Đó là cảnh đời của bà Bùi Thị Chen, 72 tuổi, ở thôn Yên, xã Kim Truy, huyện miền núi Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Cuộc đời người đàn bà già xứ Mường này thực lắm cơ cực, truân chuyên khi đã hai lần làm dâu mà vẫn không có được một mụn con. Cuộc hôn nhân lần thứ nhất ở xóm Trại Ổi, đằng đẵng sau hơn 20 năm chung sống. Những tưởng ông trời đã tước đi cái quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ, thì ít nhất cũng để cho bà có được một người chồng dựa vào lúc ốm đau, nào ngờ khi bà vừa sang tuổi 40 thì chồng qua đời.
Năm 42 tuổi, bà Chen được mọi người se duyên rổ rá cạp lại với người đàn ông ở xóm Yên này. Dường như số phận nhất quyết bắt bà phải chịu cảnh côi cút, nên 7 năm sau người chồng thứ hai cũng bỏ bà mà về với tổ tiên. Bà trở thành góa phụ thui thủi một mình, từ đó đến giờ cũng đã gần 30 năm.
Nghĩ mình phận bạc, lấy chồng thì theo chồng nên bà quyết ở lại làng Yên này để tiện chăm sóc mồ mả cho ông. Ngày chồng mất bà phải lẳng lặng bước ra khỏi nhà chồng mà không có một chút vốn liếng nào. Nơi trú chân cuối cùng của bà Chen là một ngôi nhà rất đặc biệt, gọi là nhà vì đó là nơi ở của một con người, nhưng với diện tích rộng chưa đầy 6m2, trông nó giống như một cái “chuồng chim”.
Bà già cô độc trong ngôi nhà 6m2. |
Ngôi nhà ở sâu trong góc vườn của một người họ hàng xa, nhà cũng có 4 bậc thang lên xuống, được lợp tấm prô ximăng nhưng vách nứa mục nát, phía dưới thay vì nuôi một con trâu hoặc để đồ đạc giống như các gia đình khác thì chỉ được quây toàn tre gai nham nhở, bên trong nhốt hai con gà.
Bà Bùi Thị Vin, 81 tuổi, người hàng xóm thường xuyên qua lại thăm nom bà Chen cho hay: “Cả nó (tức bà Chen) cũng không nhớ nổi căn nhà đã bị mưa gió đánh sập và dựng lại bao nhiêu lần nữa. Khi còn khỏe nó tự dựng được, còn bây giờ nhà sập đều phải nhờ đến chi hội người cao tuổi giúp đỡ”.
Không con cháu, không người thân thích, những ngày khỏe mạnh bà chống gậy đi từng gia đình trong thôn ngửa tay xin từng nắm gạo nhỏ rồi lủi thủi quay về thổi cơm ăn với muối trắng, thỉnh thoảng bà cũng được ăn cơm với trứng do hai con gà nuôi dưới gầm sàn đẻ.
Những ngày bị bệnh khớp hành hạ, đầu gối sưng tấy, bà chỉ biết nhờ cậy vào những người hàng xóm. Những bữa cơm thịnh soạn nhất của bà Chen là khi nhà hàng xóm có cỗ bàn, thương cảm hoàn cảnh nên họ để dành cho bà một đĩa lòng thịt, xôi rượu.
Chiếc hòm gỗ bạc phếch màu sơn là nơi chứa cả gia sản của bà Chen, nơi bà đựng ít gạo và chút muối xin được. Bà kể: “Chiếc hòm là tất cả những gì bà giữ được trong suốt quãng đường đời dài vất vả từ ngày còn là con gái cho đến giờ”.
Ngoài ra, bà còn có 2 chiếc nồi nhỏ, một chiếc bát, một bộ ấm chén đất ố vàng và một chõ đồ xôi phủ đầy bồ hóng đen kịt. Ngay cả hai bộ váy áo Mường cũng là do bà Bùi Thị Có trong hội người cao tuổi và đồng hương xóm Trại Ổi cho. Hiện nay, tất cả chế độ mà bà Chen có được là suất tiền trợ cấp vẻn vẹn 180 nghìn đồng/tháng.
Cái dáng lầm lũi của bà như muốn đổ ụp xuống, in bóng hình ngoằn nghèo như chính cuộc đời bà lên bức vách mục nát của ngôi nhà. Mong ước lớn nhất của bà trong phần đời còn lại là khi chết đi sẽ được hàng xóm làm tang lễ tươm tất, liệm trong chiếc quan tài mới vì: “Cuộc đời tôi cũ lắm rồi, kể cả những buồn đau”.