BA CHO THẬN ĐỂ VIẾT TIẾP CUỘC SỐNG TUỔI 20 CỦA TÔI
Tôi được sinh ra lần thứ 2 và sống một cuộc đời mới ở tuổi 20 bằng quả thận quý giá mà ba hiến cho.
Năm tôi 16 tuổi, mẹ qua đời vì ung thư, bỏ lại bốn chị em bơ vơ, đêm nào cũng ôm gối khóc nhớ mẹ. Ba tôi trầm ngâm, thẫn thờ suốt thời gian dài.
Năm 17 tuổi, tôi phát hiện mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Tôi chưa hình dung được bản thân sẽ sống bao lâu, chết khi nào, chỉ biết rằng nếu muốn tiếp tục sống, cuộc đời tôi phải gắn liền với máy chạy thận nhân tạo.
Lựa chọn khác để tôi được sống là ghép một quả thận mới.
Ba đã cho tôi quả thận, quyết định nhẹ nhàng như cách ông không nề hà miệt mài chạy xe đưa tôi đi Tiền Giang - TP.HCM chạy thận suốt gần 800 ngày.
Báu vật của ba
Tôi là Nguyễn Thị Kim Mai, 20 tuổi, ở Châu Thành, Tiền Giang. Kim có nghĩa là vàng bạc, châu báu, Mai là xinh xắn, may mắn và quý giá - ba tôi đã lý giải cái tên này như thế.
Ở nhà, chị hai Kim Ngân, chị ba Kim Trang đều lần lượt được ba mẹ chăm chút cho cái tên, hy vọng các con gái có cuộc sống an nhàn.
Thế nhưng, trước tuổi 20, tôi đã phụ lòng ba mẹ.
Chỉ một năm sau khi mẹ mất, cuối 2020, tôi bị suy thận. Tôi cũng không hiểu vì sao bản thân mắc bệnh. Trước đó, chỉ thấy sức khỏe yếu đi nhiều, hay đau đầu, cao huyết áp. Kinh khủng hơn là không thể đi vệ sinh bình thường như trước, chân tay bắt đầu sưng phù.
Những năm 18, 19 tuổi, tôi không đến trường, không bạn bè, vui đùa. Nơi quen thuộc nhất là nhà và phòng chạy thận. |
Bác sĩ bảo trên thế giới, lượng người bị suy thận mạn đang ngày càng cao. Nhưng ở tuổi 17 của tôi, mắc suy thận giai đoạn cuối, là trường hợp éo le. Bởi khi thận không thể tiếp tục lọc máu, việc chạy thận duy trì không còn đáp ứng, tôi không thể sống.
Nhưng ba tôi không chấp nhận cái kết này. Tôi nhớ rõ trong cuộc họp gia đình vào buổi tối sau khi nghe tư vấn của bác sĩ, ba Sanh của tôi đã dứt khoát tuyên bố "bán đất, bán nhà hay sống chết thế nào thì tao cũng cứu con Mai”.
Hầu hết chúng ta khi sinh ra, tạo hóa đã thiết kế hoàn hảo với hai quả thận. Do đó, để một người quyết định hiến đi quả thận, điều này hoàn toàn không dễ dàng. Nó là tình yêu và sự hy sinh to lớn, vượt lên cả nỗi sợ sâu thẳm trong tiềm thức.
Câu nói cục mịch đúng chất người miền Tây khi ấy với ba chẳng có gì lớn lao. Nhưng nghe xong, chị em tôi đã ôm nhau, rồi ôm ba, cùng khóc.
Sau quyết định này, tôi đăng ký làm thủ tục chờ ghép thận và hơn 2 năm chờ đợi, tôi chính thức được lên bàn mổ ghép.
Ca phẫu thuật may mắn được chỉ đạo bởi PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Bác Sâm không chỉ có “đôi tay vàng” ghép thận, với tôi, ông là người ba thứ hai.
Cách ngày mổ vài tuần, tôi buộc phải hoãn cuộc ghép thận ngay trước giờ tiêm thuốc mê. Thời điểm đó, tôi suy tim độ 3, huyết áp cao, không thể chịu đựng được cuộc đại phẫu.
Khi tôi và ba được đưa về khoa Ngoại Tiết niệu để chờ điều trị tim, sự thất vọng tràn ngập trong mắt của bác Sâm lẫn cô chú, anh chị bác sĩ, điều dưỡng ở khoa. Tôi trùm chăn khóc òa.
“Ráng nha con, chữa tim khỏe rồi bác mổ cho con, giờ tim con yếu quá”, bác Sâm xoa đầu tôi, động viên như thế.
Để cứu vãn tình hình, cuộc hội chẩn gồm PGS Sâm cùng chuyên gia tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật gây mê hồi sức, huyết học… đã diễn ra không biết bao lần.
Đúng như lời hứa bác Sâm, tôi được xếp lịch phẫu thuật.
Ngày 26/4, hai ê-kíp lấy thận từ ba và ghép thận cho tôi chuẩn bị sẵn sàng.
Hơn 8h, ba Sanh được gây mê. Bác sĩ đã phẫu thuật nội soi, thám sát từng bước kỹ lưỡng, khéo léo đưa quả thận ra ngoài trong vòng 2,5 giờ đồng hồ.
Là người có kinh nghiệm nhất, PGS Sâm trực tiếp rửa “báu vật” của ba. Bác Sâm tỉ mẩn vệ sinh, làm sạch thận bằng dung dịch chuyên dụng.
Bác cũng phàn nàn quả thận… nhiều mỡ thừa và viêm dính. Tôi chỉ ước ngay lúc này, nếu khỏe mạnh, sẽ gào lên mỗi lúc ba uống rượu hay lén chị em tôi ra hiên nhà hút thuốc.
Cùng lúc này, tôi được đưa vào phòng phẫu thuật khác với rất nhiều cô chú y bác sĩ.
Điều kỳ lạ là sau gây mê, khi tay chân dần nhũn ra như bùn, tôi lơ mơ cảm nhận mùi của mẹ. Mẹ đứng ngay cạnh, âu yếm nhìn tôi.
Khi mắt tôi nhíu lại, chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay cũng là lúc BSCKII Nguyễn Duy Điền chuẩn bị nhận thận ghép.
Bên ngoài thùng đá bảo quản thận, bác sĩ kỹ lưỡng ghi tên người cho thận Nguyễn Hữu Sanh (sinh năm 1966). Người nhận thận là Nguyễn Thị Kim Mai (sinh năm 2003).
Ca ghép thận bắt đầu lúc hơn 9h30. TS.BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, sốt ruột ra vào liên tục để theo dõi quá trình ổn định các chỉ số sinh tồn của tôi trên máy monitor.
Ông bố trí thêm thiết bị theo dõi tim để đảm bảo thông số tim tôi ổn định suốt cuộc mổ. Bác ấy bảo chỉ ca mổ của tôi mới có chiếc máy này.
PGS Thái Minh Sâm trực tiếp chỉ đạo cuộc mổ. Sau khi đặt quả thận mới vào cơ thể tôi, bác sĩ đã nắn nót từng mũi khâu, tỉ mỉ nối từng mạch máu.
Thời điểm quả thận mới trong hố chậu căng hồng, nước tiểu phun trào cũng là lúc mọi người thở phào. Ca phẫu thuật ghép thận cho tôi thành công mỹ mãn lúc giữa trưa.
Khi tôi mở mắt ra, trời đã sụp tối. Toàn thân rệu rời, đầu quay mòng mòng, đuối sức như con mèo ướt mưa. Tôi bất giác sờ bụng, khóc vì cảm giác đau xen lẫn hạnh phúc dù băng dán và dây dợ chằng chịt gắn với dẫn lưu bàng quang.
Ba tôi kết thúc cuộc phẫu thuật sớm và được đưa về khoa để chăm sóc sau mổ. Chị hai kể khi biết cuộc mổ thành công, ông nằm trên giường hồi sức, cười phì phà dù vết thương còn rỉ dịch.
Thế giới yên bình sau bóng lưng ba
Tôi chưa từng nghĩ bản thân bất hạnh hay oán trách cuộc đời bất công. Tôi xem bệnh tật như sự đánh đố trong cột mốc trưởng thành.
Điều may mắn phải là tôi không vượt qua một mình. Tôi được bác Sâm, có chị hai, chị ba, em trai... tiếp thêm sức mạnh. Đặc biệt là bóng lưng vững chãi, bình yên của ba Sanh.
Chị hai lập gia đình và sống ở TP.HCM. Chị ba, tôi, em trai cùng nghỉ học để phụ ba. Nhưng ở nhà, tôi là người nhàn nhất, chẳng phải làm gì.
Ba Sanh luôn giành làm việc nhà, đặc biệt là nấu ăn. Ngày nào ba cũng đi chợ, mua đủ loại thịt, rau để đổi món. |
Ngày mẹ còn sống, bà là kiểu phụ nữ miền Tây chính hiệu. Tháo vát từ việc ruộng đồng đến bếp núc. Mỗi chiều, mẹ thường ngồi vắt vẻo trên võng, gằng hơi lên câu vọng cổ Chuyện tình Lan và Điệp hay ngân nga Mưa rừng, chờ ba và tôi đi làm về.
Đêm trước ngày lên TP.HCM ghép thận, tôi nằm trên võng, nơi ngày xưa mẹ hay đong đưa hát. Tiếng dế kêu râm ran, mùi nhang thơm thoang thoảng từ bàn thờ của mẹ.
Từ ngày mẹ mất, tôi bệnh, ba nghỉ việc ở công trình để đưa tôi đi chạy thận, gồng gánh thêm chi phí chạy thận, thuốc men. Ba chưa bao giờ phàn nàn.
Có vài lần ba mệt, díu mắt lúc chạy xe, hai ba con suýt bị cuốn vào gầm container ngay cầu vượt Bình Thuận (Bình Chánh), có lúc bị quẹt ngã xe giữa vòng xoay An Lạc (Bình Tân).
Cũng từ ngày mẹ mất, ba vụng về vào bếp. Tôi và em trai tập quen với món canh chua mằn mặn, cá kho quá lửa, nước mắm dầm ớt cay xè.
Sau hơn 2 năm, ba thành “masterchef”, biết làm đủ món, lại còn trồng các loại rau lá, cây kiểng, nuôi chim.
Một tháng sau khi phẫu thuật hiến thận, sức khỏe ba đã ổn định. Ba bảo rằng sức khỏe chẳng thấy khác biệt gì so với lúc còn hai quả thận. |
Hai vết sẹo
Sau mổ, dù đường may rất nhỏ và khéo léo, cơ địa tôi vẫn để lại vết sẹo in dài trên bụng. Với tôi, vết sẹo là sự hy sinh thiêng liêng của ba. Nó cũng đánh dấu cho cột mốc lớn lao nhất cuộc đời tuổi 20.
Ba tháng sau ca đại phẫu, tôi sống khỏe bằng dòng máu được lọc ra từ món quà vô giá của ba.
Đến hiện tại, tôi đã quen với vết sẹo dài trên bụng mình. Tôi luôn cảm thấy may mắn khi một phần của ba luôn nằm đằng sau nó. |
Căn phòng nhỏ của tôi ngoài gấu bông giờ đã có thêm máy đo huyết áp. Tôi phải đo 2 lần/ngày và ghi chép lại chỉ số vào quyển tập. Ba Sanh cũng hứa bỏ luôn thuốc lá.
Một góc trong căn phòng nhỏ của tôi. Cuốn sổ tay nhỏ ghi mọi chỉ số huyết áp, lượng nước tiểu theo tôi từ những ngày đầu chạy thận đến bây giờ. |
Thời gian tới, mỗi tháng một lần, sau đó ba tháng một lần, tôi vẫn ngồi sau bóng lưng ba, đi từ Tiền Giang lên Bệnh viện Chợ Rẫy để bác sĩ kiểm tra thận vẫn chạy tốt. Hành trình phía trước sẽ còn rất dài.
Có số ít người không may bị thải ghép sau ghép thận, tôi biết. Nhưng trước mắt, tôi sẽ tuân thủ thật nghiêm túc thời gian sinh hoạt, ăn uống để không phụ lòng sự hy sinh của ba và tâm huyết của bác sĩ.
Vì hiện tại, không chỉ sống cho bản thân, tôi phải sống tiếp một phần cuộc đời ba.