Trang phục chống nắng bảo vệ làn da khi mùa hè đến. Ảnh: Bosideng. |
Khi thời tiết nóng lên, mùa hè đến, những chiếc áo chống nắng trở nên không thể thiếu đối với mọi tín đồ thời trang. Người tiêu dùng nhanh chóng tìm kiếm những món đồ như mũ rộng vành, găng tay, khăn che mặt để bảo vệ làn da dưới tia UV.
Tuy nhiên, những chiếc áo chống nắng luôn bị cho là thiếu tính thẩm mỹ. Chống lại định kiến trên, thương hiệu Bosideng đến từ Trung Quốc đã phát hành nhiều loại trang phục bảo vệ làn da thời thượng hơn.
Hashtag liên quan đến những item này đạt 6,7 triệu lượt xem trên mạng xã hội Xiaohongshu, theo Jing Daily.
Trang phục chống nắng được các ngôi sao Trung Quốc lăng xê. Ảnh: Xiaohongshu. |
Thị trường 'rực lửa'
Trong bối cảnh Trái đất nóng lên, thị trường quần áo chống nắng được dự đoán phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu do iResearch công bố, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường này là 9,4% từ năm 2021-2026.
Đến năm 2026, giá trị của ngành hàng có thể đạt 13,8 tỷ USD. Trên Douyin, tổng giá trị hàng thời trang chống nắng chạm mốc 520 triệu USD vào năm 2023, tăng 217,4% so với năm trước.
Người nổi tiếng và các KOL cũng góp phần thúc đẩy mong muốn sở hữu những chiếc áo chống nắng thời trang của người tiêu dùng. Ví dụ, trong chương trình thực tế Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng của Trung Quốc, nhiều ngôi sao diện áo khoác chắn nắng để hoạt động ngoài trời, thu hút sự chú ý của khán giả.
Theo báo cáo của nhà sản xuất áo chống nắng Bosideng, doanh thu của công ty này đạt 69 triệu USD trong năm tài chính 2023, tăng 300% so với năm trước. Mục tiêu của doanh nghiệp này là tạo ra 138 triệu USD trong năm nay.
Các nhãn hàng nội địa Trung Quốc như Moution, Sinsin, Bananain, cùng với các thương hiệu quốc tế như Uniqlo hay Nike cũng gia nhập thị trường này.
Trang phục chống nắng được cho là an toàn để sử dụng hơn kem chống nắng. Ảnh: Bosideng. |
Nhà mốt nội địa Trung Quốc và thương hiệu quốc tế cạnh tranh công bằng ở thị trường này. Ảnh: Bosideng. |
Cạnh tranh công bằng
Một trong những lý do chính dẫn đến tốc độ phát triển nhanh của thị trường này là trào lưu từ chối sử dụng kem chống nắng. Một số người cho rằng sản phẩm này được tiếp thị quá mức, không cần thiết như quảng cáo.
Hashtag liên quan đến trào lưu này nhận về 4,8 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Theo Lisa Zhang, quản lý dự án tại công ty Daxue Consulting, áo chống nắng được cho là đạt hiệu quả hơn kem chống nắng. Những món đồ này đảm bảo sự an toàn cho làn da, giảm nguy cơ kích ứng, tránh việc phải thoa lại nhiều lần trong ngày.
Jack Porteous, Giám đốc thương mại của cơ quan đa văn hóa Tong, cho biết rằng người tiêu dùng ưu tiên chức năng, kiểu dáng và sự thoải mái của trang phục chống nắng. Cảm giác mát mẻ, mỏng nhẹ khi mặc thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua sản phẩm.
Các thương hiệu nội địa Trung Quốc nhanh chóng đón đầu xu hướng tiêu dùng này. Thách thức đối với Nike hay Uniqlo vì thế trở nên lớn hơn.
Tuy nhiên, Jack Porteous cho rằng các nhãn hàng toàn cầu vẫn có cơ hội cạnh tranh công bằng tại thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, các nhãn hiệu như Uniqlo hay Nike đã khẳng định được mức độ nhận diện trên khắp thế giới, dễ dàng chinh phục khách hàng ở xứ tỷ dân.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên thương hiệu quốc tế nên học hỏi local brand, đưa yếu tố địa phương vào sản phẩm, tích cực hợp tác với người nổi tiếng, KOL nhằm gia tăng hiệu quả truyền thông, thu hút số lượng người tiêu dùng Gen Z tăng nhanh.
Quan trọng nhất, tính thẩm mỹ của những chiếc áo chống nắng sẽ giúp các nhãn hàng nhanh chóng chiếm thị phần tại Trung Quốc.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.