Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phơi nhiễm là chuyện hàng ngày của ngành y'

Tiến sĩ Võ Xuân Sơn đã thực hiện nhiều ca mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV chia sẻ, ông chứng kiến nhiều đồng nghiệp phơi nhiễm, giấu gia đình, vật vã 6 tháng vì tác dụng phụ của thuốc.

Trường hợp 18 y, bác sĩ và 1 học viên thực tập phơi nhiễm HIV sau ca mổ cho một sản phụ có "H" đang khiến dư luận rất quan tâm và cảm phục với hành động cao đẹp của họ. TS. BS Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, người thực hiện nhiều ca phẫu thuật cho bệnh nhận HIV cũng chia sẻ suy nghĩ của ông về công việc của người khoác áo blouse trắng.

Với ông, sự việc lần này là hết sức bình thường trong ngành y, xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện. Bởi người bị nhiễm HIV cũng như bất kỳ người nào khác, họ vẫn có quyền sống, quyền được cứu chữa và nhân viên y tế dù có biết hay không, vẫn cứ phải phục vụ, và vẫn phục vụ tận tình.

Bản thân vị bác sĩ đã có hàng chục lần mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có những lần chảy máu lênh láng, máu bắn văng lên tới trần nhà. Đặc biệt, nhiều lần kết quả test nhanh của bệnh nhân HIV âm tính, song thực chất họ đang trong giai đoạn cửa sổ.

Ông cũng từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp sau khi mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV bị kim đâm vào tay, không dám nói với gia đình, âm thầm chịu đựng suốt 6 tháng trời, vật vã với tác dụng phụ của thuốc. Trong đó, không ít người cho kết quả dương tính với HIV.

Bác sĩ Sơn cho rằng, những người làm công tác y tế như ông hơn ai hết đều biết rõ những nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân (không chỉ mình HIV) song không thể vì thế mà trở nên nghi kỵ và từ chối bệnh nhân.

“Tận lực cứu chữa bệnh nhân như thế này là chuyện thường gặp trong ngành y”, tiến sĩ Sơn chia sẻ.

Nhận định về sự việc lần này, ông cho rằng không phải lúc nào bệnh nhân và người nhà của họ cũng thông báo cho bác sĩ về tình trạng nhiễm bệnh của mình. Trong khi đó, thời gian cấp cứu phải tranh thủ từng giây. Sự vô trách nhiệm của người nhà bệnh nhân kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, những người làm công tác cứu chữa cũng cần phải tạo cho mình phản xạ phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường máu như thế này.

“Bất cứ ai, bất kể là nhân viên y tế hay không, đứng trước máu, các phần cơ thể không có da che chở, chất tiết của người khác, cứ phải mặc nhiên coi đó là nguồn lây nhiễm các căn bệnh chết người như HIV, virus viêm gan C… Chúng ta không được để xảy ra thêm thương vong và những người lây bệnh khác”, tiến sĩ Sơn khuyến cáo.

Trở lại với tình hình phơi nhiễm của ê-kíp thực hiện ca mổ cho sản phụ nhiễm HIV vừa qua, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm HIV cho biết, toàn bộ ê-kíp đã được lấy máu xét nghiệm. Kết quả tất cả đều âm tính với HIV. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ không bị lây nhiễm. Kết quả chỉ được biết sau thời gian ít nhất 2 tháng.

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, TS. BS Võ Xuân Sơn cũng cho biết thêm, về nguyên tắc, kết quả chỉ đưa ra xác định những nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không bị lây nhiễm từ trước. Nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn còn nguyên giá trị.

Kể cả trong 20 ngày nữa, sau khi tái xét nghiệm, nếu kết quả âm tính thì cũng chưa thể an toàn. Bởi có một giai đoạn gọi là cửa sổ, tức là khi đó người bệnh đã bị nhiễm HIV, có khả năng lây nhiễm cho người khác, nhưng xét nghiệm vẫn âm tính.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm