vị trí nói trên không thực sự rõ ràng. Dẫu vậy, bác sĩ thể thao không phải huấn luyện viên thể lực.
Nhiệm vụ của bác sĩ thể thao sẽ là hỗ trợ một ca chấn thương tập luyện trong quá trình hồi phục hay tập để phòng tránh chấn thương khi thi đấu. Ngoài ra, TS Tuấn nhấn mạnh rất nhiều VĐV có vấn đề với cơ thể, nhiều người thậm chí nén đau để ra sân. Trong hoàn cảnh đó, bác sĩ thể thao sẽ phải nỗ lực làm sao để họ chơi tốt nhất với thể trạng của mình.
TS Tuấn lấy ví dụ một ca lật cổ chân. Bác sĩ thể thao sẽ cần làm việc để VĐV quay lại thi đấu sớm nhất, đồng thời giảm tối thiểu các tình huống tái chấn thương.
Trong khi đó, huấn luyện viên thể lực sẽ cố gắng để các VĐV nhanh, khỏe hơn. Nhưng với sự trợ giúp của bác sĩ thể thao, quá trình cải thiện này sẽ diễn ra an toàn nhất.
Một đặc thù khác của các bác sĩ thể thao là luôn trong tâm thế sẵn sàng khi các VĐV thi đấu trên sân. Một số huấn luyện viên quốc tế thậm chí đặt bác sĩ thể thao ngồi trước cả huấn luyện viên trưởng.
“Bác sĩ thể thao phải có khả năng quan sát tất cả pha bóng nguy hiểm, cố gắng nhìn được toàn bộ pha chấn thương và ngay lập tức đưa ra đánh giá ban đầu ngay thời điểm đó”, TS Tuấn nói.
Mặt khác, cái khó trong những tình huống này là đôi khi các VĐV đang thi đấu sẽ có lượng adrenaline tăng cao, những cơn đau không thực sự rõ ràng. Cảm nhận có thể chỉ hơi đau nhưng tổn thương đã rất lớn. Thậm chí, một số VĐV còn muốn thi đấu và khẳng định mình không sao.
“Lúc này, các bác sĩ sẽ phải kiểm tra và ra quyết định nhanh nhất có thể. Ngoài ra, mình cũng phải hiểu VĐV và môn thi đấu rất rõ, từ đó xác định loại chấn thương hay xảy ra. Thời gian của toàn bộ quá trình này rất nhanh, đôi khi chỉ vài phút”, vị chuyên gia nói thêm.
Thể thao Việt Nam cần cải thiện từ lứa trẻ
Sau đội tuyển bóng rổ Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cũng có thời gian làm việc nhiều hơn với các VĐV chuyên nghiệp tại Việt Nam, không chỉ bóng rổ. Tiêu biểu trong số này có tiền vệ Quang Hải của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
TS Tuấn nhận định: “Mặt bằng chung về kiến thức y tế của các VĐV Việt Nam còn khá thấp. Một số người có nhiều năm kinh nghiệm nên vẫn mặc nhiên tập luyện, thi đấu như vậy, đau hay không là do mình, đau thì chữa tạm rồi nén lại để thi đấu”.
Từ đây, một vấn đề dễ thấy ở Việt Nam là tuổi nghề của các VĐV thường rất thấp. Đơn cử là bóng đá, rất hiếm cầu thủ thi đấu tới năm 35-36 tuổi như các VĐV trên thế giới. Đa phần thi đấu đến năm 30-31 tuổi là giải nghệ.
BS Tuấn nhận định nhiều VĐV tại Việt Nam vẫn chưa nắm vững các kiến thức giải phẫu, sơ cứu cơn bản. Ảnh: MQ. |
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của vấn đề này là y học thể thao có phát triển hay không, VĐV có hiểu cơ thể hay không, họ có tự chăm sóc cơ thể tốt không…”, TS Tuấn nói.
Dẫu vậy, để thay đổi được tư duy của VĐV, huấn luyện viên là một hành trình dài.
“Quan điểm của tôi là xây nhà phải từ móng. Trong điều kiện tốt nhất, chúng ta phải cho các bạn trẻ hiểu và có nền tảng chuẩn nhất. Nền tảng ở đây không phải nền tảng thể lực, mà là động tác, các chuyển động nhỏ đã phải rất chuẩn”, vị chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, các VĐV cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, phải hiểu được như thế nào là đúng, sai liên quan tập luyện, dinh dưỡng, tư thế, sau đó mới có thể điều chỉnh dần những thói quen xấu.