Chiều 6/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án 41: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025. Đề án được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt ngày 8/1/2019.
Đề cao tầm quan trọng của sức khỏe học đường, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay không gia đình nào mong muốn trẻ thấp bé, nhẹ cân, béo phì hay tiểu đường. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, trước hết đội ngũ giáo viên cần nâng cao nhận thức hành động. Trẻ ăn nhiều chưa phải tốt mà phải sử dụng thức ăn hợp lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đề án đảm bảo dinh dưỡng cần toàn diện về trí - thể - mỹ. Qua khảo sát cho thấy trẻ khỏe mạnh mới có thể khắc phục được nhiều căn bệnh của thời đại. Để có thể lực tốt trẻ cần có ba yếu tố ngủ đủ, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động.
Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Tuy nhiên, Việt Nam đang đương đầu với tình trạng trẻ suy dinh dưỡng (thấp còi) ở mức cao tại các vùng sâu, vùng xa. Ở các đô thị, bữa ăn của trẻ còn bất hợp lý khi thừa năng lượng, nhiều đồ ăn năng lượng cao nhưng không có dinh dưỡng. Điều này làm gia tăng các bệnh béo phì, tim mạch, ung thư…
Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho hay - Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra con số 41,9% học sinh tiểu học ở thành thị thừa cân béo phì. Trong khi đó, nhiều trẻ vùng cao không đủ ăn. Các đơn vị liên quan nên có mô hình áp dụng với từng đối tượng trẻ thuộc các vùng miền, sau đó đưa có đánh giá, chia sẻ và nhân rộng.
Phát biểu tại hội nghị, TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thông tin trẻ đô thị thừa cân, béo phì do ăn đồ có nhiều năng lượng nhưng thiếu dinh dưỡng được bày bán khắp nơi. Trẻ miền núi chỉ có bữa ăn từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng nên rất khó đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở nhà bếp cơ sở vật chất sơ sài, nhân viên không được đào tạo, tập huấn bài bản.
Bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, chuyên gia dinh dưỡng thông tin, nhóm bác sĩ hỗ trợ Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT thực hiện khảo sát cho thấy 1/3 học sinh tiêu thụ đồ uống có đường; 19,7% em hoạt động thể lực 60 phút/ngày… Bà Nga khuyến cáo trong thời gian tới Bộ GD&ĐT có giải pháp tăng thời lượng hoạt động thể lực cho học sinh.
Đề án 41 có mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ y tế; 85% học sinh, giáo viên; một nửa cha mẹ được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú tại trường, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. Mỗi học sinh, sinh viên đạt ít nhất 60 phút hoạt động thể lực mỗi ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.