Đừng nhẫn tâm với bệnh nhân HIV
Những đám ma không người thân
“Ám ảnh chúng tôi nhất ở đây là những đám ma lạnh lẽo, cô quạnh. Nhiều bệnh nhân nằm nội trú ở bệnh viện 3-4 năm trời nhưng tuyệt nhiên không có một người thân nào bén mảng tới thăm nom.
Có bệnh nhân sống những ngày cuối cùng trước khi ra đi, ánh mắt lúc nào cũng khát khao, đau đáu ngóng chờ người thân nhưng ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn không một ai đến bên cạnh.
Còn có những gia đình khi chúng tôi gọi điện thông báo người thân của họ đang hấp hối, muốn gia đình đến nhìn mặt lần cuối thì họ lạnh lùng trả lời: “Khi nào nó chết thì hãy báo nhé”. Thậm chí có gia đình đến, thấy con mình chưa chết, họ còn cố tình tháo bình thở oxy để ép bệnh nhân ngừng thở.
Có những hôm mưa to gió lớn, quan tài không một người thân đi lầm lũi giữa hai hàng bệnh nhân và các bác sĩ tiễn lên xe đưa về nghĩa trang. Bác sĩ thì xót xa, bệnh nhân thì vô hồn nhìn theo tự hỏi lúc nào sẽ đến lượt mình…”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng.
Khác với cảnh tấp nập tại các bệnh viện, cánh cửa Bệnh viện 09 luôn vắng người vào thăm. Đằng sau đó là cuộc sống cô quạnh của những con người trót mang căn bệnh thế kỷ.
Là người chứng kiến tất cả, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, đùa vui rằng nếu bản thân là một nhà văn, anh đã có thể xuất bản vài cuốn sách.
Anh cho biết môi trường làm việc của mình khá đặc biệt khi hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây là gái mại dâm, nghiện hút nên cách hành xử khá đặc biệt.
Mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên nhiều người trở nên bất hợp tác với bác sĩ. Việc bệnh nhân cầm kim tiêm dọa bác sĩ, thậm chí cầm dao đâm liên tiếp vào bạn cùng phòng là những chuyện không còn lạ lẫm ở đây.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cũng như các cán bộ y tế tại đây không nặng nề chuyện lây nhiễm. Thậm chí, khi đi thăm khám cho các bệnh nhân, bác sĩ này còn không đeo găng tay.
“Tôi không muốn tạo ra khoảng cách và sự xa cách, kỳ thị giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sự tiếp xúc hàng ngày đều nằm trong ngưỡng an toàn”, bác sĩ Hưng cho biết.
Anh chia sẻ làm việc tại Bệnh viện 09 khiến bản thân và các đồng nghiệp chịu không ít sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Đó là câu chuyện về cô y sĩ từng bị gia đình người yêu từ hôn hay các cửa hàng từ chối phục vụ bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều đồng nghiệp là bác sĩ cũng xem thường và xa lánh họ.
Bác sĩ Hưng nói: “Sự kỳ thị cũng là một phần công việc của chúng tôi, mãi rồi thành quen. Chúng tôi cũng không có thời gian để suy nghĩ về chuyện đó, chỉ tiếc cho những bệnh nhân đã trót mang căn bệnh này bởi xã hội đã nhẫn tâm xây dựng một hình ảnh quá xấu về họ. Họ không đáng bị đối xử như thế”.
Từ lâu, nhiều người đã coi HIV là một căn bệnh đáng sợ, vô phương cứu chữa và có thể gieo rắc cái chết cho những người xung quanh. Người bệnh cũng được cho là những con nghiện, gái làng chơi với hình ảnh lở loét, da bọc xương, xấu xí nhất có thể. Thậm chí những người có tiếp xúc với họ, bao gồm những người như bác sĩ Hưng cũng được cho là những đối tượng “có vấn đề”.
Trong khi đó, theo bác sĩ Hưng, rất nhiều mang bệnh HIV là nạn nhân và vô tình bị lây nhiễm. Họ vẫn sống khỏe mạnh như bao người khác khi được điều trị và sống một cách lành mạnh. Hiện tại, bệnh viện có hơn 500 bệnh nhân ngoại trú, tức vẫn có cuộc sống ngoài xã hội bình thường như bao người khác.
Vị trưởng khoa cho biết thêm, trước đây việc điều trị phơi nhiễm không thuận lợi như bây giờ và không phải cán bộ nào cũng nghĩ đến việc phải dùng thuốc. Bản thân anh cũng từng bị kim đâm vào tay trong một lần cắt cơn giải độc cho một bệnh nhân AIDS nhưng may mắn anh vẫn âm tính với căn bệnh.
“Lây HIV thì khó, nhưng các bác sĩ ở đây bị nhiễm lao từ bệnh nhân là điều không hề hiếm. Bởi hầu hết những bệnh nhân ở đây thường mắc bệnh lao rất nặng. Hiện tại, bệnh viện đang có ít nhất 4-5 y bác sĩ mắc lao do lây từ bệnh nhân”, bác sĩ Hưng cho biết.
Một bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện 09. Ảnh: Hà Quyên |
Lây HIV không hề dễ
Vẫn theo bác sĩ Hưng, HIV có 3 con đường lây nhiễm cơ bản, bao gồm qua việc chung kim tiêm chích, quan hệ tình dục và mẹ sang con. Bản chất của quá trình này là thông qua đường máu, vì vậy không phải trường hợp nào tiếp xúc với bệnh nhân HIV qua 3 con đường trên đều có thể lây bệnh.
"Người ta quan niệm máu mẹ giúp nuôi dưỡng bào thai nên khi mẹ có H sẽ sinh con cũng mắc bệnh tương tự. Thực tế, việc lây từ mẹ sang con chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì bánh nhau thai luôn có 3 màng lọc, những màng siêu lọc này sẽ lọc ngăn những tế bào HIV nên chúng rất khó chuyển sang người con.
Việc lây nhiễm thường diễn ra trong lúc chuyển dạ đẻ, khi độ mở của bộ phận sinh dục người mẹ thấp, gây rách tầng sinh môn, chảy máu, trong quá trình đưa con đi ra, nếu có xây xước, khi tiếp xúc với máu mẹ sẽ nhiễm bệnh. Nếu đứa con không bị xây xước, chúng sẽ an toàn”, bác sĩ Hưng phân tích.
Tương tự, tỷ lệ lây H qua con đường quan hệ tình dục được đánh giá thấp nhất nhưng do tần suất quan hệ của con người hàng ngày, hàng giờ cao, khả năng nhân bệnh lớn nên trở thành nguy cơ được đưa lên hàng đầu.
Những trường hợp quan hệ thô bạo làm rách thành âm đạo gây chảy máu, hoặc tổn thương niêm mạc của dương vật mới nhưng phải ở mức độ sâu mới có thể lây bệnh sang đối phương.
Ngược lại, quan hệ tình dục có quá trình ái ân, tiết đủ dịch sinh dục đủ để bôi trơn, khả năng lây bệnh cho đối tác không cao. Bác sĩ Hưng tiết lộ, bệnh nhân của anh có người nhiễm HIV 16 năm nay, lấy tới 3 đời chồng song không hề lây bệnh cho người chồng nào.
Còn về việc chích chung kim, bác sĩ Hưng phân tích khi kim đâm vào lòng mạch, áp lực của mạch máu sẽ đẩy ngược máu ra ngoài kim. Khi tiêm cho người khác vô tình tiêm virus HIV vào người. Nhưng nếu lượng máu ở đầu xilanh ít, tức là số lượng virus nằm trong máu ít, khi vào cơ thể chưa kịp sinh sôi nảy nở, chúng đã bị hàng rào của cơ thể tiêu diệt, mất khả năng lây bệnh.
Do đó, khi vô tình bị kim tiêm của người bị HIV đâm vào cơ thể, nếu đầu mũi tiêm không có máu, bạn sẽ không có khả năng lây bệnh.
“Đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức về căn bệnh này, ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh nhưng không tuân thủ điều trị, sống cuộc sống không lành mạnh khiến diễn biến bệnh xấu đi nhanh chóng, những bệnh nhân H được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao.
Thực chất bệnh nhân có H không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc các căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp...”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với H, căn cứ vào chỉ số CD4, bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu trình uống thuốc. Hiện tại, thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí tại bệnh viện.
Vị bác sĩ này cũng cho biết nếu muốn dùng thuốc đặc hiệu chất lượng tốt hơn, bệnh nhân chỉ mất một triệu chi phí/tháng - con số không cao so với chi phí điều trị các căn bệnh khác. Bên cạnh đó, sự vui vẻ, lạc quan của người bệnh cũng hỗ trợ rất tốt quá trình phục hồi.