Chúng tôi có cuộc trao đổi với LS Trần Vũ Hải.
- Khi người cha của tù nhân Nén ra Hà Nội nhờ cậy luật sư, điều gì thôi thúc các ông nhận lời trợ giúp?
- Chúng tôi rất quan tâm đến đơn tố cáo khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành, được viết từ trại giam Sông Cái, do Trưởng Giám thị trại trực tiếp fax đơn tố cáo đó đến Cục V26 (Cục Quản lý trại giam), tố giác người giết bà Bông không phải là Huỳnh Văn Nén.
Khi mẹ Nguyễn Phúc Thành vào thăm, Thành tâm sự, ở trong tù nghe tin Nén có thể bị xử tử hình vì tội giết bà Bông, day dứt vì biết Nén không phải là thủ phạm. Theo lời dặn của con, bà Nguyễn Thị Lụa (mẹ Thành) đã đến gặp Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn) báo cáo và gửi thư tố cáo khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành. Ông Chủ tịch Nguyễn Thận đã làm báo cáo gửi lãnh đạo TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày 20/11, ông Thành đã gửi đơn tố cáo gửi đến các cơ quan pháp luật trung ương. Chúng tôi tin rằng, công lý cuối cùng sẽ được thực thi. |
- Thưa luật sư, ông có phát hiện được những tình tiết để “gỡ” tội cho bị cáo Nén?
- Ngày 4/4/2006, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị nêu một số điểm đến các cơ quan trung ương và tỉnh Bình Thuận, đề nghị xem xét lại chứng cứ đã buộc tội Nén giết bà Bông.
- Bốn dấu chân được phát hiện tại hiện trường đã không được cơ quan điều tra tiến hành so sánh với kích thước chân của Nén. 3 dấu chân thu được trên ghế salon đã không xác định là chân phải hay trái, trong khi dấu chân phải được ghi nhận ở hiên nhà. Khả năng có hai đồng phạm được đặt ra, không như khai nhận của Nén...
Chúng tôi nhận thấy, trong cáo trạng và bản án kết tội Nén chỉ có chứng cứ kết tội duy nhất là lời khai của Nén. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, không thể kết tội bị cáo bằng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận của bị cáo. Chúng tôi cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết tội Nén về tội giết bà Bông.
- Ông có đọc đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành?
- Chúng tôi nghiên cứu kỹ nội dung đơn, đối chiếu với những miêu tả tại hiện trường vụ án và kết quả giám định nêu trong cáo trạng, có những tình tiết khá trùng hợp.
Xin ví dụ, đầu ngón tay áp út bà Bông có vết xước và vết rách ngoài da dưới khớp 1 - 2, ngón tay này còn hằn vết đeo nhẫn (BL 78,79). Nạn nhân chết ngạt do bị siết cổ bằng dây mềm có bản rộng 1,2cm, theo hướng từ trước ra sau...
Theo cáo trạng, bà Bông ngủ trên giường, Nén đi đến choàng dây qua cổ siết mạnh làm bà Bông ngã ngửa xuống đất. Nén tiếp tục siết cho đến khi bà Bông không còn phản ứng (BL 77,81,148). Nén lột lấy chiếc nhẫn vàng cho vào túi ngực. Sáng hôm sau Nén không tìm thấy chiếc nhẫn vàng.
Theo cáo trạng, bà Bông bị Nén siết cổ ngã xuống đất, như vậy, bà Bông khi ngã xuống đất chưa chết ngay, bà lại là người to khỏe, Nén ốm yếu, nhưng không có cuộc vật lộn... trên cổ bà Bông chỉ có một vết rãnh hằn tụ máu...
Trong đơn tố cáo, Nguyễn Phúc Thành tả rất kỹ qua lời kể lại của Nguyễn Thọ - người trực tiếp giết bà Bông - kể cho Thành nghe ngay trong ngày gây án (đơn viết ngày 2/9/2000): Việt và Thọ định cướp nữ trang của chị gái nhỏ (con bà Bông) nên đến nhà chị, vào bếp lấy hai con dao, cùng ra giếng cắt đoạn dây và vào bếp nằm chờ, do say rượu nên cả hai đã ngủ quên.
Bà Năm (bà Bông) về, thấy cả hai đang ngủ đã gọi dậy và đuổi đi, khi bà vừa vào nhà chính thì Thọ dùng dây siết cổ bà cho đến chết và lấy chiếc nhẫn trên tay bà. Thành được Thọ cho xem chiếc nhẫn vàng. Mấy giọt máu trên gấu quần của Thọ, được Thọ giải thích là khi tuốt nhẫn trên tay bà Năm...
Lúc Thọ kể chuyện giết bà Bông thì Việt đang trùm mền, ngồi dậy nói, đã bảo đừng giết bà Năm nhưng nó không nghe. Chiếc nhẫn được bán ở tiệm Thanh Phong (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai). Như vậy, có thể coi Nguyễn Phúc Thành là nhân chứng trực tiếp vụ án này.
Trưởng giám thị trại giam Sông Cái cho biết, điều tra viên Cao Văn Hùng (điều tra cả hai vụ án giết bà Bông và bà Mỹ) đã vào trại gặp Nguyễn Phúc Thành. Chúng tôi cho rằng, đây là tình tiết quan trọng, không biết kết quả xác minh đơn tố cáo của Thành có được điều tra viên Cao Văn Hùng đưa vào hồ sơ vụ án và báo cáo cho các cơ quan tố tụng cấp trên không?
Đề nghị Viện KSND Tối cao xác minh đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành viết năm 2000. Ngày 20/11, ông Thành đã gửi đơn tố cáo gửi đến các cơ quan pháp luật trung ương. Chúng tôi tin rằng, công lý cuối cùng sẽ được thực thi.