Kể từ khi bác sĩ Sean Thum tham gia trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 ở Malaysia, các thành viên trong gia đình phải giữ khoảng cách an toàn với anh.
Trước khi tới Bệnh viện Permai (Johor Bahru) vào ngày 13/3, bác sĩ 28 tuổi ở chung phòng với anh trai và ăn tối thường xuyên với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện Sean không ngủ với anh trai và giảm thiểu tối đa gặp mặt cha mẹ. "Thật ra các thành viên trong gia đình tôi khá sợ bị lây bệnh. Họ không dám ở gần tôi. Cha mẹ tôi cũng lớn tuổi, vì vậy khả năng bị bệnh nặng hơn người bình thường sau khi mắc Covid-19 là khá cao", bác sĩ Sean chia sẻ trên tờ Channel News Asia.
Sean Thum là một trong số hàng trăm bác sĩ trên khắp Malaysia đang làm nhiệm vụ kiểm tra các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 và điều trị cho những người bị nhiễm bệnh.
Các bác sĩ chống dịch Covid-19 ở Malaysia. Ảnh: Channelnewsasia. |
"Nếu không phải chúng tôi thì là ai?"
Bác sĩ Sean Thum nói rằng anh nhận thức rõ về nguy cơ phải đối mặt khi anh và các đồng nghiệp đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Dù vậy, Sean coi đây là lời kêu gọi giúp đỡ của đất nước mình vào lúc cần thiết, giống nhân vật yêu thích của anh - Mộc Lan - chiến binh huyền thoại của Trung Quốc, đã thay người cha già chiến đấu cho đất nước của cô.
"Những người đàn ông được yêu cầu chiến đấu cho đất nước của họ và Mộc Lan đã đứng lên. Tương tự, tôi thấy đây là cơ hội để chứng minh tôi yêu đất nước của mình như thế nào và tôi muốn phục vụ người dân như thế nào", Sean cho hay.
Bác sĩ Calvin Koh, hiện làm việc tại Bệnh viện Sungai Buloh, trung tâm điều trị Covid-19 chính ở Malaysia, cho biết ông đã không gặp vợ mình nhiều ngày nhưng sự hy sinh này sẽ rất đáng giá. Bác sĩ 29 tuổi cho biết khi được chỉ định nhận nhiệm vụ này, anh rất vinh dự là người làm điều đó và giúp chữa trị cho những người Malaysia bị nhiễm virus corona.
Bác sĩ Sean Thum ướt đẫm mồ hôi sau khi cởi bộ đồ bảo hộ cá nhân. Ảnh: Channelnewsasia. |
"Khi điều trị cho bệnh nhân, tôi khá lo lắng vì virus này dễ lây lan. Nhưng tôi cố gắng tập trung vào công việc của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Chúng tôi là thế hệ bác sĩ tiếp theo của đất nước và chúng tôi phải bước lên. Nếu không phải chúng tôi thì là ai?", bác sĩ Koh cho hay.
Lá chắn bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng
Koh chia sẻ việc mặc thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) khi làm việc với bệnh nhân Covid-19 không thoải mái, nhưng đó là lá chắn cần thiết để bảo vệ nhân viên y tế khỏi bị nhiễm trùng. Chúng bao gồm khẩu trang, tấm che mặt, găng tay, áo choàng, khăn trùm đầu và giày. Tất cả đều bảo vệ chống lại sự lây nhiễm virus thông qua tiếp xúc hoặc giọt bắn.
Bác sĩ Koh mô tả những nếp nhăn trên khuôn mặt khi anh đeo khẩu trang trong thời gian dài. Anh cũng tuân thủ vệ sinh tay nghiêm ngặt và buộc phải tắm bằng chlorhexidine gluconate trước và sau ca làm việc để khử trùng. "Chúng tôi coi PPE là bất khả xâm phạm vì nó có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết", bác sĩ 29 tuổi khẳng định.
Trong khi đó, bác sĩ Sean, làm việc 8-9 giờ mỗi ngày, cho biết anh phải mặc PPE trong tối đa 4,5 giờ, đặc biệt khi lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân từ mũi và miệng của họ. Sean cho hay chúng nóng và có chút ngột ngạt. Nó giống cảm giác khi cơ thể của bạn bị mắc kẹt trong phòng tắm hơi và "mồ hôi của bạn chỉ tích tụ trong bộ quần áo".
"Da tay tôi thường bị co lại sau khi cởi bộ đồ sau nhiều giờ. Bản chất của PPE là mọi thứ phải đủ khít và bám vào da của bạn. Tôi thấy nó giống như buổi tắm hơi cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình", Sean nói thêm.
Bác sĩ Wilson Tiang, người đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Sungai Buloh, đã chia sẻ sự lo lắng của các bác sĩ liên quan đến PPE trên trang cá nhân.
"Luôn có những câu hỏi chạy trong đầu tôi: PPE của tôi bị mòn đúng không? Nếu tôi nói chuyện với một bệnh nhân dương tính quá lâu, tôi có bị nhiễm bệnh không? Khẩu trang của tôi có bị rách không?", Tiang đã viết.
Tiang cũng tiết lộ có một lần khẩu trang của anh bị rơi ở trong phòng của một bệnh nhân Covid-19. Tiang phải nín thở ngay lập tức, rửa tay và rời khỏi phòng nhanh chóng để hít thở lại. "Đó là trải nghiệm kinh hoàng và tôi đã làm việc trong 16 giờ liên tục. Tôi đã khá mệt mỏi", Tiang chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali (hàng trước, ở giữa) và các nhân viên y tế kêu gọi người dân tuân thủ lệnh hạn chế di chuyển. Ảnh: Channelnewsasia. |
"Người dân hãy ở nhà vì chúng tôi"
Nhiều bác sĩ trên khắp Malaysia đã đăng tải các bức ảnh của họ cùng với lời kêu gọi người dân Malaysia hãy ở nhà và tuân thủ lệnh hạn chế di chuyển của chính phủ tới ngày 14/4.
Sean cho hay trong khi các bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe đang làm việc chăm chỉ để điều trị bệnh nhân, người dân nên ở nhà vì lợi ích của các bác sĩ và vì sự an toàn của mọi người. Bác sĩ Sean và Koh cũng kêu gọi người Malaysia thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội, vệ sinh tay sạch sẽ và ho đúng cách.
"Tôi thực sự hy vọng người dân Malaysia tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ. Nếu có triệu chứng, họ cần tìm tới điều trị khẩn cấp. Chúng tôi đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, hy vọng người dân cũng làm đúng phần việc của mình", bác sĩ Koh nói thêm.