Phạm Mai Thanh (sinh năm 1990), quê Thái Nguyên. Cô vừa lập gia đình tháng 9/2014 và đang có thai ở tháng thứ 3. Cô chia sẻ: “Tôi từng phá thai nên lo sợ không thể có con. Khi biết có em bé, tôi rất hạnh phúc”. Thanh kể, cô từng là bà bầu sinh viên trong 3 tháng.
Mối tình lầm lỡ
Bốn năm về trước, khi là sinh viên năm thứ nhất một trường kinh tế ở Hà Nội, qua giới thiệu của bạn, Thanh quen N.H.M – sinh năm 1986, làm việc ở Hải Dương. Những tin nhắn, những cú điện thoại, những lần chat yahoo… dần gắn kết hai con tim. Cô nhận lời tỏ tình của M trong 1 lần M lên Hà Nội.
Thanh gặp đau khổ bởi yêu nhầm kẻ sở khanh. Ảnh minh họa. |
Yêu trong xa cách, hai người thường gặp nhau vào cuối tuần. Những cuộc gặp ngắn ngủi, M luôn muốn tình cảm đi xa hơn những cái ôm, những nụ hôn. Bị từ chối, M giận dỗi lập luận rằng Thanh không yêu mình thực sự, hết lòng. Điệp khúc ấy vang lên như một quy luật của mỗi lần gặp khiến Thanh dần xiêu lòng. Việc "đi quá giới hạn" diễn ra sau nửa năm yêu nhau. Thanh luôn sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sau mỗi lần quan hệ.
Tuy nhiên, tháng 10/2009, cô phát hiện mình có thai dù lần quan hệ trước đó có sử dụng thuốc. Gọi điện cho người yêu thông báo, cô cảm nhận được rõ khoảng lặng ở đầu dây bên kia. Sau khoảng lặng, M. nói với Thanh: “Cô dễ dàng lên giường với tôi thì cô cũng dễ với nhiều thằng khác. Đứa bé chắc gì là con tôi”. Sau câu nói ấy, là tiếng máy cúp cái rụp với tiếng tút tút kéo dài.
“Tôi chết điếng người khi nghe người đàn ông mình yêu nói thế”, Thanh tâm sự. Những lần liên lạc sau, M. dùng những ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu nhất để sỉ nhục, phủ định đứa con với Thanh. Thanh chấm dứt liên lạc với cô từ đó.
Cuộc điện thoại của mẹ
Bị người yêu rũ bỏ trách nhiệm, Thanh chỉ biết khóc. Cái thai khi ấy được hai tháng tuổi. Chị họ là người duy nhất Thanh tâm sự mọi chuyện. Thanh vẫn duy trì việc đến lớp hàng ngày nhưng lúc này cô bắt đầu ốm nghén, cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ.
“Tôi đến lớp với 1 một tâm lí mặc cảm, tự ti. Tôi sợ bạn bè phát hiện mình có thai nên luôn chọn những cái áo rộng kết hợp với quần hộp. Khi bạn bè trong lớp túm tụm nói chuyện, tôi chột dạ nghĩ họ đang bàn tán về mình”, Thanh chia sẻ.
Ở nhà, Thanh chỉ biết ôm gối khóc. Khóc vì giận mình trao tình yêu cho một kẻ không xứng đáng, khóc vì mình nhẹ dạ , khóc vì thương bản thân, thương đứa bé trong bụng.
“Tôi trách mình rất nhiều. Lúc đó, tôi cũng căm hận người đàn ông bội bạc đến tận xương tủy. Tôi từng nghĩ mình chẳng còn gì để mất nên định về quê hắn, đến chỗ hắn công tác, làm to chuyện nhằm phơi bày bộ mặt thật của hắn nhưng may mắn, ý định ấy mới chỉ dừng lại ở ý nghĩ”.
Bước sang tháng thứ ba, Thanh rơi vào tình trạng căng thẳng vì cuộc đấu tranh tư tưởn giữ thai hay bỏ thai. “Phá thai có thể khiến tôi vô sinh, kinh khủng hơn là cảm giác tội lỗi vì tước đoạt sự sống của một đứa trẻ. Nhưng giữ lại, tôi lấy tiền đâu để nuôi con, khi bản thân mình còn nuôi chưa nổi. Rồi tương lai sẽ đi về đâu, bố mẹ tôi sẽ đối mặt với chuyện này thế nào".
Hôm ấy, cô đến bệnh viện cùng chị họ. Thanh không thể quên ánh mắt vị bác sĩ đứng tuổi khám cho mình. Nó vừa hàm chứa sự trách móc, vừa hàm chứa sự thương cảm. Bác sĩ nói với Thanh về hệ quả của phá thai, khuyên cô về bàn bạc kĩ với bố mẹ.
Ra khỏi viện Thanh lại khóc như mưa. Cô nghỉ học một tuần liền, tiếp tục nằm nhà dằn vặt bản thân về việc giữ hay bỏ thai. Thanh vẫn quyết định giấu kín mọi chuyện với gia đình. Thời gian đó, không hiểu sao, cứ cách ngày bố mẹ lại gọi điện hỏi thăm Thanh, chỉ xoay quanh những câu chuyện nhỏ nhặt đời thường: con ăn cơm chưa, ăn cơm với gì, đi học ra sao, có cần tiền không bố mẹ gửi lên.
Sau một tuần suy nghĩ, Thanh vẫn quyết định bỏ đứa bé. Cô thông báo với chị họ về thời điểm đến bệnh viện để chị thu xếp đi cùng mình. Trước khi đi, Thanh nhận được điện thoại của mẹ. “Tôi không bao giờ quên được cú điện thoại đó. Mẹ vẫn hỏi tôi những chuyện quen thuộc: con ăn cơm chưa, hôm nay con ăn cơm với gì. Rồi bất ngờ mẹ nói mẹ biết chuyện của con rồi. Giọng mẹ nhẹ nhàng và rắn rỏi lắm. Mẹ bảo đây chỉ là một lần vấp ngã và tin tôi sẽ đứng dậy, đi tiếp. Những lời mẹ nói khiến tôi òa khóc nức nở”. Hóa ra, nghe lời khuyên của bác sĩ, chị họ bí mật gọi điện nói sự thật với bố mẹ Thanh. Suốt một tuần liền, bố mẹ Thanh cập nhật tình hình con gái gián tiếp qua người chị họ.
Sau đó mẹ Thanh từ dưới quê lên, đích thân đưa cô đến bệnh viện và chăm sóc Thanh trước khi trở về quê.
Gác lại chuyện buồn
Dù được gia đình bên cạnh động viên nhưng di chứng tinh thần của lần lầm lỡ vẫn đeo bám Thanh. “Con tôi ra đi vào hôm Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt. Mùa đông khiến tôi nhớ về con mình nhiều hơn. Mỗi lần nghĩ về con, tôi càng căm giận bản thân, càng căm giận người đàn ông bội bạc”.
Thanh sống khép kín, e dè, cảnh giác trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt với người khác giới và chỉ chú tâm vào việc học. Sau cú sốc, dù biết là phi lí, cô kì thị cả với những người xuất thân cùng quê với người đàn ông đó.
Những biến chuyển tâm lí của Thanh đều được mẹ nắm bắt thông qua chị họ, bạn bè. Một lần, cô về quê chơi, buổi tối hai mẹ con nằm với nhau, mẹ rủ rỉ: “Nỗi đau thì khó quên con ạ nhưng rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Con đừng nuôi hận thù. Hận thù làm cuộc đời con người ngắn lại. Con người, sống mà không có sai lầm thì cuộc đời người ấy cũng đáng chán lắm. Quan trọng là sau mọi chuyện, con hiểu mình hơn và biết hành xử đúng đắn”.
Những gì mẹ nói khiến Thanh suy nghĩ, cô nhận ra sự hận thù khiến cô quên mất việc yêu thương chính bản thân mình.
Cô mở lòng với những người đàn ông sau đó đến tìm hiểu mình. Tháng 9/2014, sau gần 2 năm yêu nhau, Thanh chính thức lên xe hoa với một người bằng tuổi. Một thời gian ngắn sau, cô vui mừng báo tin với chồng về đứa con tương lai.
Cách đây gần 2 năm, khi về quê ăn cưới người bạn, Thanh gặp lại người đàn ông bội bạc. “Anh ta chủ động đến chào hỏi tôi. Nhưng tôi không trả lời, tôi nhìn anh ta và bỏ sang chỗ khác. Lúc ấy và đến tận bây giờ, tôi không còn suy nghĩ hận thù nhưng tôi khinh bỉ, coi thường anh ta”.