Mauritius là một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển châu Phi, cách Madagascar 2.000 km. Với những bãi biển tuyệt đẹp, rạn san hô nhiều màu sắc, sân golf rộng lớn, các nhà hàng sang trọng, hòn đảo thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn của hòn đảo được đánh giá là đẹp nhất ở Ấn Độ Dương này không chỉ có vậy.
Góc phía tây nam của hòn đảo có địa điểm gây kinh ngạc và thích thú cho bất cứ ai được chứng kiến, một thác nước dưới lòng biển sâu. Trên thực tế, đây không phải là một thác nước, mà là ảo giác quang học.
Thác nước dưới biển là một trong những địa danh khiến con người cảm thấy thiên nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu. Ảnh: Cdn. |
Các nhà khoa học giải thích hiện tượng này như sau. Mauritius là một hòn đảo tương đối trẻ trung so với phần lớn các khu vực khác của thế giới, được hình thành khoảng 8 triệu năm trước do các hoạt động núi lửa dưới đại dương. Đảo nằm trên cao nguyên Submarine hay Ocean Shelf, thấp hơn mực nước biển khoảng 150 m. Một góc nhỏ của khu vực này bị sụt xuống vực sâu khoảng 4.000 m dưới biển.
Dòng chảy hải lưu đem theo cát từ những bãi biển của đảo Mauritius, đi qua hõm sâu này, kết hợp cũng màu sắc nước biển ở các điểm nông sâu khác nhau đã tạo nên ảo ảnh kỳ thú, khiến nó trông giống một thác nước.
"Thác nước" khi nhìn từ một ngọn núi trên đảo xuống. Từ góc nhìn này, có thể thấy rõ được dòng chảy và các đụn cát trắng bên trong thác. Ảnh: Remibrido T/Flickr. |
Thác nước dưới biển sâu chỉ có thể quan sát được từ trên cao. Mỗi năm, hàng triệu du khách khắp nơi đổ về hòn đảo, lên trực thăng để được ngắm nhìn trọn vẹn địa điểm kỳ lạ này.
Đảo Mauritius được người Ả Rập đã khám phá năm 975 và được nhiều người biết đến hơn sau năm 1510, khi các thám hiểm người Bồ Đào Nha tìm đến. Hòn đảo tươi tốt và xinh đẹp này là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có chim Dodo, đã bị cho là tuyệt chủng.
Ngoài việc ngắm thác nước từ trên cao, du khách còn có thể bơi, lặn biển, khám phá rạn san hô xung quanh đảo hoặc ngay bên trong dòng chảy của "thác nước".