Nổi tiếng trong hàng ngũ bác sĩ nhi và được rất nhiều bà mẹ "bỉm sữa" tin tưởng, nhiều người cho rằng bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), kiếm bộn tiền từ nghề chữa bệnh.
Với tính cách thẳng thẳng, không ngại bày tỏ quan điểm, bác sĩ Khanh đã có những trao đổi thẳng thắn về thu nhập thực tế của bản thân và nghề bác sĩ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh. Ảnh: Vietnamnet. |
5 năm đầu tiên bác sĩ không có thu nhập ngoài
- Thu nhập của một bác sĩ được tính như thế nào, thưa ông?
- Thực tế, lương của bác sĩ theo chế độ nhà nước rất thấp. Những người làm việc lâu năm, khoảng 20 năm tại bệnh viện mới có mức lương khoảng 10-11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bác sĩ còn có các khoản thu nhập tăng thêm như làm ngoài giờ tại các phòng khám của bệnh viện, phòng khám tư.
"Ở đâu giàu tôi không biết nhưng với vai trò là trưởng khoa, thâm niên 26 năm trong ngành, thu nhập của tôi chỉ dao động từ 11-13 triệu đồng/tháng. Để kiếm tiền tỷ chúng tôi phải mất cả chục năm", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ
Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào cũng có các khoản thu như vậy. Đối với các bác sĩ trẻ, đó là sự cơ cực. Những bác sĩ mới ra trường, tức làm việc dưới 18 tháng (phải tính làm tại các cơ sở y tế công) chỉ hưởng lương tập sự, không được làm thêm ngoài giờ tại bệnh viện. Những người công tác đủ 5 năm mới có thể đứng tên mở các phòng khám tư. Tóm lại, khoảng 5 năm đầu, bác sĩ khó có thu nhập ngoài.
- Như vậy, thu nhập ngoài, tức tại các phòng khám tư mới đem lại thu nhập chính cho bác sĩ?
- Khó có thể nói đâu là thu nhập chính. Tiền lương là mức chung của ngân sách, còn thu nhập tại các phòng khám là của riêng bác sĩ. Nhưng không đơn giản để kiếm tiền, đó là đồng tiền vất vả mới có được, họ phải bỏ ra thời gian và công sức rất nhiều. Trừ những ngành đặc trưng như thẩm mỹ viện, bác sĩ có phòng khám kiếm tiền giỏi cũng chỉ rơi vào mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng.
Như thời điểm tôi mở phòng khám riêng về nhi khoa, từ năm 2010 đến 2015, mỗi ngày tôi có thể khám cho cả trăm cháu bé, nhưng cũng có những ngày chỉ vài chục cháu. Số tiền khám và thuốc cho mỗi cháu tôi chỉ lấy vài chục nghìn đồng, không đáng kể.
Cùng công việc nhưng ở phòng khám khiến chúng tôi căng thẳng hơn bệnh viện rất nhiều bởi tính trách nhiệm rất cao.
Bác sĩ thẩm mỹ, tim mạch có thể kiếm tiền tỷ mỗi tháng
- Nhiều người cho rằng chuyên ngành nhi khoa là một trong nghề dễ kiếm tiền nhất, bao gồm các khoản thu nhập từ phong bì của bệnh nhân, ông nghĩ sao?
- Ở đâu giàu tôi không biết nhưng với vai trò là trưởng khoa, thâm niên 26 năm trong ngành, thu nhập của tôi chỉ dao động từ 11-13 triệu đồng/tháng. Để kiếm tiền tỷ tôi phải mất cả chục năm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chúng tôi tuyệt đối không nhận phong bì. Điều này, tôi đã quán triệt với anh em trong khoa. Tôi nghĩ, ở đâu đó dù có thì số tiền này cũng không đáng kể và không nên nhận. Bởi các cháu vào viện đã vất vả cho chính cháu lẫn người thân. Chúng tôi có cầm thêm vài đồng cũng không làm gì, tiền nhiều hay ít cũng chẳng làm gì.
Tôi không coi trọng chuyện giàu nghèo, cái quan trọng là cần làm gương cho các em đi sau. Nếu không làm tốt điều này, hệ thống đạo đức sẽ bị suy đồi nếu không muốn nói sẽ nát bét. Mà nghề y, thiếu mất đạo đức sẽ thật kinh khủng.
- Theo ông, những bác sĩ chuyên ngành nào có thể thu nhập tiền tỷ mỗi tháng?
- Điều này hoàn toàn có thể. Trong nghề y, những ngành có thu nhập cao như thẩm mỹ, tim mạch chuyên vào người lớn, mắt, sản, bác sĩ ngoại khoa có tham gia mổ bên ngoài...
Các ca mổ trong bệnh viện được trả chi phí rất thấp, một đêm trực cũng không đến 100.000 đồng. Tính thu nhập tăng thêm do tiền mổ, tiền trực không đáng kể. Với những ngành đặc biệt, họ có thể đi mổ dịch vụ bên ngoài, thu được vài triệu mỗi ca, một ngày có thể thực hiện mấy chục ca. Thế nhưng con số người làm được như vậy rất ít và không phải lúc nào cũng có nhiều bệnh nhân. Chúng tôi không mong có nhiều bệnh nhân.
- Như vậy, thu nhập của bác sĩ có sự chênh lệch rõ rệt?
- Tùy theo nơi họ làm, ví dụ ở những nơi quận huyện, hoặc những ngành không đủ uy tín sẽ không có thu nhập cao so với bác sĩ làm tuyến cuối và ngành đặc biệt.
Sự chênh lệch thu nhập thấy rõ nhất giữa các tuyến trung ương, huyện, giữa bác sĩ dự phòng và điều trị về thu nhập chính và khả năng làm phòng khám. Do đó, nên có cách làm để bác sĩ tuyến trước dễ thu nhập hơn chẳng hạn như cho mở phòng khám sớm hơn, thay vì 5 năm.