Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Áp lực chăm F0, gồng gánh chi tiêu đè nặng lên vai người vợ

Đầu tháng 3, cả gia đình chị T. lần lượt nhiễm bệnh. Chồng chị sớm hồi phục và đi làm trở lại. Còn một mình người mẹ loay hoay vừa làm việc online, chăm con lẫn lo nội trợ.

phu nu kiet suc vi viec nha anh 1

Hai năm sau đại dịch, chị T.T. (35 tuổi) vẫn đang gặp khó khăn, thường xuyên cảm thấy kiệt sức.

Ngoài công việc kéo dài từ 8-10 tiếng ở văn phòng, chị bị bủa vây bởi vô số nhiệm vụ gia đình: đưa đón con cái, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người thân...

"Tôi luôn có cảm giác 24 giờ một ngày không đủ với mình. Kết thúc công việc, tôi lên giường lúc nửa đêm, rồi có khi trằn trọc đến 2-3h", người mẹ 2 con nói với Zing.

Chị T.T. chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ đang phải cố gắng sắp xếp công việc với thời gian chăm sóc con cái, gia đình trong đại dịch. Một số người phải đối mặt với việc mất thu nhập, những người khác có thể đang chăm sóc cha mẹ già yếu, chồng con nhiễm bệnh.

Giọt nước tràn ly

Không nhìn nhận đại dịch là nguyên nhân sâu xa gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi trong gia đình mình, nhưng chị T. cho rằng Covid-19 như "giọt nước tràn ly" khiến mọi vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Từ sau Tết Nguyên đán, vợ chồng chị đón 2 con từ nhà ông bà ngoại ở quê vào lại thành phố. Cả hai tưởng rằng "ngày giải phóng phụ huynh" đã đến khi các trường học mở cửa trở lại.

Nhưng giờ đây, lịch học chồng chéo giữa online và offline của con cùng số ca nhiễm ở trường tăng vọt khiến cặp vợ chồng thêm áp lực.

phu nu kiet suc vi viec nha anh 2

Chị T. gặp khó khăn khi cân bằng công việc với các nhiệm vụ gia đình. Ảnh: NVCC.

"Có giai đoạn lớp con có nhiều F0 quá, tôi phải để con ở nhà. Thế là trưa nào tôi cũng phải tranh thủ giờ nghỉ chạy từ công ty về nhà để lo ăn uống cho các con", chị T. kể.

Đầu tháng 3, cả 4 thành viên trong nhà chị T. lần lượt nhiễm bệnh. Chồng chị không có triệu chứng, sớm âm tính và trở lại với công việc.

Trong khi đó, một mình người mẹ loay hoay làm việc online, chăm con lẫn lo nội trợ. "Tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Thể lực, tinh thần suy kiệt khiến bệnh càng lâu khỏi hơn".

Đến hiện tại, chị T. đã âm tính với Covid-19 song vẫn còn ho, mất ngủ kéo dài.

39% các bà mẹ đi làm nói rằng họ chịu trách nhiệm chính về việc nhà, trong khi chỉ có 11% đàn ông có cùng suy nghĩ, theo khảo sát của hãng tuyển dụng Adecco Việt Nam.

Hiện bố mẹ đi làm dành trung bình 23,2 giờ/tuần cho việc nhà và chăm con, tăng 6,3 giờ so với trước đây. Phụ nữ đi làm dành thêm 7,3 giờ/tuần cho những việc này, từ 19,5 giờ tăng lên 26,8 giờ. Với các ông bố, mức tăng là 5,3 giờ, từ 15,2 lên 20,5 giờ/tuần.

Các bà mẹ đi làm căng thẳng hơn trong những vấn đề về sự an toàn và sức khỏe của gia đình, việc thiếu người chăm sóc con cái và vấn đề mua sắm hàng hóa. Trong khi đó, các ông bố lo lắng hơn về tình trạng tài chính, sự đảm bảo và triển vọng công việc, cũng như mối quan hệ với bạn đời.

Gồng gánh

Cả gia đình 4 người của chị Đàm Hằng (29 tuổi, Hà Nội) đều mắc Covid-19 vào tuần đầu tháng 3. Dù mệt mỏi vì sốt cao, ho kèm khó thở, chị vẫn phải chăm 2 con sốt 39,5 độ C và quấy khóc.

“Tôi kiệt sức nhưng cố gắng dậy pha thuốc hạ sốt, chườm ấm cho con và mua các loại thuốc bổ khác cho cả nhà. Phải nói là vừa mệt mỏi, vừa bí bách. Covid-19 không hề nhẹ nhàng như mọi người vẫn nói”, người mẹ cho hay.

Khi bị ốm, chị Hằng vẫn làm việc online. Chị được cấp trên và đồng nghiệp thông cảm, hỗ trợ nên tranh thủ lúc con đỡ mệt hoặc ngủ để hoàn thành công việc.

phu nu kiet suc vi viec nha anh 3

Chị Hằng kiệt sức khi vừa lo điều trị Covid-19, vừa chăm con và làm việc online. Ảnh: NVCC.

Với chị Hằng, việc chi tiêu trong gia đình luôn phải đong đếm. Trong bối cảnh giá cả leo thang, chị càng phải tính toán kỹ hơn. Người mẹ thường đi chợ một lần/tuần thay vì lẻ tẻ để giảm bớt chi phí.

Bên cạnh đó, gia đình chị Hằng từ bỏ thói quen đi ăn nhà hàng vào cuối tuần và hạn chế ra ngoài. Chị cũng phải cân đối việc mua sắm đồ đạc.

“Trước đây, tôi mua rất nhiều đồ online, thậm chí nhiều thứ chưa cần gấp hoặc ít khi dùng. Hiện tại, tôi hạn chế để tránh mua sắm quá đà, chỉ sắm vật dụng thực sự cần thiết cho gia đình và bản thân. Nói chung, ngày càng phải thắt lưng buộc bụng”, chị kể.

Thời gian cả nhà ốm, chồng chị Hằng vừa giúp vợ chăm con, vừa làm việc online. Về nấu nướng và việc vặt trong nhà, hai vợ chồng chia sẻ, ai rảnh hơn sẽ làm.

Chị Hằng cho rằng đó không phải điều xảy ra ở mọi nhà. Theo chị, nhiều gia đình đều là F0 nhưng cuộc sống, con cái vẫn một tay người vợ, người mẹ xoay xở còn tồn tại phổ biến.

“Tôi luôn mong muốn xã hội công bằng. Người vợ cũng đi làm kiếm tiền như chồng nhưng còn phải gồng gánh việc gia đình quả thật rất áp lực và mệt mỏi. Mong rằng xã hội dần thay đổi, những người đàn ông trong gia đình thấy được sự vất vả và san sẻ gánh nặng với người vợ”, chị nói.

Gánh nặng kép đối với phụ nữ

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), nhận định dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến đa số người dân dưới nhiều góc độ khác nhau, từ sức khỏe thể chất đến tinh thần, việc làm, thu nhập cũng như các mối quan hệ xã hội và gia đình. Chưa kể, chi phí cho công tác dự phòng và điều trị Covid-19 cũng là khoản chi tiêu đáng kể trong các gia đình có thu nhập trung bình hay thấp.

Theo thống kê chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phụ nữ thường chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu trong gia đình. Do đó, việc chi tiêu cho cả nhà trong thời điểm dịch bệnh cũng có thể do họ đảm nhận.

phu nu kiet suc vi viec nha anh 4

Theo bà Hà, phụ nữ đảm nhiệm những công việc chăm sóc trong gia đình vì được cho là làm giỏi hơn, đảm đang hơn nam giới. Ảnh: NVCC.

Về công việc chăm sóc gia đình của phụ nữ và nam giới trong mùa dịch, bà Hà cho rằng có thể logic với những đánh giá trước đó ở Việt Nam thể hiện rằng thời gian phụ nữ dành cho công việc nhà thường gấp đôi nam giới.

Thậm chí, có khoảng 20% nam giới chưa từng làm việc nhà.

Trong khi đó, nhiều phụ nữ làm những công việc giản đơn, ở khu vực phi chính thức, kinh doanh ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vận hành hay làm giáo viên tại các trường mầm non tư nhân… là những công việc hay mô hình có tác động tiêu cực bởi việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Do đó, họ là người thực hiện những công việc chăm sóc trong giai đoạn giãn cách, con cái học online hay chăm sóc người thân là F0, F1 trừ khi bản thân phải cách ly nghiêm ngặt.

Theo bà Hà, phụ nữ vẫn đảm nhiệm những việc này và được cho là làm giỏi hơn, đảm đang hơn nam giới. Thậm chí, việc chăm sóc gia đình, con cái được cho là thiên chức, đức hy sinh của người phụ nữ. Điều này tồn tại và duy trì qua thời gian do giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội vẫn còn nặng khuôn mẫu giới.

Giám đốc CEPEW không khẳng định làm hết những việc này có phải là gánh nặng đối với tất cả phụ nữ không bởi có thể nhiều người lại cảm thấy hạnh phúc khi được hy sinh cho gia đình. Ngoài ra, có những phụ nữ đơn thân buộc phải gánh vác tất cả.

Tuy nhiên, với bà Hà, đó là gánh nặng và bản thân không thể trọn vẹn tất cả việc này cùng lúc.

“Nếu phải làm tất cả thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và không thể làm tốt công việc đối với cơ quan, doanh nghiệp. Mọi việc không hề đơn giản vì vừa phải thực hiện cách ly, vừa phải làm việc, vừa phải chăm sóc bản thân và các thành viên gia đình trước, trong và sau dịch”, bà nói.

phu nu kiet suc vi viec nha anh 5

Vừa thực hiện cách ly, vừa phải làm việc, chăm sóc bản thân cùng các thành viên gia đình trước, trong và sau dịch có thể là gánh nặng đối với phụ nữ. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Bà Hà cho rằng để không còn gánh nặng kép đối với phụ nữ thì không thể ngày một, ngày hai là giải quyết xong. Theo bà, đó là quá trình trao đổi, thực hành nhất quán đối với các thành viên gia đình và hướng dẫn con cái.

Trước hết, cả phụ nữ và nam giới cần thống nhất quan điểm việc nhà không có giới tính nên không thể nói rằng nó là việc phù hợp với phụ nữ hay chỉ phụ nữ mới làm giỏi.

Tương tự, không chỉ nam giới là trụ cột kinh tế của gia đình để đổ gánh nặng này lên vai nam giới. Dù là kiếm thu nhập hay công việc nhà, chăm sóc con cái và người cao tuổi đều là những công việc quan trọng, có giá trị. Mọi thành viên đều có thể làm nếu có đủ sức khỏe và trách nhiệm để cùng duy trì gia đình, làm gương cho con cái.

Phụ nữ trẻ muốn độc lập tài chính, sợ dựa dẫm

Nhiều phụ nữ trẻ đặt mục tiêu tự chủ về tài chính, ngại phụ thuộc vào gia đình hoặc chồng, bạn trai.

Thảo Thu - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm