Căn nhà rộng chưa đầy 10m2 được chắp vá bằng những miếng tôn rách và cây gỗ tạp sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Đào Trí (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) là nơi trú ngụ nhiều năm nay của cụ Nguyễn Thị Tỉnh (81 tuổi) và cháu nội Lâm Xuân Hùng (19 tuổi).
Cụ Nguyễn Thị Tỉnh cùng cháu nội Lâm Xuân Hùng trong căn chòi dột nát. |
Căn nhà trống hơ trống hoác không có bất cứ vật dụng gì giá trị nằm trên một khu đất ẩm thấp, bì bõm nước do một người dân thương tình cho mượn dựng tạm để 2 bà cháu có nơi tránh mưa nắng. Thứ duy nhất có giá trị với với cụ Tỉnh là một bức hình được đặt ngay ngắn nơi đầu tủ - ảnh thờ của chồng cụ đã mất hơn 20 năm.
Người dân xung quanh kể cuộc đời cụ Tỉnh và cháu nội chịu đựng nhiều bi kịch đau buồn. Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ lần lượt chịu nỗi đau mất chồng con, hàng ngày còn chứng kiến cảnh cháu nội bị các cơn động kinh hành hạ.
Còn Hùng thì mồ côi cha từ lúc 3 tuổi, mẹ bỏ đi biệt tích. Cuộc sống của 2 bà cháu đắp đổi qua ngày nhờ vào vài chục ngàn ít ỏi bà Tỉnh kiếm được từ việc nhặt phế liệu và hái rau bán.
Cụ Tỉnh kể, trước kia gia đình vốn là người tại địa phương, từng có đất làm nông nghiệp. Nhưng do quá trình đô thị hóa, gia đình cụ không còn mảnh đất cắm dùi, phải lợp tạm cái chòi này để tránh mưa tránh gió trên đất của người khác.
"Không có đất trồng trọt, ông nhà tôi đi làm thuê trên những con tàu đánh cá tàu buôn liên tỉnh rồi sau đó bị bạo bệnh chết. Tôi một nách 3 con đùm bọc nhau sống qua ngày", cụ kể.
Chồng mất, gia đình nghèo khó nên các con không được ăn học, lớn lên bán sức kiếm sống rồi lập gia đình nhưng vẫn không thoát được chữ nghèo. Hai người con lớn lần lượt bỏ xứ đi biệt tích, chỉ còn cụ và người con trai út ở lại."Đã nghèo mà còn gặp đường cùng nữa chú à. Thằng út lập gia đình rồi sinh ra Hùng. Lúc Hùng mới 3 tuổi thì cha chết, mẹ bỏ đi, còn nó mang căn bệnh động kinh. Nhìn nó bệnh tật, nhiều lúc lên cơn co giật bất thình lình mà đau đến rớt nước mắt”, cụ Tỉnh kể.
Đến nay đã hơn 16 năm cụ Tỉnh đùm bọc nuôi nấng Hùng trong căn nhà chắp vá. Hùng tuy đã là chàng trai 19 tuổi nhưng người yếu ớt, những cơn động kinh có thể đến bất cứ lúc nào, nửa tỉnh nửa mê không thể làm việc kiếm tiền, mọi chi tiêu đều đè nặng trên vai bà nội.
Căn chòi dột nát không đủ che mưa nắng. |
Cụ tỉnh nói về đứa cháu nội: "Bệnh nó phát bất ngờ lắm, đang nói cười vui vẻ thì lăn đùng ra, tay chân co quắp lại. Mỗi lần như thế sức khỏe cháu xuống rõ rệt, phải nằm nghỉ hồi lâu mới bình thường trở lại. Có lần, tôi đi nhặt phế liệu, ở nhà Hùng bỏ đi đâu không biết, tôi phải nhờ bà con chạy tìm khắp nơi đem về".
Do sợ Hùng lên cơn động kinh, những lúc không đi bới rác, cụ đều theo sát đứa cháu nội của mình. "Nó bị bệnh từ nhỏ, sức khỏe và trí nhớ kém nên không đi học được. Mà nếu có muốn đi học thì tiền đâu mà đóng. Có tiền mua gạo cũng đã là khó rồi chú ơi”, cụ Tỉnh nói.
Hàng ngày, cụ đi bộ dọc bờ sông, các con đường nhặt phế liệu hoặc đi hái bồn bồn hoang đem bán, mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn đồng để lo liệu cơm nước. Nhiều lúc đi nhặt phế liệu bị trúng gió, cụ về nhà nằm liệt giường, mọi việc ăn uống đều nhờ bà con xung quanh giúp đỡ. Hết bệnh, cụ lại ra bờ sông để bới rác.
Một người hàng xóm cho biết bữa cơm hàng ngày của 2 bà cháu chỉ có cơm trắng và rau luộc, thịt cá rất xa xỉ đối với cả hai. "Nhiều lúc không còn gạo, cụ đi xin bà con một ít về nấu cho cháu ăn, còn mình nhịn đói", người này cho biết.
Hiện cụ Tỉnh được chính quyền địa phương trợ cấp 240.000 đồng/tháng tiền hộ nghèo, còn Hùng đang được xét cấp 360.000 đồng/tháng theo tiêu chuẩn bệnh tật. Thế nhưng, bao nhiêu ấy cũng không thấm vào đâu để lo cho cuộc sống và chạy chữa bệnh tật của 2 bà cháu.
Ông Nguyễn Văn Bửu, tổ trưởng tổ dân phố, cho biết: "Cuộc sống của 2 bà cháu rất cùng cực, người dân xung quanh cũng hết lòng giúp đỡ nhưng không thể nào khá lên được vì cụ tuổi già sức yếu, cháu Hùng thì bệnh tật bẩm sinh. Các nhà hảo tâm cũng đang giúp cụ làm lại căn nhà".
"Tôi già rồi, sau này chết đi thì không biết ai sẽ lo cho cháu, nhiều lúc nghĩ đến điều đó khiến tôi không thể yên tâm được", cụ Tỉnh chia sẻ.