Đối với thế hệ Millennials và Gen Z ở Hàn Quốc, xung đột với những vị sếp, quản lý cách nhiều tuổi, thuộc thế hệ khác đã là câu chuyện quen thuộc ở chốn văn phòng.
Kkondae - thuật ngữ chỉ một người lớn tuổi thích ra lệnh cho người khác, xem thường năng lực của người ít tuổi hơn - luôn là nỗi ám ảnh và chán ghét với nhiều người trẻ Hàn Quốc. Kkondae đề cao thứ bậc, tuổi tác trong xã hội Hàn Quốc từng không cho phép người trẻ từ chối những yêu cầu, sắp xếp từ người lớn tuổi hơn.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại, văn hóa này còn được chứng kiến ở ngay bản thân lớp nhân viên văn phòng trẻ tuổi, theo Korea Herald.
Nói cách khác, môi trường làm việc tồn tại kiểu người thuộc thế hệ MZ (Millennials và Gen Z) đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối từ từ các đồng nghiệp đồng trang lứa, mặc dù chỉ cách nhau vài tuổi về tuổi tác hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp.
Ngày càng có nhiều kkondae chỉ mới 20-30 tuổi trong môi trường công sở Hàn Quốc. |
Bắt người đồng trang lứa nghe lời
Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook ở Seoul, cho biết: “Mọi người đều có thể trở thành kiểu nhân viên kkondae bất kể tuổi tác. Nó bắt nguồn từ sự mặc cảm tự ti mà con người có với tư cách là một thành viên của xã hội".
"Tôi định nghĩa kkondae là người xem xét các mối quan hệ của con người theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang", Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học và trị liệu tâm lý tại Đại học Dankook, cho biết.
Kkondae không coi mọi người là bình đẳng. Họ luôn nghĩ rằng mình giỏi hơn ai đó vì bất cứ lý do gì: thời gian làm việc, vốn sống, hiểu biết, tuổi đời... và từ đó luôn tự cho bản thân quyền lên giọng, sai khiến người khác.
Văn hóa thứ bậc ăn sâu sang cả nhóm người đi làm trẻ tuổi dần phổ biến đến mức các chương trình truyền hình, phim ảnh bắt đầu lấy đây làm tư liệu cho nội dung.
Trong một tập của SBS TV's Circle House, chương trình trò chuyện do bác sĩ tâm lý và giáo sư đại học Oh Eun-young dẫn dắt, một nhóm nhân viên thế hệ MZ chia làm 2 đội, chia sẻ những quan điểm về các tình huống khác nhau trong cuộc sống văn phòng.
Kết quả cho thấy dù chỉ cách nhau vài tuổi, mỗi người có những suy nghĩ rất khác nhau.
Về chủ đề “đến nơi làm việc đúng giờ”, nhóm kkondae trẻ cho rằng tất cả cần đến sớm ít nhất 10 phút trước khi vào giờ làm việc, trong khi nhóm còn lại bác bỏ và cho rằng họ chỉ cần không đến muộn giờ quy định.
Đặc trưng của các kkondae là coi thâm niên của mình cao hơn tương đương với việc mình có nhiều quyền hành hơn. |
Một ví dụ khác là phân đoạn của chương trình Saturday Night Live Korea “MZ Office” thu hút gần 4 triệu lượt xem kể từ khi được tải lên YouTube vào ngày 27/11.
Diễn viên hài Joo Hyun-young đóng vai một dân văn phòng đang quay vlog một ngày làm việc tại công ty, nơi cô đã gắn bó được 2 năm. Cô yêu cầu đồng nghiệp xuất hiện cùng trong video. Song, một nam đồng nghiệp mới vào làm ghét bị làm phiền và tỏ thái độ khó chịu ra mặt.
Sau đó, Joo bị đồng nghiệp này gọi cô là một kkondae, sau khi cô chỉ ra những người mới được tuyển dụng đã không có mặt sớm hơn trước giờ vào làm buổi sáng.
Trong tập tiếp theo của show, nhóm có một “hoesik” - bữa nhậu tụ tập sau giờ làm - trong đó họ cùng đến một phòng Karaoke. Rapper Zico, ngôi sao khách mời của chương trình đóng vai một người mới trong nhóm, bắt đầu hát và Joo cũng tham gia. Hành động các đồng nghiệp tham gia hát chung được coi là một dấu hiệu của sự hỗ trợ giữa những người làm cùng nhau.
Nhưng, cuối cùng Zico cũng đả kích Joo, cho rằng cô “cố tình thể hiện, chen chân với người nhỏ tuổi hơn”.
Trong mắt các đàn em, Joo đang cố gắng yêu cầu những người mới vào làm phải đảm nhận các việc vặt vãnh hoặc gây áp lực buộc họ phải tuân theo các quy tắc văn phòng do cấp trên đặt ra, dù vị trí công việc tương đương.
Văn hóa thứ bậc ăn sâu khiến những người trẻ tuổi cũng cho mình quyền bắt nạt, ra lệnh cho những người mới vào làm. |
Cảm giác mắc kẹt
"Kkondae ở độ tuổi 20-30 sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, vì tôi dành nhiều thời gian hơn và tương tác với họ nhiều hơn do độ tuổi và thứ hạng tương tự của chúng tôi", một nhân viên 24 tuổi họ Lee nói.
Trong khi các kkondae lớn tuổi chủ yếu chỉ muốn tuổi tác và kinh nghiệm của mình được tôn trọng, những người nhỏ tuổi muốn nhiều hơn.
"Họ tin chắc rằng logic của mình luôn đúng, vì vậy họ phải chứng minh bạn sai và kém thông minh. Bạn không thể giành phần thắng", một sinh viên đại học họ Yoon cho biết.
Giáo sư Lim nói rằng nỗ lực để hiểu nhau là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách.
“Điều quan trọng là cần phải suy nghĩ thêm về nhu cầu, quyền lợi của các đồng nghiệp trong phòng, thay vì nhất quyết làm theo ý mình. Lắng nghe và hiểu biết từ cả hai bên là giải pháp".
Về phía nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo, chuyên gia này cho rằng những tình huống khó khăn mà thế hệ MZ ở Hàn Quốc đối mặt khi đi làm hay bị các nhà sản xuất truyền hình phản ánh một cách hời hợt.
“Họ đang ở giai đoạn cảm thấy cần phải thích nghi với môi trường làm việc đề cao văn hóa thứ bậc, song đồng thời cũng hiểu rằng công ty có thể sa thải họ bất cứ lúc nào vì từng chứng kiến thế hệ cha mẹ mất việc làm", Kim phân tích.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z rời bỏ các công ty Hàn Quốc để “theo đuổi ước mơ của riêng mình”.
Khoảng 49% trong số 500 công ty Hàn Quốc nói rằng họ đang chứng kiến số lượng lớn nhân viên thế hệ MZ nghỉ việc trong vòng một năm, theo một cuộc khảo sát do cổng thông tin việc làm trực tuyến Saramin thực hiện vào cuối năm 2021.
“Họ bị mắc kẹt ở nơi mà họ cảm thấy như mọi con đường họ chọn đều là câu trả lời sai. Các phân đoạn phát sóng trên tivi chỉ phản ánh vấn đề trên bề mặt, nhưng họ nên thừa nhận tâm lý của các MZ để có thể viết kịch bản thảo tốt hơn", Kim nói.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.