Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ ngủ ngồi trong phòng mổ: Gánh nặng của sự phát triển

Trước đây mỗi đêm mổ 5 ca chấn thương sọ não rồi tăng lên 8, 10, 15 thậm chí 25 ca. Mọi gánh nặng của phát triển đổ gồng lên vai người làm y tế.

Bức ảnh hai bác sĩ tranh thủ ngủ trong phòng mổ được cộng đồng mạng bình luận khá nhiều và không ít người trong nghề thấy điều đó là bình thường. 

Bác sĩ ngoại khoa vốn đã mang nhiều áp lực nhưng đối với phẫu thuật thần kinh là điều vô cùng khó bởi chỉ sai một li có thể khiến bệnh nhân bị liệt, có thể kiện bác sĩ ra tòa. Những bác sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió của các bệnh viện tuyến trung ương luôn căng mình phẫu thuật nhưng ca khó và giây phút nghỉ ngơi của họ trở nên hiếm hoi. Họ có thể tranh thủ chợp mắt trong phòng mổ một lát khi xung quanh là thuốc gây mê, là tiếng của máy gây mê, là không khí lạnh toát....

Từ trước đến nay, dư luận chỉ nghe các bệnh nhân than thở về những nỗi khổ khi vào bệnh viện điều trị, nỗi “sợ” của bệnh nhân đối với các y bác sĩ. Bởi khi vào viện, sự sống của các bệnh nhân hầu như được phó thác hoàn toàn cho các y bác sĩ. Nhưng có ai biết được nỗi khổ của người mặc áo blue trắng. 

Họ được gán cho cái tiếng "mẹ hiền" để rồi chỉ còn biết âm thầm trong công việc, không được phép kêu vất vả. 

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn đã có tâm sự về giây phút tranh thủ chợp mắt của mình trong phòng ngủ của bệnh viện Chợ Rẫy và những nỗi khổ mà bác sĩ phải chịu.

Một bạn post lên cái hình 2 bác sĩ đang chờ mổ, ngồi dựa tường ngủ trong phòng mổ. Nhiều ý kiến bàn luận, rằng sao mà nhếch nhác, rằng quá tải làm cho mỏi mệt, rằng tại sao Bộ Y tế không làm gì để nhân viên y tế đỡ khổ…

Hình ảnh bác sĩ ngủ trong phòng mổ.

Hình ảnh bác sĩ ngủ trong phòng mổ.

Mới nhìn qua, tôi đã biết ngay cái hình ấy được chụp ở đâu, bởi vì từ 30 năm trước, tôi cũng đã từng ngủ gục như vậy, ở ngay chính cái phòng mổ đó. Nhưng đấy là còn sung sướng, có thời gian để trốn vào trong phòng mổ làm một giấc, dù là ngắn nhưng cũng còn được ngủ. Thời gian sau này thường phải chạy như con thoi giữa cấp cứu và phòng mổ, chỉ cần 5 phút chợp mắt, ở bất cứ đâu, hành lang, cầu thang, kể cả dựa vào thùng rác, vậy mà cũng không thể có được.

Hồi đấy, chẳng có Bộ nào lo cả. Sếp bảo, phải nhanh chóng đi xuống các tỉnh, hỗ trợ làm sao cho người ta mổ được, chứ không thì 2 năm nữa anh em sẽ chết chìm với chấn thương sọ não. Thế là bỏ phòng mạch, khăn gói lên đường. Anh em ở nhà gồng gánh cho anh em đi tỉnh. Nói cho ngay, cho dù có thất thu phòng mạch, dù vợ phải gồng mình đi đón con thay, nhưng bù lại, được những ngày thư giãn, vì dù phải trực ở bệnh viện 24/24 nhưng cũng chẳng có mấy bệnh nhân. So với Chợ rẫy thì chẳng khác gì là đi nghỉ mát.

Mà đâu phải tỉnh nào cũng chào đón đâu. Trong một xã hội mà chỉ có cái gì được Đảng cấp trên, được Chính quyền cấp trên ban hành thì mới nhiệt tình làm, thì cái chương trình tự phát ấy chỉ được vài bác sĩ ủng hộ. Lãnh đạo thì dè dặt. Vậy mà cuối cùng cả một mạng lưới cấp cứu chấn thương sọ não được hình thành. Khả năng giải quyết cấp cứu chấn thương sọ não của các tỉnh ngày càng được nâng cao, giải quyết được một lượng lớn chấn thương sọ não. Sau này, khi chương trình 1816 ra đời, ở phía Nam, vấn đề chấn thương sọ não về cơ bản đã được giải quyết xong trước đó.

Thế nhưng, Chợ Rẫy vẫn cứ là cái chợ, càng ngày càng đông. Càng ngày các bác sĩ càng không có thời gian ngủ, thời gian ăn. Khi trước, thường 9-10h đêm mới bắt đầu vất vả. Sau này, cho dù cái mạng lưới cấp cứu chấn thương sọ não ở các tỉnh hoạt động rất tích cực, mỗi ngày xử lí hàng chục ca mổ chấn thương sọ não, nhưng tại Chợ Rẫy thì ngay từ 7h sáng đã phải đánh vật với cấp cứu chấn thương sọ não. Chưa hết, lại còn thêm cái món chấn thương cột sống cổ do tai nạn giao thông cứ ào ạt kéo vô nữa chứ.

Cái mộng ước được khỏe khoắn thôi thúc anh em đi xuống các tỉnh ngày nào đã tan thành mây khói. Sếp bảo: “Thấy chưa, anh nói đâu có sai. Nếu hồi đó mấy đứa không chịu khó đi tỉnh thì bây giờ chết chìm với chấn thương sọ não rồi nhé”. Sếp nói đúng, chỉ có điều bây giờ còn chìm hơn hồi ấy, chưa chết chẳng qua là do khát vọng sống mãnh liệt quá mà thôi.

Hồi đó, một đêm mổ 5 ca là được bồi dưỡng vất vả, anh em hay gọi đùa là thưởng. Cũng được bữa sáng. Sau tăng lên 8 ca, rồi 10 ca, rồi 15 ca mới được “thưởng”. Nhưng khi lên đến 25 ca mổ chấn thương sọ não một đêm trực thì… hết “thưởng”. Bệnh viện không còn quỹ "thưởng" vì như vậy thì ngày nào cũng phải “thưởng”, lấy đâu ra tiền.

Hãy đừng trách ngành y tế không làm gì để giải quyết quá tải. Có đấy chứ, làm cật lực ra ấy chứ. Chỉ có điều y tế làm được một thì mọi thứ tăng lên 10. Bao nhiêu xe gắn máy bán ra, bao nhiêu nhà máy bia được xây dựng… Đấy là mới nói về chấn thương sọ não, còn thì đủ thứ khác, cái gì cũng phát triển, và cứ cái gì phát triển thì lại đẻ thêm ra một hệ quả mà y tế phải lãnh. 

Tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, tâm thần, thoái hóa cột sống, ung thư, đột quị… toàn là hệ quả của sự phát triển, của sự tăng trưởng bằng mọi giá, không quan tâm tới môi trường sống, tới những vấn đề xã hội.

Vậy thì, cho dù không nên phổ biến cái bức hình hai bác sĩ đang ngủ trong phòng mổ, nhưng hãy đừng lên án họ. Sự cố gắng của con người chỉ là hữu hạn mà thôi.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn tốt nghiệp Y khoa tại Đại học Y Dược TP HCM năm 1987. Sau đó, ông tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2000 với đề tài “Nghiên cứu điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ”, và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học cấp quốc gia năm 2006 với đề tài: “Nghiên cứu điều trị vi phẫu thuật u nội tủy sống”.

BS. Xuân Sơn được phân công về công tác tại khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình công tác tại Bệnh viện Chơ Rẫy, từ một bác sĩ mới ra trường, BS. Xuân Sơn đã phấn đấu trở thành một bác sĩ trưởng kíp trực, một phẫu thuật viên chính, đảm trách những ca mổ khó nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống. 

Ngoài việc góp một phần công sức vào sự phát triển của chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh và Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống của Bệnh viện Chợ Rẫy, do vị trí và thời điểm công tác đặc biệt của mình, BS. Xuân Sơn đã góp phần vào việc hình thành và phát triển chuyên ngành Phẫu thuật thần Kinh và đặc biệt là Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống tại các tỉnh, thành phố khác trong nước như Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Cần thơ, Hậu Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng…

Kể từ năm 1998, BS Xuân Sơn đã quyết định đi sâu vào chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống, với mục tiêu tiếp cận với những thành tựu đỉnh cao của thế giới. BS Xuân Sơn đã tu nghiệp nhiều lần tại các bệnh viện lớn và các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, Hoa Kì, Công Hòa Liên Bang Đức, Hàn Quốc…Năm 2007, bác sĩ Sơn đã nghỉ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy để thành lập một trung tâm y khoa của riêng mình tại TP HCM.

http://infonet.vn/xot-xa-anh-bac-si-ngu-ngoi-trong-phong-mo-ganh-nang-cua-su-phat-trien-post159902.info

Theo Phúc Mai/Báo Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm