2 nhiếp ảnh gia Miguel Hahn và Jan-Christoph Hartung của The Guardian đã ghi lại khoảnh khắc người dân ở một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan, diện hàng thời trang xa xỉ giả. Trong loạt ảnh, họ mặc đồ hiệu nhái của các nhà mốt Gucci, Louis Vuitton và Prada. |
Tại Việt Nam, các nhiếp ảnh gia dễ dàng bắt gặp những người bán hàng rong mặc áo dài tay che nắng in những logo thương hiệu cao cấp cỡ lớn. Ở Campuchia, tiểu thương bán cá mở chiếc ví Gucci trả lại tiền thừa cho khách. Trên đồng lúa, những người nông dân đội mũ Balenciaga che nắng. Những đứa trẻ diện váy Louis Vuitton nhái tung tăng trên đường. |
Hàng thời trang giả có mặt ở khắp nơi, trong trung tâm mua sắm, chợ đêm và các cửa hàng nhỏ trên phố. Khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này không chỉ là người dân địa phương, mà còn bao gồm du khách Mỹ và châu Âu. Những mặt hàng thời trang với logo của nhà mốt xa xỉ là biểu tượng của quyền lực, địa vị, sự vương giả và lối sống sang trọng. Dù sản phẩm không phải hàng chính hãng, dòng tên thương hiệu vẫn mang ý nghĩa về sự thượng lưu. Khi diện những món đồ này, người mặc cho thấy mơ ước về một cuộc sống thịnh vượng hơn, thể hiện sự hòa nhập với văn hoá tiêu dùng toàn cầu. |
Thời trang là một cách thức thể hiện bản sắc cá nhân, tuyên ngôn về bản thân. Váy áo không chỉ là biểu tượng thẩm mỹ, mà còn là một phần trong bức tranh văn hoá xã hội. Nhiều người dùng thời trang ở các vùng nông thôn thường không biết mình mặc hàng hiệu giả. Họ thậm chí chưa từng nghe tên các nhà mốt cao cấp. Sự lựa chọn của họ đến từ mức giá rẻ và sự phổ biến của những mặt hàng này. |
Đối phó với sự thịnh hành của hàng thời trang giả, nhiều thương hiệu quốc tế nỗ lực áp dụng các biện pháp, triển khai các chương trình chống lại hàng nhái. Tuy nhiên, những phiên bản sao chép vẫn xuất hiện ở khắp nơi, từ sàn thương mại điện tử đến chợ quê. Việc tiêu thụ các sản phẩm nhái vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng khó kiểm soát, đem đến thách thức cho các nhà mốt cao cấp. |
Hàng xa xỉ fake là chiếc cầu nối, làm mờ đi ranh giới giữa các tầng lớp xã hội, giảm thiểu sự phân biệt giàu nghèo. Với những món đồ hiệu nhái, người dùng có cơ hội tỏ ra giàu có, vương giả, bất chấp thực tế. Khi đó, họ được quyền tạm thời quên đi hoàn cảnh sống, xuất thân của mình. Sự sao chép không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thời trang. Ngày xưa, nhiều nghệ nhân đã được thuê để tạo ra những bản sao của các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng. Hoạt động này ngày càng phổ biến, khiến giới thượng lưu khó chịu. |
Thị trường thời trang nhái cũng đem đến tác động kinh tế đáng kể. Quá trình sản xuất và buôn bán đồ hiệu giả tạo ra nhiều việc làm ở Campuchia và Việt Nam - nơi dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn. Song, sự tràn lan của những bản sao này làm suy giảm doanh thu của các thương hiệu chính hãng, đồng thời đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, thời trang bền vững cũng là vấn đề đáng quan tâm. Việc sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp chính hãng và nhái đều phải đối mặt với vấn đề này. |
Bất chấp nhiều thách thức, sức hấp dẫn của thời trang xa xỉ fake ở Đông Nam Á vẫn ngày càng mạnh mẽ. Những mặt hàng giả mang đến cho người dân khu vực này cơ hội hòa nhập vào văn hoá tiêu dùng toàn cầu, đồng thời định vị bản thân trong một xã hội của quyền lực và địa vị. Đó là một hình thức trao đổi văn hoá, phản ánh tình hình kinh tế, xã hội của khu vực trên. |
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.