Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, kể sự việc xảy ra vào lúc 18h ngày 8/6, khi anh và bác sĩ Hà Hoài Nam (cùng khoa) đang bơi tại bể bơi thì nghe tiếng kêu cứu.
"Sau đó, một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Tuy nhiên, tình trạng tím tái của cháu bé không cải thiện. Nhận thấy trẻ nguy kịch, tôi và bác sĩ Hà Hoài Nam đã đặt bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi", bác sĩ Tuấn Anh nói.
Sau khoảng 2 phút ép tim, khoang miệng bé có nhiều thức ăn trào ra. Bác sĩ Hoài Nam đã phối hợp cùng một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khai thông đường thở cho bé. Sau 5 phút cấp cứu khẩn trương, bé gái đã tỉnh, có ý thức và được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Sáng hôm sau, gia đình bé gái vui mừng thông báo cho các bác sĩ biết kết quả kiểm tra của bé đều tốt. Đây thực sự là niềm hạnh phúc của chúng tôi".
Hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã kịp thời cứu sống một bé gái bị đuối nước tại bể bơi. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Qua sự việc này, bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sơ cứu ban đầu khi xảy ra đuối nước. Trong trường hợp này, việc vác nạn nhân đuối nước dốc ngược xuống là cách sơ cứu hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó, cần tiến hành hồi sinh tim phổi kịp thời để đảm bảo oxy cho não bộ, tránh tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.
Theo bác sĩ Tuấn, việc cần làm đầu tiên trong sơ cứu trẻ đuối nước là đưa lên khỏi mặt nước và đánh giá tình trạng xem có ngừng thở hay ngừng tim không. Nếu có, chúng ta cần nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi và đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115.
Cách thực hiện hồi sinh tim phổi như sau:
- Vị trí ép tim trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút.
- Nếu chỉ có một mình cấp cứu: hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Nếu có 2 người cấp cứu: hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần.
- Sau mỗi 2 phút cần đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không; Sau khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.
Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa và lây lan nhanh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt, cúm, thủy đậu... Do đó, bên cạnh tiêm chủng các mũi vaccine theo lịch và độ tuổi của trẻ, phụ huynh nên lưu ý một số khuyến cáo dưới đây:
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài giữa trưa nắng; trang bị các phương tiện bảo hộ (như găng tay, mũ, áo khoác), để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Trời nắng nóng, cơ thể mất nhiều nước, mọi người cũng nên bổ sung thêm nước. Ngoài ra, mọi người có thể mua thêm chất điện giải như oresol để bù nước, bù khoáng cho cơ thể.
- Phụ huynh nên nhớ lịch tiêm của con và cho bé đi tiêm ngừa đúng lịch.
- Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, trời nắng nóng cũng tạo điều kiện cho các bệnh về rối loạn tiêu hóa phát triển. Cha mẹ nên chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy trẻ ăn chín, uống sôi và rửa tay sạch trước khi chạm vào thức ăn.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.