Vừa qua, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổng hợp thành công thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học Việt Nam đã rút ngắn quy trình tổng hợp còn 3 bước thay vì 7-8 bước như nhiều nước.
Việt Nam chưa sử dụng trong điều trị Covid-19
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nhận định việc các nhà khoa học trong nước tổng hợp thành công Favipiravir là một tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định năng lực nghiên cứu của Việt Nam. Song để đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả của thuốc này, chúng ta phải thử nghiệm lâm sàng trên số lượng mẫu lớn, có so sánh mù đôi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện Hoá học, cho biết thời gian tới, đơn vị này tiếp tục hoàn thiện và nâng cao quy trình tổng hợp, lập hồ sơ đăng ký thử nghiệm lâm sàng, tiến tới xin được cấp phép sử dụng thuốc Favipiravir tại Việt Nam.
Theo ông Quốc Anh, trong bối cảnh đại dịch phức tạp, chiến lược vaccine vẫn là quan trọng nhất. Việc có thuốc Favipiravir sẽ đưa thêm một lựa chọn trong điều trị.
Loại thuốc này đã được Nhật Bản bào chế thành công cách đây 7 năm. Ảnh: Reuters. |
Về việc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bác sĩ Hồng Hà chia sẻ hiện có nhiều thuốc kháng virus được sử dụng cho người nhiễm nCoV. Nhưng thế giới chưa có thuốc nào được công nhận về hiệu quả. Các thuốc kháng virus có mục tiêu ngăn cản hậu quả tổn thương, làm giảm bệnh, không phải để ngăn cản virus.
"Chẳng hạn Mỹ dùng Remdesivir trong phác đồ, kết quả giúp giảm một vài triệu chứng so với nhóm không điều trị. Nhưng cũng chỉ giảm nhẹ, trong khi chi phí điều trị cao nên không có ý nghĩa nhiều", bác sĩ Hà nói.
Theo chuyên gia này, Việt Nam chưa sử dụng Favipiravir hay Remdesivir trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong lần cập nhật mới nhất (phiên bản 5) vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế khẳng định đã có nhiều thuốc kháng virus được thử nghiệm nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng nên không khuyến cáo áp dụng.
Việc phân loại bệnh nhân rất quan trọng trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Thắng. |
Phân loại bệnh nhân để điều trị
Bác sĩ Hà cho biết làn sóng dịch lần 4 tại nước ta xuất hiện biến chủng Delta (biến chủng được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) song phác đồ điều trị gần như không thay đổi.
Là thành viên Tổ hội chẩn các ca bệnh Covid-19 nặng, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhận định: “Biến chủng Delta chủ yếu lây lan nhanh, tác động khiến bệnh cảnh nặng lên chưa rõ ràng lắm. Tỷ lệ bệnh nhân nặng vẫn không cao lắm nên trong điều trị, khâu tổ chức vẫn là chính, bao gồm tổ chức chống dịch, phân loại, sàng lọc bệnh nhân để bác sĩ theo dõi sát. Trường hợp nào có diễn biến xấu, phải can thiệp ngay. Đây là mới là cách hạn chế tăng bệnh nặng và tử vong”.
Theo bác sĩ Hà, dù tỷ lệ nặng không thay đổi, người mắc Covid-19 tăng sẽ khiến số lượng bệnh nhân nặng cao hơn. Chỉ tính riêng làn sóng thứ 4, Việt Nam đã ghi nhận hơn 14.000 ca mắc, gấp hơn 4 lần so với tổng 3 đợt dịch trước.
“Nếu bệnh nhân nặng đông lên, chúng ta sẽ gặp những ca trẻ nhưng thể nặng. Đó là phản ứng của cơ thể với virus. Khi rơi vào người già, bệnh nền, ung thư, việc điều trị rất khó khăn”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, biến chủng Delta khiến tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng giảm xuống còn khoảng 44% (trước đây là 80%). Song số bệnh nhân có thể diễn tiến nặng vẫn chỉ khoảng 20%. Các chiến lược điều trị tập trung vào nhóm này. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.
Bác sĩ Hà cho biết trước đây Việt Nam từng đồng ý sử dụng huyết tương của người đã khỏi Covid-19 để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, thế giới đã áp dụng nhiều. Tại Mỹ, vài nghìn ca đã được điều trị theo phương pháp này nhưng hiệu quả không đáng kể.
Favipiravir là thành phần chính để sản xuất thuốc đường uống tương tự như thuốc Remdesivir, có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của SARS-CoV-2.
Loại thuốc này đã được Nhật Bản bào chế thành công cách đây 7 năm, ban đầu được cho phép để điều trị cúm mùa khẩn cấp, sau khi xuất hiện virus SARS-CoV-2, loại thuốc này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại nhiều nước để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thực tế vào thời điểm giữa năm 2020, hàng loạt quốc gia từng coi Remdesivir như “viên đạn bạc” trong cuộc chiến với Covid-19 khi một số kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy có tín hiệu tích cực. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng dùng thuốc này để điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, vào ngày 20/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo: Không nên sử dụng thuốc Remdesivir trong quá trình điều trị người mắc Covid-19 nhập viện bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh. WHO cho rằng không có bằng chứng cho thấy remdesivir làm tăng cơ hội sống của người bệnh Covid-19.
Vào 26/5, nhóm các nhà khoa học của Iran cũng công bố bài báo khoa học trên tạp chí uy tín Nature đánh giá về hiệu quả và độ an toàn của Favipiravir trong điều trị Covid-19 dựa trên 37 nghiên cứu.
Bài báo kết luận Favipiravir giúp đào thải virus nhanh hơn sau 14 ngày nhập viện, tuy nhiên các mốc 7-10 ngày lại không khác biệt. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tích cực cũng không chênh nhau giữa 2 nhóm dùng thuốc và không dùng. Trong khi đó, loại thuốc này lại khiến 13% người thử nghiệm gặp các phản ứng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau ngực, tăng men gan và axit uric trong máu. Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng Favipiravir không mang lại tác dụng có lợi đáng kể trong việc giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình. Để chứng thực hiệu quả, cần có các thử nghiệm lâm sàng trên số mẫu lớn hơn.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.