Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Áp lực 'gánh team' nơi công sở

Cuối năm 2021, Quốc Minh (sinh năm 1993, TP.HCM) lần thứ 2 liên tiếp được công ty trao danh hiệu "Cá nhân xuất sắc của năm". Tuy nhiên, anh không cảm thấy vui thích hay tự hào.

Nhân viên thu mua sản phẩm này thừa biết mình phải ôm đồm công việc ra sao để nhận được lời khen như vậy.

"Khi mới vào công ty, tôi từng chăm chỉ đến mức không từ chối nhiệm vụ nào từ sếp. Tôi còn nhận luôn phần việc của đồng nghiệp nếu họ bận, hoặc thấy mình có thể đáp ứng được. Thú thực, tôi kỳ vọng có thể được đề bạt cho chức trưởng phòng. Nhưng giờ đây, vị trí tôi có là 'gánh team' chứ không hề được tăng lương, thăng chức", anh kể với Zing.


Ôm việc

Theo Quốc Minh, anh thường xuyên được cấp quản lý yêu cầu hỗ trợ đồng nghiệp, giao thêm các nhiệm vụ mới, thậm chí tạm điều hành bộ phận khi sếp nghỉ phép.

Ban đầu, anh cho đây là tín hiệu đáng mừng, nghĩ rằng hẳn mình có năng lực mới được cấp trên tin tưởng, giao phó như vậy.

Để hoàn thành nhiệm vụ, anh không ngần ngại đi công tác dài ngày ở các tỉnh, tham gia những cuộc nhậu cùng khách hàng và sẵn sàng trả lời tin nhắn của sếp dù 1-2h sáng.

Nhiều đồng nghiệp thường nói lời cảm ơn vì anh đã giúp họ gánh vác phần việc nặng. Một số cho biết nếu không có anh trong nhóm, sẽ không ai chịu xa nhà và phải ăn nhậu triền miên cùng đối tác.

Bản thân Quốc Minh cũng từng cảm thấy tự hào. Anh vui vẻ khi bạn bè nói mình "nghiện việc", "đi làm vì đam mê"... Nhân viên này cho rằng nếu mình đủ cố gắng, gặt hái thành công, thu nhập cao chỉ là điều sớm muộn.

Tuy nhiên, niềm vui của Quốc Minh nhanh chóng qua đi khi tất cả những gì anh nhận được chỉ là khối lượng công việc ngày càng tăng thêm và 2 tấm bằng khen sau 2 năm làm việc.

Anh cho biết không cảm thấy mệt mỏi về thể chất. Trên thực tế, anh có thể làm việc nhiều hơn. Nhưng về tinh thần, anh chán nản và suy kiệt.

"Tôi thấy đồng nghiệp xung quanh không ai như mình cả. Họ chỉ làm đủ phần việc của cá nhân rồi ra về, cuối tháng vẫn nhận mức lương bằng tôi. Đến cuối cùng, tôi không hiểu mình làm nhiều việc hơn để làm gì", anh thở dài.

Trần Thị Thùy Trang (sinh năm 1995, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho mình là một nhân sự "gánh team" khi đồng nghiệp trong nhóm đều là bạn trẻ ít kinh nghiệm hơn hoặc những anh chị lớn "luôn bận việc gia đình".

"Gánh team" khi đồng nghiệp là bạn trẻ ít kinh nghiệm hơn hoặc những anh chị lớn "luôn bận việc gia đình". Ảnh: NVCC.

Bộ phận của Thùy Trang hiện có 6 thành viên, trong đó 3 người đã lập gia đình, một người là thực tập sinh, một người khác chỉ chuyên nhiệm vụ kỹ thuật, có phần đặc thù.

Mỗi khi có dự án mới, sếp thường chủ động giao cho cô những phần việc chính và quan trọng. Anh nói cô còn độc thân, không quá bận như những người còn lại.

"Gần đây, tôi áp lực, căng thẳng rất nhiều khi một đồng nghiệp nghỉ thai sản và sếp mặc định tôi phải làm luôn phần việc của chị ấy. Tất nhiên, tôi được tăng lương cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, một ngày phải làm việc gấp đôi, tôi không biết xoay sở làm sao cho kịp deadline. Lúc này, sếp lại nhắn tin 'em ơi, sao lâu thế?'. Anh ấy còn không hỏi tôi xem có điều gì bất tiện hay không", cô kể.

Gần 3 năm trước, khi vừa mới vào công ty, Thùy Trang đã được sếp dành nhiều lời khen bởi cô có bằng tốt nghiệp loại giỏi từ trường đại học danh tiếng, lại có tính cách nhiệt tình, chăm chỉ.

Cô cũng có vốn ngoại ngữ tốt, thành thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Trung. Do vậy, ngoài công việc chính tại phòng ban, cô còn kiêm luôn nhiệm vụ biên, phiên dịch khi sếp làm việc với đối tác nước ngoài.

"Nhiều đêm, tôi chưa ăn hạt cơm nào nhưng vẫn phải ngồi dịch hợp đồng tiếng Anh cho sếp để kịp cho buổi sáng hôm sau. Có lần, tôi đói quá đến mức đau dạ dày, phải nhập viện cấp cứu. Từ ngày gánh thêm việc, tôi thường xuyên hủy hẹn với bạn bè, không ăn cơm với bố mẹ, còn quên cả lịch khám sức khỏe định kỳ", cô chia sẻ.

nhan su ganh team anh 1

Nhiều nhân sự trẻ chủ động ôm đồm nhiều công việc, đôi khi là của cả nhóm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.


Lựa chọn

Cuối tháng 4 vừa qua, Thùy Trang xin nghỉ phép 4 ngày để đi du lịch với gia đình. Sếp đồng ý vì cô còn nguyên 14 ngày phép/năm chưa sử dụng. Nhưng anh yêu cầu cô mang theo máy tính, luôn phải online để kịp thời hỗ trợ công việc từ xa.

"Sau thời gian dài làm việc không ngơi nghỉ, tôi không ngờ mình còn không được đảm bảo quyền lợi lao động tối thiểu. Tôi nói với sếp, sau đó, anh chấp nhận để tôi nghỉ ngơi 4 ngày trọn vẹn", cô nói.

Còn đối với Quốc Minh, anh chủ động điều chỉnh mức độ làm việc, vạch ra ranh giới giữa công việc cá nhân và việc phụ giúp cho đồng nghiệp, cấp quản lý.

"Bản thân tôi đã tự làm khó mình. Nhiều người, trong đó có tôi, nghĩ rằng phải chăm chỉ vì những mục tiêu lớn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm rõ với đồng nghiệp và cấp trên về nguyện vọng, giới hạn của mình. Nếu sếp lảng tránh yêu cầu, tôi nghĩ có lẽ mình cần xem xét lại công việc này", anh bày tỏ.

Anh cũng thẳng thắn chia sẻ với sếp về kỳ vọng của mình đối với sự nghiệp. Kết quả, anh chưa được thăng chức nhưng mức lương được điều chỉnh.

"Tôi khá bất ngờ khi sếp quyết định tăng lương khá nhiều cho mình như vậy. Kèm với đó, tôi còn nhận lời xin lỗi từ anh", anh nói thêm.

nhan su ganh team anh 2

Không phải lúc nào chúng ta cũng được sắp vào cùng một nhóm với những người có năng lực hay muốn san sẻ công việc.

Vòng luẩn quẩn

Trái ngược với "gánh team" là “Derailers”, tạm dịch là những người tạo gánh nặng ảnh hưởng đến năng suất cả nhóm.

Họ có thể là người vô ý thức, cẩu thả, ích kỷ, hoặc nghĩ rằng mình tài giỏi và không đủ khiêm tốn để nhận ra giới hạn năng lực của bản thân. Không phải lúc nào chúng ta cũng được sắp vào cùng một nhóm với những người có năng lực hay muốn san sẻ công việc.

Bên cạnh đó, có những tình huống "gánh team" khó tránh khỏi như đồng nghiệp mắc bệnh, nghỉ thai sản, hoặc có việc đột xuất.

Nghiên cứu trong thời kỳ đại dịch của Future Forum chỉ ra các trưởng phòng, quản lý tầm trung gặp nhiều vấn đề về "gánh team" hơn lãnh đạo cấp cao.

Những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) càng dễ bị áp lực phải chứng tỏ bản thân.

Thời gian của họ trong lực lượng lao động trùng hợp với sự trỗi dậy của “một nền văn hóa hối hả” - nơi một người càng dành nhiều thời gian và năng lượng cho công việc, họ càng xứng đáng có thành công.

Sự bùng nổ của công nghệ cũng đẩy nhanh “văn hóa” này, khi “công việc theo chân mọi lúc, mọi nơi” và ranh giới giữa việc làm và đời sống riêng trở nên nhạt nhòa.

Sau đại dịch, việc chuyển đổi hình thức lao động càng tạo điều kiện cho việc một người phải làm việc cho nhiều người.

Bằng chứng là tại Mỹ, theo số liệu của Tacob Hirsh, phó giáo sư ở Đại học Toronto, công bố trên The Wall Street Journal, 42% quản lý cấp trung thấy mình phải vật lộn để giữ hiệu quả công việc như cũ, đồng thời thấy có trách nhiệm đối với sức khỏe tinh thần nhân viên.

Kết quả, họ rơi vào vòng luẩn quẩn giảm bớt căng thẳng của các thành viên trong nhóm đồng nghĩa với việc tự gây ra nhiều stress hơn cho bản thân.

"Nhân viên A bị quá tải, công việc đưa sang nhân viên B, nếu tất cả cùng quá tải, công việc sẽ dồn về trưởng nhóm. Leader sẽ làm thêm công việc của nhóm, lâu dần, chính người quản lý đó trở nên mệt mỏi, kiệt sức vì công việc", ông viết.

Nguyễn Quỳnh Thư (sinh năm 1997, hiện là quản lý nhóm chăm sóc khách hàng) hiểu điều này.

"Lần đầu được thăng chức, tôi cảm thấy mình cần chứng minh, nhưng cũng thấy bối rối về vị trí của mình. Nhân viên dưới trướng nói họ không thể làm hết việc và tôi thường làm thêm công việc của nhóm để tránh cho họ mệt mỏi. Tôi còn gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe vấn đề của họ. Mỗi cuối ngày, tôi kiệt sức về thể lực và quá tải tinh thần", cô kể.

Một mặt, Thư phải làm theo các yêu cầu của cấp trên. Mặt khác, cô cũng phải quan tâm đến các vấn đề nhân viên gặp phải và tìm cách giải quyết chúng. Vòng lặp này đã diễn ra gần 1 năm nay.

"Khi tôi căng thẳng, tình trạng kiệt sức của cả nhóm tồi tệ hơn. Tôi trải qua nhiều thứ nhưng biết rằng nhân viên của mình cũng gặp khó khăn, tôi không dám nhờ ai trợ giúp mình", cô giải thích.

'Điều tra' công ty trước khi ứng tuyển

Các hội, nhóm mạng xã hội và nền tảng việc làm là nơi người trẻ tìm kiếm đánh giá, thông tin về một công ty từ nhân sự cũ.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm