14h chiều 31/1, khi hoàn tất bàn giao công việc cho ca trực đêm, y bác sĩ khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chuẩn bị ra về. Bất ngờ, cuộc gọi đến từ khoa Cấp cứu. Mọi kế hoạch xoay chiều khi khoa được thông báo tiếp nhận 2 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Lưu Minh Khoa (25 tuổi, khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) là người đầu tiên tiếp nhận ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), bệnh nhân lớn tuổi nhất tại Việt Nam dương tính với Covid-19. Người còn lại được xác định âm tính. Thời điểm này, bác sĩ Khoa mới làm việc tại bệnh viện được 3 tháng.
Bác sĩ Khoa lần đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi vừa nhận công tác 3 tháng. Ảnh: MK. |
“Bệnh nhân chỉ quá cảnh 2 tiếng ở Vũ Hán, tôi không ngờ ông ấy lại mắc bệnh và mình lại là người đầu tiên tiếp nhận ông”, bác sĩ Khoa nói.
Chia sẻ về lần đầu tiên gặp Việt kiều Mỹ, bác sĩ Khoa vẫn nhớ hình ảnh một bệnh nhân lớn tuổi nhưng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và luôn miệng nói cười, không ai nghĩ rằng ông mang bệnh. Chính bác sĩ Khoa khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính trên tay cũng thấy ngỡ ngàng. Một chút bối rối hiện lên trên gương mặt bác sĩ trẻ khi anh chính là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Biết trước là không thể giấu gia đình, Khoa chọn cách ngồi giải thích rõ tình trạng bệnh và con đường lây nhiễm Covid-19 cho cha mẹ hiểu. Gia đình Khoa dần được trấn an khi biết tất cả nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh đều mặc trang phục bảo hộ. "Cẩn thận nhé!" - câu nói thường trực từ ba mẹ Khoa nghe được suốt 21 ngày mỗi khi anh bước ra khỏi nhà.
"Chúng tôi được tập huấn từ trước nên đã sẵn sàng trang phục bảo hộ. Tuy nhiên, tôi xác định bản thân có tiếp xúc với người bệnh nên vẫn chủ động tự cách ly tại nhà, ăn riêng, ngủ riêng và mọi sinh hoạt đều riêng biệt. Sau nửa tháng, tất cả đi vào quỹ đạo, tôi mới thở phào yên tâm", bác sĩ Khoa kể lại.
Từ việc áp lực điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi nhất nhiễm Covid-19, nhân viên y tế xem ông Kiên như người thân trong gia đình. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngay trong đêm 31/1, ông Tạ Kiến Hòa được đưa vào phòng cách ly áp lực âm. Mỗi ngày, đội ngũ gồm bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhiễm D thay phiên vào phòng cách ly chăm sóc bệnh nhân từ 6-7 lần, suốt 21 ngày, bất kể ngày đêm.
Bác sĩ Khoa cho biết những ngày đầu vào cách ly, tâm lý bệnh nhân rất hoảng loạn nên lúc nào cũng cần người bên cạnh trấn an, theo sát diễn biến sức khoẻ và tâm lý. Nhiều ngày sau, tâm lý dần ổn định, ông bớt lo lắng nên sức khỏe cũng tốt hơn.
“Người bình thường vô đó đã buồn, đã sợ, huống chi ông ấy lại đang mang tâm lý có bệnh trong người. Ông ấy từng nói với tôi lúc khuya không thể ngủ được và rất muốn gọi ra ngoài để nói chuyện với mọi người. Nhưng suốt 21 ngày, ông không hề gọi điện lúc khuya vì sợ phiền y bác sĩ, dù trước đó chúng tôi đã nói ông có thể gọi bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khoa kể.
Rời Việt Nam hơn 40 năm nhưng đều đặn mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông Tạ Kiến Hòa đều tranh thủ về thăm quê nhà. Ông chưa bao giờ nghĩ mình mang bệnh chỉ sau 2 tiếng quá cảnh tại sân bay ở Vũ Hán, Trung Quốc. Một mình trong phòng cách ly áp lực âm, nơi chỉ có khung nhỏ phát ánh sáng điện, suốt 21 ngày, ông không phân biệt được ngày đêm.
"Tôi hiểu rằng nhân viên y tế đối với ông Hòa lúc này chính là người bạn duy nhất. Ông từng tâm sự buổi tối chỉ mong mau trôi nhanh để sáng mai được gặp y bác sĩ nói chuyện, chính tôi nghe cũng thấy xót xa”, bác sĩ Khoa nói.
Không chỉ vì tấm lòng của người thầy thuốc, đối với hầu hết nhân viên y tế khoa Nhiễm D, ông trở thành bệnh nhân đặc biệt. Bác sĩ Khoa và nhiều người khác dần duy trì thói quen bước vào khoa với túi đồ ăn, nước uống mang cho bệnh nhân dù trước đó phải tìm mua khắp thành phố.
“Việt kiều Mỹ xuất viện là một nhiệm vụ chúng tôi đã hoàn thành. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chuẩn bị và nếu có dịch, một thử thách mới lại bắt đầu”, bác sĩ Khoa chia sẻ.