Hôm 30/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) vừa công bố báo cáo cho thấy tình trạng đàn ông Hàn Quốc ngày càng béo phì trong hơn một thập niên qua, theo Korea Times.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn như rượu bia và lười vận động.
Tỷ lệ nam giới từ 19 tuổi trở lên có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 kg/m2 trở lên đạt 44,8% vào năm 2021, tăng từ 35,9% vào năm 2008, theo báo cáo của KDCA.
Đặc biệt, nam giới trưởng thành có chỉ số BMI là 30 kg/m2, chiếm 7,6% tổng số nam giới, tăng từ 4,1% vào năm 2008.
Trong quá khứ, đàn ông Hàn Quốc có vóc dáng thấp bé, nhỏ con. Giờ, chiều cao trung bình của họ tăng nhanh, song song với đó là cân nặng cũng tăng theo. Ảnh minh họa: Insight Kr. |
BMI là chỉ số cân nặng theo chiều cao thường được sử dụng để phân loại người trưởng thành, từ đó xác định họ có bị thừa cân hay không. Hàn Quốc định nghĩa chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25 kg/m2 là béo phì và chỉ số BMI từ 30 kg/m2 trở lên là béo phì cấp độ hai.
Tỷ lệ béo phì ở phụ nữ cũng tăng lên 29,5% vào năm ngoái, từ tỷ lệ 26,4%.
Báo cáo của KDCA còn chỉ ra nam giới có trình độ học vấn cao hơn, hầu hết là nhân viên văn phòng, cho thấy tỷ lệ béo phì cao hơn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó uống nhiều rượu và không chịu tập thể dục, tập luyện là những yếu tố chính dẫn đến chuyện cân nặng vượt ngưỡng cho phép.
Với văn hóa ăn nhậu phổ biến ở xứ kim chi, chuyện đàn ông Hàn Quốc thường xuyên sử dụng bia, rượu đi kèm là các món nhiều dầu mỡ như đồ nướng không phải là điều lạ lẫm. Tuy nhiên, mối nguy về sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: Daily Mail. |
Trong 13 năm qua, chiều cao trung bình của nam giới Hàn Quốc tiếp tục tăng thêm, song tình trạng thừa cân cũng tỷ lệ thuận theo.
Hồi tháng 3, Viện Công nghệ và Tiêu chuẩn quốc gia, thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng ra công bố kết quả của cuộc khảo sát lần thứ 8 về kích thước cơ thể của người dân Hàn Quốc.
Theo đó, chiều cao trung bình của người dân xứ kim chi tiếp tục tăng lên đáng kể. Tỷ lệ chiều dài chân cũng tăng ở tất cả nhóm tuổi, góp phần làm tăng chiều cao trung bình.
Mặt khác, nghiên cứu cũng chỉ ra cân nặng trung bình của đàn ông Hàn Quốc đã tăng trong 40 năm qua, với 47% hiện được coi là đối mặt với khả năng béo phì.
Một nghiên cứu của Đại học Cheongju vào năm ngoái cũng chỉ ra tỷ lệ béo phì trung bình của 229 thành phố, quận, huyện ở Hàn Quốc là 34,1%.
Nhậu nhẹt nhiều, lười vận động được coi là nguyên do chính dẫn đến tỷ lệ thừa cân tăng ở xứ củ sâm. Theo hướng dẫn do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc công bố, các nghiên cứu trong các năm gần đây cho thấy 52,6% nam giới và 24,7% phụ nữ nước này uống rượu, bia ít nhất 1 lần/tháng.
Trong đó, quận Ongjin, thành phố Incheon là khu vực có tỷ lệ đáng lo ngại nhất nhất cả nước, với 45,2% cư dân mắc chứng béo phì. Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, dường như tình trạng béo phì ở người dân Ongjin có liên quan đến tỷ lệ nam giới và hộ gia đình độc thân cao - những người thường ăn uống một mình.
Chu vi vòng eo cũng tăng ở tất cả các nhóm tuổi đối với nam giới, trong khi giảm xuống ở tất cả nhóm tuổi của phụ nữ, ngoại trừ những người ở độ tuổi 20.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.