Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ 8 năm châm cứu cắt cơn cai nghiện miễn phí

Hơn 8 năm qua, trong căn nhà nhỏ bé ở phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình, ông đã âm thầm châm cứu cắt cơn cai nghiện cho hơn 230 người. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Mỗi bệnh nhân đến với ông không những được điều trị tận tình, được động viên, chia sẻ mà còn được quan tâm theo dõi hàng năm trời sau đó. Trong cuốn sổ của mình, ông cẩn thận ghi chép bệnh án của gần 3.000 bệnh nhân khác nhau. Hơn 8 năm qua, trong căn nhà nhỏ bé ở phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình, ông đã âm thầm châm cứu cắt cơn cai nghiện cho hơn 230 người. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Ông là bác sĩ Đinh Tự Khuyên.

Từ chiến binh trở thành thầy thuốc

Bác sĩ Đinh Tự Khuyên sinh năm 1949 tại xã Ninh Giang, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ Đinh Tự Khuyên thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Động lực và chế tạo máy với mong muốn trở thành một kĩ sư. Nhưng mới nhập học được 6 tháng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, ông xếp bút nghiên để lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng nước nhà.

Được huấn luyện để trở thành lính đặc công, ông theo đơn vị của mình (D27, Bộ Tư lệnh đặc công) chiến chinh khắp miền Nam, có khi lan sang cả đất Lào. Ông chiến đấu dũng cảm, lập nhiều công lao, được xét phong Huân chương Chiến công vì có thành tích xuất sắc tại chiến trường. Trong 5 năm máu lửa ấy, ông bị thương tới 6 lần nhưng vẫn tình nguyện ở lại trong quân ngũ. Năm 1971, do vết thương quá nặng ông được luân chuyển ra Bắc để điều trị. “Khi đó, tôi đâu nghĩ những tháng ngày trị thương trên đất bắc, rồi đây lại đưa đời tôi đến với nghề thầy thuốc”, ông Khuyên nhớ lại những hồi ức xưa.

Do từng học và tham gia khám chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu tại đơn vị, ông được đưa đi đào tạo để trở thành một bác sĩ quân y. Từ năm 1972-1978, ông theo học tại Học viện Quân y. Ra trường, ông được điều về công tác tại Viện 103, chuyên khoa Thần kinh. Tại đây, với cương vị là một bác sĩ, ông có nhiều điều kiện để ứng dụng kĩ thuật châm cứu trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Năm 1980, bác sĩ Đinh Tự Khuyên được đưa đi đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp I để nâng cao tay nghề. “Một trong những may mắn lớn nhất của đời tôi là trở thành học trò của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Tài Thu. Ông là người đã cầm tay chỉ cho tôi từng huyệt đạo, nâng đỡ cho tôi từng mũi kim châm. Có thể nói, học vấn của tôi có được một phần lớn là ở nơi thầy”, bác sĩ Khuyên chia sẻ.

Dùng châm cứu để cắt cơn cai nghiện

Là “cao nhân” về châm cứu, bác sĩ Khuyên có thể chữa trị được nhiều bệnh tật với chiếc kim châm của mình. Đến nay, đã có gần 3 vạn lượt châm được ông thực hiện an toàn với tỉ lệ đỡ và khỏi lên đến 85% và chưa từng xảy ra sai sót về chuyên môn. Nhưng điều làm ông tâm đắc nhất trong cả cuộc đời hành nghề của mình chính là phương pháp dùng châm cứu để cắt cơn cai nghiện.

Ông kể, năm 2007, một người quen có con bị nghiện đã tìm đến ông nhờ giúp đỡ. Nhìn đứa cháu vật vã mỗi khi lên cơn, lòng người bác sĩ vô cùng đau xót. Ông lấy bộ kim của mình châm lên các huyệt đạo. Và thật tuyệt vời, cơn đói thuốc của bệnh nhân bỗng giảm đi một cách đáng kể, sau vài ngày thì hoàn toàn khỏi hẳn. Thế là một truyền mười, mười truyền trăm, người ta đua nhau đưa con em bị nghiện ma túy đến nhờ ông châm cứu cắt cơn. Ngày ít thì 2, 3 người, ngày đông lên đến cả chục người. Bác sĩ Khuyên vừa điều trị, bốc thuốc cho bệnh nhân bình thường vừa châm cứu cắt cơn cho những người nghiện ma túy. “Nhiều lúc làm mệt đến bở hơi tai nhưng nhìn thấy tình hình bệnh nhân chuyển biến tích cực sau điều trị, tôi như quên cả mệt mỏi”, bác sĩ Khuyên tâm sự.

Bác sĩ Khuyên cho biết, phương pháp châm cứu cắt cơn cai nghiện mà ông đang thực hiện được dựa trên lý luận, phác đồ điều trị của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm của ông mà thành. Mỗi đợt châm cứu cắt cơn chỉ 4 ngày là khỏi. Người nào nặng lắm thì cũng chỉ đến ngày thứ 7 là cùng. Bác sĩ Khuyên cho biết thêm, trong thực tiễn cũng tồn tại phương pháp “cai khô”, tức là trói người nghiện lại một chỗ để họ tự mình vượt qua cơn đói thuốc. Song đó chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ sau 7 ngày là tái phát, người nghiện lại phải chịu rất nhiều đau đớn về thể xác. Ngược lại, phương pháp châm cứu cắt cơn có thể giảm được sự đau đớn cho người nghiện, hiệu quả điều trị lại lâu dài, có người 2 năm vẫn không tái phát lại. “Nếu được người nhà động viên, tâm sự, kết hợp với việc châm cứu và dùng thuốc, tỉ lệ thắng lợi là trên 80%”, bác sĩ Khuyên khẳng định.

Châm cứu cắt cơn cho người nghiện, bác sĩ Khuyên cũng có những nỗi “khổ tâm” rất riêng. Khi những gia đình có con bị nghiện trở thành “người quen” cũng là lúc những bệnh nhân bình thường khác bắt đầu… “ngại” đến với phòng khám của ông. Họ lo lắng đồ đạc có thể bị mất cắp, con em họ có thể đi theo vết xe của những người nghiện kia hoặc lo lắng về sự an toàn khi dùng chung kim châm cứu. Song bằng chuyên môn, bằng sự chia sẻ, bác sĩ Khuyên dần dần đã đẩy lùi tâm lí e sợ đó. Đến nay, người bệnh lại đến với ông nhiều như xưa.

Bác sĩ Đinh Tự Khuyên đang bốc thuốc cho bệnh nhân.Theo dõi bệnh nhân đến 8 năm trời
Bác sĩ Đinh Tự Khuyên đang bốc thuốc cho bệnh nhân

Trong 8 năm qua, bác sĩ Khuyên đã châm cứu, cắt thuốc hoàn toàn miễn phí cho những người nghiện ma túy đến với ông. Hơn 230 người đã đến và đi, ai cũng cảm ơn người bác sĩ già nhân hậu. Ông cho biết, nhiều năm trước bệnh nhân đông lắm nhưng từ khoảng vài năm trở lại đây, khi chương trình methadone triển khai, ông đã giới thiệu nhiều người sang đó điều trị. Vì thế, số lượng người nghiện đến với ông giảm bớt so với khi xưa.

Song, nay nhiều người đi chữa trị bằng chương trình methadone lại quay lại nhờ ông giúp đỡ. Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như chương trình là miễn phí, song lâu dần nó nảy sinh tiêu cực, để được đi lại phải có khoản lót tay. Rồi người nhà vào thăm nuôi có khi lại chính là người mang ma túy vào cho người nghiện dùng. Nhưng quan trọng nhất chính là sự cô đơn, buồn bã và mặc cảm bản thân của những người nghiện ma túy. “Chữa trị nghiện ma túy không phải cứ châm cứu, cho uống thuốc là xong. Điều quan trọng là người thầy thuốc phải tâm sự, chia sẻ, động viên với tất cả tình cảm chân thành. Có vậy mới giúp người nghiện vượt qua được những cơn đói thuốc và yên tâm điều trị”, bác sĩ Khuyên chia sẻ.

Phác đồ điều trị của chương trình methadone là 2 năm nhưng bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Khuyên khuyến nghị phải tăng thời gian theo dõi lên 5 năm, thậm chí hơn nữa. Bản thân ông đã từng theo dõi một người nghiện đến 8 năm trời, ấy vậy mà anh ta vẫn còn tái nghiện.

Chia sẻ về những kỉ niệm vui buồn của nghề thầy thuốc, bác sĩ Khuyên nhớ nhất là một cụ bà bán nước ở BV Nhi có con trai nghiện ma túy nặng. Lần đầu đến điều trị, người mẹ già ấy lấy ra từ trong túi những đồng tiền lẻ, nhàu nát nhưng đã được vuốt phẳng phiu, run run đưa cho ông và bảo ông đếm lại. Người bác sĩ già ứa nước mắt, ông kiên quyết không nhận một đồng nào, lại cho thêm thuốc, cho tiền. Sau này, con trai của bà đã cai nghiện thành công, trở về với cuộc sống lao động đời thường.

Giờ bác sĩ Khuyên đã 67 tuổi. Tóc ông đã bạc nhiều nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh và đôi bàn tay vẫn còn nhanh nhẹn. Đôi bàn tay ấy đúng thực là đôi bàn tay vàng. Không chỉ vì y thuật cao minh mà còn bởi sự ngát hương của một tấm lòng đáng quý, đúng như những gì ông tâm đắc: “Y đức là cái gốc sâu vững của tài năng”.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/bac-si-8-nam-cham-cuu-cat-con-cai-nghien-mien-phi-366507.bld

Theo Xuân Hải/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm