Các ứng viên nhảy việc thường do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Pexels. |
Lần cuối cùng Huỳnh Khánh Vy (22 tuổi, TP.HCM) có một công việc tương đối dài là làm cộng tác viên ở một cơ quan báo chí trong 2 năm, bắt đầu từ 2018 khi cô là sinh viên năm nhất. Kết thúc công việc này, Vy bắt đầu rơi vào vòng lặp nhảy việc. Các công việc tiếp theo của cô đều không dài quá 6 tháng.
Vy hiện làm việc ở một công ty truyền thông, nhưng cô cũng không có dự định gắn bó lâu dài với công việc này.
"Tôi nghĩ nhảy việc không phải điều gì quá tiêu cực. Tuy chỉ gắn bó trong thời gian ngắn, tôi vẫn làm được nhiều thứ, học hỏi nhiều điều và có kinh nghiệm ở nhiều nơi. Song, mỗi khi viết CV ứng tuyển công việc mới, tôi đều sợ nhà tuyển dụng đánh giá xấu hoặc hiểu lầm về năng lực của bản thân", Khánh Vy nói.
"Tại sao em nghỉ chỗ cũ?"
Chia sẻ với Zing, Khánh Vy cho biết cô thay đổi công việc do môi trường không phù hợp hoặc tính chất công việc gây áp lực lớn, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần.
Công việc ngắn nhất cô từng có kéo dài 2 tháng - liên quan đến edit video. Trong khi làm việc, Vy "khổ sở" vì bị sếp xét nét, không tiếp nhận ý kiến của nhân viên. Đến công việc thứ tư, Vy làm trong 3 tháng thì "từ bỏ" vì khối lượng đầu việc dày đặc, khiến cô đuối sức, tình hình sức khỏe ngày một tệ hơn.
Theo Vy, những ứng viên nhảy việc có thể do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, với lịch sử thời gian làm việc "ngắn hạn", mỗi lần viết CV cô đều lo lắng. Đến khi phỏng vấn, cô cũng gặp ánh mắt không thiện cảm của các nhà tuyển dụng.
"Tôi thấy nhà tuyển dụng thường có ấn tượng không tốt với những ai nhảy việc quá nhiều lần. Vì vậy, mỗi lần viết CV, đến mục kinh nghiệm, tôi đều băn khoăn, sợ ghi thời gian làm việc cụ thể (ở tất cả công việc đã làm) sẽ khiến mình bị mất điểm và mất đi vị trí ứng tuyển mong muốn", Vy nói.
Băn khoăn nhiều nhưng Khánh Vy vẫn lựa chọn thành thật với nhà tuyển dụng. Trong CV, cô luôn ghi tất cả công việc từng làm. Vy cũng nêu rõ những thành tích, kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian ngắn ở các công việc trên để nhà tuyển dụng không đánh giá sai hoặc hiểu lầm cô.
Trần Thiên Lý (23 tuổi, TP.HCM) nhảy việc còn nhiều hơn. Trong 5 năm, kể từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Ngân hàng TP.HCM cho đến nay, cô đã làm việc ở hơn 15 công ty khác nhau (bao gồm cả làm thêm và làm việc chính thức).
Đối với công việc liên quan đến sản xuất nội dung, Thiên Lý đã nhảy việc 9 lần trong 3 năm. Thời gian làm việc ngắn nhất của Lý là 2 ngày, ở một công ty liên quan đến sản xuất nội dung.
Trần Thiên Lý đang làm công việc về truyền thông. Ảnh: NVCC. |
Thiên Lý cho biết lý do nhảy việc đa phần là công việc không phù hợp, khác xa với tưởng tượng của cô hoặc công ty không có đãi ngộ, chính sách bảo hiểm.
Lịch sử công việc "ngắn ngày" dày đặc nhưng Thiên Lý vẫn chọn thành thật với nhà tuyển dụng. Cô cho rằng CV là để ứng viên giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về mình, biết được tính cách và kinh nghiệm làm việc của ứng viên ra sao.
"Tôi dùng CV để thể hiện thế mạnh và kinh nghiệm của bản thân. Trong CV, tôi thường chọn công việc đặc thù của ngành, có kết quả/sản phẩm tốt và thu được kinh nghiệm rõ ràng để ghi vào. Đối với tôi, thời gian gắn bó không quan trọng, nếu làm 2-3 tháng mà có sản phẩm tốt, tôi sẽ không ngại ghi vào CV", Lý nói.
Thiên Lý nhớ rất rõ câu hỏi cô thường xuyên được nhận được từ các nhà tuyển dụng là "lý do nghỉ việc công ty cũ". Trong trường hợp này, cô chọn nói cụ thể lý do. Theo cô môi trường làm việc tốt sẽ không sợ nhân viên nhảy việc.
"CV chỉ nên viết 2-3 công việc từng làm"
Đào Thị Thảo Ngân (22 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) - nhân viên tuyển dụng của một công ty đầu tư tài chính và bất động sản ở TP.HCM - cho biết trong số các CV cô từng nhận, có khoảng 20-30% là CV của ứng viên thể hiện rõ bản thân từng nhảy việc.
Theo Ngân, việc ứng viên nhảy việc nhiều lần đang khá phổ biến trong thị trường lao động, đặc biệt là ở các bạn trẻ. Những lý do nhân viên nhảy việc liên tục đa phần là môi trường làm việc không tốt hoặc có vấn đề với ban quản lý. Trong khi đó, Ngân cho biết số nhân sự nhảy việc vì không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân hay vấn đề khác lại rất ít.
Nhảy việc 1-2 lần/năm có thể là vấn đề của doanh nghiệp, nhưng nhảy 4-5 lần/năm thì có thể là vấn đề của ứng viên, theo Ngân.
Với quan điểm trên, Ngân cho biết doanh nghiệp thường hạn chế tuyển dụng nhân sự có lịch sử nhảy việc nhanh và nhiều lần. Các doanh nghiệp lo ngại rằng khả năng những ứng viên này ở lại gắn bó lâu dài không cao; trong khi chi phí đào tạo nhân sự mới lại khá tốn kém.
Tuy nhiên, để không đánh giá sai, Ngân thường chọn phỏng vấn ứng viên để hiểu rõ hơn. Theo Ngân, nếu các ứng viên tự tin về trình độ và khả năng thì xác suất được nhận là 60-80%.
"Ấn tượng đầu về các ứng viên nhảy việc đối với nhà tuyển dụng có thể không tốt nhưng nếu các bạn xử lý tốt các câu hỏi được đặt ra trong vòng phỏng vấn, các bạn sẽ được chú ý hơn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng có cơ hội phát triển bản thân hơn về sau này", Ngân nói.
Tuy nhiên, để tránh bị "mất điểm" khi viết CV, theo Ngân, ứng viên nên viết 2-3 công ty từng làm thay vì viết hết.
"Tôi không khuyến khích các bạn gian dối trong CV, nhưng các bạn nên 'khai báo' vừa đủ để hạn chế rủi ro xảy ra với mình hơn. Viết 2-3 công ty cũng không có nghĩa là các bạn không trung thực", Ngân nói.
Bên cạnh đó, đối với vòng phỏng vấn, Thảo Ngân khuyên ứng viên nhảy việc nhiều hạn chế đề cập tới môi trường làm việc trước kia. Thay vào đó, ứng viên có thể trình bày khả năng và định hướng phát triển của bản thân.
"Khi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng đề cập tới vấn đề nhảy việc quá nhiều, các bạn có thể nói về cơ hội phát triển của bản thân về lâu dài để tránh bị đào sâu vấn đề dẫn tới mất điểm", Ngân nói.
Khi đi phỏng vấn, bên cạnh câu hỏi "tại sao nghỉ việc?" Lý còn thường nhận được câu "em nghĩ bản thân sẽ gắn bó được bao lâu với công việc ở đây". Cô luôn trả lời "có thể là 2 năm hoặc cũng có thể 2 ngày".
Cá nhân Lý không thích câu hỏi này. "Tùy vào môi trường và giá trị mà tôi thu về được tôi mới có thể xác định thời gian làm việc cụ thể. Tôi luôn đề cao việc công ty có lợi, mình cũng có lợi. Đôi bên cảm thấy phù hợp và thoải mái trong công việc thì mới ổn. Nhưng ngày phỏng vấn đã hỏi như vậy, khi ứng viên chưa tiếp xúc môi trường làm việc thì khó có ai có thể cam kết được", Lý nói.
Tùy vào loại công việc ứng tuyển, Thiên Lý sẽ chọn lọc các công việc từng làm có liên quan để điền vào CV. Hiện tại, Lý có 2 loại CV, một loại cho vị trí ứng tuyển liên quan đến truyền thông; loại còn lại liên quan đến công việc sales, khách hàng.