Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình đến ngôi Siêu đầu bếp Việt của ngư phủ Xuân Tâm

Bằng sự kiên nhẫn, ham học hỏi và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại, từ một đứa trẻ nghèo, áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, anh đã được giới đầu bếp công nhận với danh hiệu cao nhất của nghề bếp.

Hành trình đến ngôi Siêu đầu bếp Việt của ngư phủ Xuân Tâm

Bằng sự kiên nhẫn, ham học hỏi và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại, từ một đứa trẻ nghèo, áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, anh đã được giới đầu bếp công nhận với danh hiệu cao nhất của nghề bếp.

Tuổi thơ dữ dội

Sinh ra trong một gia đình nghèo của Quảng Bình, Xuân Tâm còn không may mắn khi mẹ qua đời lúc anh 5 tuổi. Một mình cha anh tần tảo nuôi 5 đứa con nhỏ. Tuổi thơ của anh là những ngày phong phanh trong chiếc áo rách đối diện với cái lạnh của Huế, những bữa lang thang trưa hè với cái nắng làm phỏng đôi chân không có dép. Những ngày nhịn đói đến trường hay rảnh lúc nào là xuống ruộng mò tôm bắt ốc hay ra đồng hái rau về cải thiện bữa ăn.

“Có lần cha đi làm xa, ở nhà không còn hạt gạo hay một đồng nào, mấy anh em phải đi hái rau dại về cầm cự qua bữa. Đến khi cha về cũng không có tiền. May mắn là hàng xóm đang mổ heo, cha qua phụ nên được cho một ít. Tôi còn nhớ gương mặt của cha lúc ông đến tận trường gọi chúng tôi về ăn trưa. Gương mặt vừa sáng ngời hạnh phúc, vừa đau đáu một nỗi đau không tên”, anh kể.

Dù nghèo khó nhưng chưa bao giờ cha anh muốn các con nghỉ học mà luôn động viên con cố gắng. Cảm động trước tấm lòng của cha, anh càng quyết tâm và danh hiệu học sinh xuất sắc 5 năm là quà anh dành tặng cha mình. Năm anh lên 10 tuổi, thương anh trai một nách 5 con nhỏ, cô anh Tâm ngỏ lời đưa anh về ở cùng. 10 tuổi, đứa bé trong anh Tâm không muốn xa rời cha và các anh em nhưng "phần người lớn" của đứa trẻ sớm chịu nhiều đau khổ trong anh cũng nhận thấy đó là giải pháp tốt nhất cho cha mình.

Cô của anh không khá hơn gia đình anh là mấy. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình trông vào hàng cháo lòng nên một ngày của anh gói gọn trong thời gian biểu sáng sớm dậy đi chợ, về làm hàng, ăn sáng qua quýt rồi đến trường. Tan học, lại có mặt ở hàng cháo, vừa học bài, vừa phụ bưng bê cho khách. “Là một đức trẻ, nhưng lúc đó, tôi ước được ngủ một giấc thật sâu, được ăn một bữa thật ngon”, anh tâm sự.

Thời gian cứ thế trôi qua. Khách đến quán cũng dần quen với hình ảnh một cậu bé còi cọc, lúc có khách thì thôi, khi khách vừa ngơi là lại lăm lăm sách vở cùng lời khen “Cháu nó năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc” của người chủ quán.

Tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nhưng nhận biết gia đình không có điều kiện để học đại học, nhìn quanh không biết làm gì, bắt đầu từ đâu, anh bắt xe vào Mũi Né với quyết tâm đổi đời.

Cơ duyên với nghề bếp

Vào Mũi Né, anh xin được chân chò em (người sai vặt trên tàu) trên một tàu đánh cá. “Ngay lần đầu tàu ra khơi, tôi mới cảm nhận được biển dữ dội thế nào. Những con sóng, những đợt nhấp nhô khiến tôi say sóng đến sống dở chết dở. Ăn không được, uống không xong, đi không được, ngồi cũng không xong, người cứ lơ lơ lửng lửng. Ai cũng bận, cũng không thể giúp mình nên cảm giác ấy càng tệ”, anh rùng mình nhớ lại.

Sau đợt ấy, ai cũng nghĩ anh bỏ cuộc, thế nhưng, khi tàu tiếp tục ra khơi, người ta lại thấy anh trên tàu. Đã “bén mùi” ở lần trước nên đợt này, tuy không chạy băng băng như trên đất liền nhưng anh đã có thể làm những việc cơ bản. Dần dần, những con sóng không thể làm phiền anh.

Nếu ở trên tàu thêm một thời gian nữa, anh đã có thể trở thành ngư phủ. Tuy nhiên, một công việc mới đã kéo anh sang hướng khác. Đó là lúc nhà hàng của một người cô khác đang làm thiếu chân phụ bếp, nhớ đến đứa cháu có khiếu nấu nướng từ nhỏ, nên có ý giới thiệu anh vào làm. “Lúc đầu tôi đồng ý công việc này vì không những được làm trong nơi mát mẻ mà còn được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng càng làm càng thấy thích và yêu nó nên không ngừng để ý học hỏi”. 

Nỗ lực không ngừng

Sau khi học lỏm tất cả các bí quyết của đầu bếp nhà hàng mình đang làm, anh “tham vọng” phát triển ở các nhà hàng lớn hơn. Dịp may cho anh là trong thời gian đó, có một nhà hàng 4 sao mới mở tuyển người làm. Không bỏ qua cơ hội, anh lập tức nộp đơn ứng tuyển.

Hồ sơ đơn giản, kinh nghiệm ít, không ai giới thiệu nên dù được hẹn phỏng vấn từ 9h sáng song đến 10h, 12h, thậm chí đến khi kim đồng hồ chỉ 3h chiều, cũng chẳng có ai kêu anh vào phòng. “Lúc đó anh đói đến run người, muốn kiếm cái gì ăn nhưng sợ người ta kêu lại mình không có ở đó, mất cơ hội nên chẳng dám đi đâu”. Sự kiên trì của anh gây ấn tượng mạnh với người tuyển dụng. Để khi chuông đồng hồ điểm 4 tiếng cũng là lúc anh nhận được lời mời cho vị trí trưởng nhóm chế biến đồ sống của khách sạn này.

Sau 2 năm làm ở vị trí ấy, với sự chăm chỉ, cẩn thận của mình cùng ý chí không ngừng vươn lên học hỏi, anh được cất nhắc vào vị trí trưởng nhóm bếp thịt. Tuy có kinh nghiệm nhưng hầu như chỉ chuyên về lĩnh vực đồ sống hay các món ăn bình dân nên khi được đảm nhận vai trò này, anh gặp không ít trở ngại. Những người đầu bếp dưới trướng biết anh không am hiểu nên coi thường ra mặt.

Để chứng minh bản lĩnh làm sếp của mình, anh miệt mài học đêm, học ngày, học từ tất cả mọi người, học từ cơ bản đến cao cấp. “Lúc đó mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 2 tiếng”, anh tâm sự. Vốn có duyên với nghề bếp, lại thông minh, sáng tạo, chỉ ba tháng sau, anh không những bắt kịp mà còn bỏ xa mọi người trong nhóm khiến họ phục anh tuyệt đối.

Thế nhưng một lần nữa, sau khi chinh phục được đỉnh núi cao, anh lại muốn đến và trải nghiệm ở một đỉnh núi cao hơn. Và một nhà hàng Việt tại đảo quốc sư tử là điểm dừng chân tiếp theo của anh.

Tuy là nhà hàng nhưng số lượng người làm việc có hạn, là người mới, ngoài đứng bếp, anh được giao đảm trách hàng loạt việc không tên khác như ngày đi chợ mấy lần, dọn dẹp, chà rửa và cả phục vụ. Công việc nhiều đến nỗi, mỗi ngày anh chỉ có khoảng 40 phút cho việc vệ sinh và 3 tiếng để ngủ. Thế nhưng, khẳng định học hỏi là chính nên anh chẳng bao giờ dám lơi là với nhiệm vụ. Và con số 2 năm cho từng ấy công việc là minh chứng.

Menu 5 món hoàn hảo trong vòng chung kết giúp anh giành danh hiệu cao nhất của nghề bếp.

Đến siêu đầu bếp

Từ Singapore trở về, anh ứng tuyển và được nhận vào vị trí bếp trưởng của khách sạn Caravel. Với quyết tâm trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp và khẳng định mình trong nghề bếp, anh đăng ký tham gia The Next Iron Chef và khiến mọi khán giả, những người đam mê ẩm thực khâm phục khi liên tục trở thành người có số điểm cao nhất ở hầu hết các vòng thi.

Đặc biệt nhất là trong vòng thi chung kết, tuy ngay từ đầu anh đã chia sẻ: “Không biết làm gì với những con dông còn sống” hay “chưa bao giờ chế biến món ăn từ dông” cùng với điểm yếu là đầu bếp chuyên món Tây, thế nhưng anh đã không ngừng chứng tỏ bản lĩnh nghề bếp khi chinh phục hoàn toàn BGK thực đơn 5 món của mình cũng như chứng minh danh hiệu Siêu đầu bếp của anh là hoàn toàn xứng đáng.

Anh tâm sự: "Nghề bếp không bao giờ ngừng lại và tôi cũng vậy. Tôi sẽ tiếp tục học tập, rèn giũa mình để đưa ẩm thực Việt Nam bước ra thế giới".

Huỳnh Hằng

Theo Infonet

Huỳnh Hằng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm