Phan Anh Thư hiện là sinh viên năm cuối ngành Actuarial Studies (Chuyên gia tư vấn rủi ro), trường ĐH Melbourne, Victoria, Australia (Úc). Không chỉ nổi trội với thành tích học tập khủng, cô bạn này còn giữ 2 chức vụ là chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam du học tại Melbourne (MOVSA) và Phó chủ tịch HSV Đông Nam Á tại Úc.
Từng nhầm lẫn thủ đô nước Úc
Đầu năm lớp 10, khi còn là “thần dân” của trường phổ thông năng khiếu, Anh Thư thấy nhiều bạn kháo nhau về chương trình thi lấy học bổng du học cho học sinh hệ trung học. Vốn ấp ủ ước mơ được đi du học từ hồi… mẫu giáo nên khi có cơ hội, Anh Thư đã không ngần ngại nắm bắt lấy.
Phạm Anh Thư - nữ "thủ lĩnh" năng động, thành tích học tập "khủng". |
Kết quả sau những ngày dồn toàn tâm, toàn ý cho việc ôn thi, cuối cùng cô bạn cũng vỡ òa trong hạnh phúc và ngỡ ngàng khi cầm trên tay tờ kết quả thông báo trúng tuyển học bổng tại Australia. Vậy là 15 tuổi, Anh Thư đã “xách balô lên và đi du học”.
Tính đến nay đã được hơn 6 năm sinh sống và học tại nước Úc rộng lớn, Anh Thư đã có không ít những kỉ niệm và trải nghiệm tuyệt vời. Dù rằng trước khi đến đây, kiến thức của cô bạn về xứ sở chuột túi gần như bằng 0. Thậm chí, Anh Thư đã từng nhầm Sydney là thủ đô nước Úc, trong khi đây chỉ là thành phố lớn nhất, nổi tiếng nhất và lâu đời nhất của nước này. Nghĩ lại quyết định đi du học ở độ tuổi 15, Anh Thư tự thấy mình “sao mà gan quá”.
Hụt hẫng vì không có sự chuẩn bị kĩ càng
Thành phố nơi Anh Thư chọn đến du học là Melbourne, một thành phố nhiều cây cối, gần gũi với thiên nhiên và khu sân bay thì khá xa trung tâm. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chất đến thành phố này là không khí lạnh, là màu xanh của cây cỏ.
Anh Thư chia sẻ: “Vì không có sự chuẩn bị tâm lí kĩ càng trước khi đi nên ngày mới sang đây mình hụt hẫng lắm. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè, cuộc sống và đồ ăn Việt Nam. Mình đã phát ngôn một câu kinh điển sau 1 tuần ở Melbourne mà ba mình vẫn lấy ra trêu mình tới giờ: “Con thèm tới mức uống hết được chai nước mắm của mẹ ở nhà”.
Như bất kì du học sinh nào khác, Anh Thư đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu đặt chân đến xứ người. |
“Vấn nạn” khiến Anh Thư khó thích nghi nhất ở vùng đất mới chính là… đường xa. Theo lời kể của Thư thì thành phố Melbourne đất rộng, mà ít dân, đi từ khu nhà ở tới trường hết 35 phút xe điện, hay có thể ngồi buýt xong lên xe lửa. “Dù rằng ở trời Tây chuyện này là bình thường, nhưng với một đứa ở nhà đi bộ 5 phút tới trường, hay đi học thêm học bớt gì cũng chỉ ngồi xe máy tầm 10 phút là lâu, nên ngồi xe vật vờ 35 phút mỗi bữa sáng với mình là cực hình" - Anh Thư chia sẻ.
Dù đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu tiên du học, nhưng bản lĩnh của cô học trò 15 tuổi đã thôi thúc Anh Thư phải thay đổi để hòa nhập, thích nghi. Cô bạn bắt đầu sắp xếp thời gian biểu mới hợp lí hơn. Vì thời gian này, Anh Thư ở chung với gia đình người Hy Lạp nên thay vì ăn cơm, Anh Thư bắt đầu tập ăn các món Tây như pasta, hay lasagna, hoặc thuần Hy Lạp như baklava. Mọi thứ sau đó đã tiến triển theo chiều hướng tốt hơn, cô bạn cũng dần bắt nhịp được với cuộc sống và môi trường học tập tại Melbourne.
Cùng lúc làm thủ lĩnh của 2 hội sinh viên
Ngay khi bắt nhịp được với cuộc sống mới, Anh Thư đã tích cực tham gia các phong trào của du học sinh Việt Nam tại Úc. Bắt đầu là Chủ tịch hội học sinh tại trường cấp 3 Taylors College, đây cũng là lúc cô bạn cảm nhận rõ năng động là bản chất đã ngấm sâu vào trong máu.
Anh Thư đảm đương tốt vai trò "thủ lĩnh" và vẫn tự làm thêm chi trả các khoản sinh hoạt phí. |
Năm 2011, Anh Thư chính thức trúng tuyển vào 2 chức vụ là chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Du học tại Melbourne (MOVSA) và Phó chủ tịch HSV Đông Nam Á tại Úc. Cùng lúc đảm đương trọng trách “thủ lĩnh” của 2 tổ chức này, Anh Thư đã phải sắp xếp quỹ thời gian một cách hợp lí.
Công việc tại 2 tổ chức này khá đa dạng, đó là tổ chức sự kiện, trả lời email, làm các giấy tờ... “Các vị trí mà mình đảm nhận dạy cho mình nhiều thứ lắm: sắp xếp thời gian biểu, “đối nhân xử thế” để ứng xử với nhiều người khác nhau, nhiều tình huống oái ăm, tính chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp” - cô bạn bật mí.
Chưa dừng lại tại đó, cô bạn này còn làm thêm 2 công việc là trợ lí tại văn phòng trường ĐH Melbourne (nơi đang theo học) và gia sư tư nhân. Những công việc này đều được trả lương theo tiếng. Mỗi tháng, thu nhập từ việc làm thêm đủ cho Anh Thư chi trả các khoản sinh hoạt phí và thỏa mãn sở thích… ăn vặt.
Để đảm bảo được việc học, vừa làm tốt vai trò “thủ lĩnh”, vừa duy trì thu nhập từ công việc làm thêm, Anh Thư phải tận dụng triệt để quỹ thời gian ngoài giờ lên lớp của bản thân. Với việc trợ lí, cô bạn sẽ làm vào các giờ chuyển tiết giữa những buổi giảng của các môn, hoặc ngày không có tiết. Gia sư thì mỗi buổi chỉ tầm 1-2 tiếng sau giờ học. Anh Thư cho rằng: Đi làm thêm là cách tốt nhất để “va chạm” cuộc sống và tập hợp các kĩ năng cần thiết cho tương lai. Hiện tại, cô bạn còn dự định học thêm thạc sĩ nên tạm thời chưa có kế hoạch quay trở lại Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn trẻ muốn sang Úc du học, Anh Thư không ngần ngại nói: “Các bạn hãy luôn bình tĩnh, tự tin để chiến thắng. Ở Úc, làm việc gì đầu tiên cũng phải có sự bình tĩnh, tự tin vào bản thân, thành quả đạt được dù không phải là chiến thắng một cuộc chơi, nhưng cũng là chiến thẳng một thử thách mình đặt ra. Một điều cũng rất quan trọng nữa là cần tìm hiểu về đất nước và con người Úc thật kỹ trước khi đi".
Anh Thư (đứng giữa) rất ra dáng một thủ lĩnh. |