Ba đại sứ ẩm thực của Việt Nam trên thế giới
Năm 2012, ẩm thực Việt Nam “được mùa” phủ sóng trên các kênh truyền hình quốc tế với nhiều gương mặt đại diện ấn tượng.
Ba gương mặt sau đây đều ở tuổi 30, vô tình hay tự nguyện để trở thành người quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Christine Hà, cô gái người Mỹ gốc Việt đã trở thành sự ngạc nhiên lớn nhất của cuộc thi truyền hình thực tế về ẩm thực lớn nhất thế giới Vua đầu bếp Mỹ (US Master Chef) mùa thứ 3.
Luke Nguyễn – gương mặt quen thuộc của những người yêu thích ẩm thực Việt Nam ở Úc – tiếp tục xuất hiện với những cuốn sách và chương trình nấu ăn mới.
Uyên Lưu đang dần được biết dến với một câu lạc bộ ẩm thực chỉ dành cho những người thật sự quan tâm tìm hiểu văn hóa Việt ở Anh.
Uyên Lưu
Gặp Uyên Lưu cuối năm 2012 khi cô chuẩn bị rời Việt Nam sau khoảng hai tuần trở về thăm quê, chụp hình các món ăn và hoàn thiện các bước cuối cho cuốn sách về ẩm thực Việt Nam đầu tiên của mình.
Uyên Lưu. |
Cuốn sách dự kiến sẽ có phần lời giới thiệu, công thức nấu khoảng 65 món, dài khoảng 100 trang, hoàn thành vào tháng 2/2013 và phát hành quốc tế tháng 9/2013.
Phong thái hiện đại, giản dị, Uyên Lưu đang “hưởng thụ” cái nắng của miền Nam trước khi trở về London lạnh giá. Ở đó cô lại tiếp tục là chủ nhân của CLB ẩm thực dành cho những người sống ở Anh – nơi họ có thể đến học nấu những món ăn Việt Nam và thưởng thức món ăn Việt Nam tại chính nhà cô ở Hackney, London.
Học làm phim, nghệ thuật, thời trang và nhiếp ảnh tại ĐH Central Saint Martins College of Arts and Design (London), công việc hính của Uyên Lưu hiện nay là nhiếp ảnh.
Cô chuyên về chụp ảnh ẩm thực, food stylish (trình bày món ăn). CLB ẩm thực của cô ra đời từ một sự tình cờ. Ban đầu cô thích mời bạn bè đến ăn uống ở nhà vào dịp cuối tuần, nhưng mời mãi mọi người thấy tốn kém cho chủ nhận nên có sáng kiến đề nghị trả tiền. Uyên cũng nghĩ như vậy, vì cô vừa làm món Việt Nam theo ý mình, vừa có thể có thu nhập tốt, những người khách lại có thể kết bạn với cô, kết bạn với nhau và không ít người yêu nhau và trở thành vợ chồng sau đó.
“Người nước ngoài nghĩ món ăn Việt Nam phức tạp nhưng thật ra rất dễ làm, điều quan trọng là kết hợp các mùi vị một cách cân bằng”, Uyên rút kinh nghiệm. “Lý do tôi thành công? Có thể vì tôi đã sống ở Anh từ năm lên 4 tuổi nên dễ dàng tiếp cận với người bản địa, hiểu văn hóa và sở thích của họ” – cô nói.
Dường như cô không ảo tưởng vào tài năng của mình, mà thành công đó chỉ vì “tôi khác biệt”. Hackney là một cộng đồng nhỏ của Việt Nam tại London, song có rất nhiều nhà hàng Việt Nam được ưa thích.
Uyên Lưu kể cô có nhiều mối quan hệ hơn kể từ khi mở CLB và số tiền kiếm được từ tầm buổi nấu ăn mỗi tuần đủ để cô chi trả cho tất cả những gì cần trong cuộc sống hàng ngày. Thú vui đó cũng không tạo ra quá nhiều áp lực như khi cô sở hữu một nhà hàng “hoành tráng”.
Cô có thể làm khi thích, nghỉ khi cô muốn và tình cảm của những khách hàng – bạn hữu khi tới thưởng thức món ăn của Việt Nam cũng không phải vì thế mà giảm đi so với nhiều nơi. Cô không nghĩ mình là một đại sứ ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, dù “nếu có làm thì tôi chắc là mình đang làm rất tốt”.
Cô đang có vẻ hài lòng với lựa chọn của mình, dù trước đó bộ phim tài liệu cô làm năm 2000, một năm sau tốt nghiệp đại học từng đoạt giải phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary cho phim có độ dài dưới 30 phút. Blog của cô ở địa chỉ Leluu.com vẫn tiếp tục cập nhật các món ăn Việt Nam, cô vẫn tiếp tục viết lách, chụp hình… như mình thích.
Christine Hà
Với những người theo dõi chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực của Mỹ mùa thứ 3 chắc hẳn họ không thể quên được phút giây Christine Hà - ứng viên khiếm thị đầu tiên trong lịch sử cuộc thi đòi hỏi “món phải ngon – trình bày phải đẹp” – được công bố là người chiến thắng.
Trông cô thật nhỏ bé bên đối thủ cao lớn của mình, nhưng sự kiên cường nhất tham gia một cuộc thi mà độ cạnh tranh và khắc nghiệt của nó từng khiến không ít ứng viên phát khóc. Cuộc thi đã khiến cô hiểu rằng phải tự tin vào cảm xúc và lựa chọn của mình. Việc cô lựa chọn nấu những món ăn Việt Nam như cá kho tộ, cơm thịt heo trứng đã khiến các giám khảo là đầu bếp khó tính bị thuyết phục vì nó “lạ miệng”.
Christine Hà. |
Cuộc sống sau chiến thắng khiến cô bận rộn hơn rất nhiều, chuyến đi về Hàn Quốc – quê chồng – đã nối tiếp hành trình hạnh phúc cùng nhau của họ từ năm 2009. Cô xuất hiện ở nhiều chương trình truyền hình hơn, nhiều cơ hội mở ra trước mắt hơn. Hiện cô đang tập trung viết cuốn sách nấu ăn của riêng mình – một phần giải thưởng dành cho quán quân của Master Chef.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, hưởng nền giáo dục Mỹ, Christine Hà vẫn viện dẫn “nền tảng là một người Việt Nam” để lý giải cho tinh thần liều lĩnh tham gia cuộc thi và nỗ lực cô thể hiện trong suốt thời gian thi. Bây giờ, cô gái đó ít có thời gian nấu nướng hơn so với trước khi thi vì phải viết sách, trả lời email của những người hâm mộ. Mong ước về cuốn tiểu thuyết của riêng mình, cùng mở một cửa hàng ẩm thực có chất liệu địa phương tùy theo mùa và một cửa hàng kem có những hương vị riêng, lạ, mới của cô vẫn là niềm ấp ủ.
Christine Hà tại cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ. |
Năm 2013, Christine Hà sẽ đón hai sự kiện quan trọng của cuộc đời: cuốn sách về nấu ăn của cô sẽ ra mắt vào tháng 5 và cô sẽ tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 6. Tiếp đó sẽ là một cuốn hồi ký với lời đề tặng dành cho mẹ - người rời xa trần thế khi cô mới 14 tuổi nhưng đã kịp gieo vào lòng cô tình yêu ẩm thực Việt Nam. Christine viết trên blog của mình rằng với bữa ăn cuối cùng của cuộc đời, cô muốn trong đó có 6 món tất cả và phải có phở gà hoặc bún bò. “Thế thì mới được gọi là chết trong sung sướng được ” – cô viết.
Christine Hà cũng tự tin nói rằng cô đã là một người quảng bá ẩm thực Việt Nam qua những thực đơn do cô đảm nhận trong cuốn Master Chef USA vừa xuất bản. Sẽ còn nhiều cách hướng dẫn nấu món ăn Việt Nam nữa trong sách của cô.
Luke Nguyễn
Luke Nguyễn có quan điểm khác với Uyên. Luke có chiến lược mở rộng các chuỗi nhà hàng một cách rõ ràng, liên tục xuất hiện trên cách kênh truyền hình thế giới với tư cách là đầu bếp nối tiếng nấu món Việt Nam và làm giám khảo cho các chương trình ẩm thực như Master Chef.
Chương trình ẩm thực gần đây nhất của Luke Nguyễn ở Việt Nam là loạt chương trình thực hiện về các món ăn và văn hóa dọc sông Mekong. Sau chương trình, cuốn sách ẩm thực thứ tư của Luke ra mắt có tên “Luke Nguyen’s Greater Mekong” (Tiểu vùng Mekong của Luke Nguyễn). Luke cũng mở thêm mọt nhà hàng khác ở Sydney gọi là Đèn Lồng Đỏ (Red Lantern) ở Riley và một quán cocktail có tên Red Lily. Tháng cuối cùng của năm 2012, Luke mở thêm nhà hàng chuyên phở và mì thứ hai gọi là Fat Noodle ở Brisbane.
Luke kể từ khi anh xuất hiện trên các chương trình truyền hình, nấu các món ăn Việt Nam, nhiều người đã biết đến vẻ đẹp và ngon của món ăn Việt Nam. Người ta muốn học về cách nấu, về các vật liệu, về văn hóa của Việt Nam. Người ta muốn học về cách nấu, về các vật liệu, về văn hóa của Việt Nam và cũng thích đến du lịch Việt Nam.
Luke không giấu vẻ tự hào khi nói rằng từ lúc chương trình ẩm thực của anh phát sóng ở Úc, số du khách từ Úc tới Việt Nam đã tăng 100%. Đến nay, Luke đã sản xuất được bốn chương trình ẩm thực, hai trong số đó ở Việt Nam và đưa Việt Nam vào danh sách ẩm thực thế giới. Luke tự tin: “Tôi cho rằng mình đã trở thành đại sứ ẩm thực của Việt Nam, và tính tới nay, chương trình của tôi đã được phát sóng ở 160 nước”.
Luke đang ấp ủ mở một trường dạy nấu ăn ở Việt Nam để tiếp tục quảng bá nền ẩm thực quê hương mình – mà như anh nhận định – là “tinh túy nhất châu Á, nhẹ nhàng, tươi, tốt cho sức khỏe và cực kỳ cân bằng”.
Tết này, Luke lại cùng những người thân trong gia đình đi viếng 5-6 ngôi chùa ở Úc trước khi trở về quay quần ăn bữa cơm Tết, có gà luộc, bánh chưng, thịt kho trứng. Tình yêu với ẩm thực, văn hóa, lịch sử, nhà hàng và du lịch tiếp tục được người yêu và người thân của Luke chia sẻ, lan tỏa.
Theo Tuổi Trẻ