Khi được tiêm vaccine Covid-19, người dân cần mang theo giấy tờ gì khi đến điểm tiêm?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM, trước khi đến điểm tiêm chủng, người dân cần mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vaccine khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). |
Người dân phải nhịn ăn uống trước khi tiêm vaccine?
Người dân cần ăn, uống đầy đủ trước khi được tiêm vaccine Covid-19. |
Việc cần làm để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đến các địa điểm tiêm chủng đông người?
Trong suốt quá trình từ nhà đến địa điểm tiêm và khi tiêm, chúng ta cần tuân thủ thông điệp 5K. Ngoài ra, người dân nên tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại và khai báo các thông tin cần thiết. |
Người được tiêm vaccine sẽ phải trải qua các bước kiểm tra sức khỏe như thế nào?
Người dân cần được đo thân nhiệt, huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19. Lưu ý, người dân có trách nhiệm chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin như tình trạng sức khỏe hiện tại (có đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính không…); bệnh lý mạn tính đang mắc phải hoặc điều trị; loại thuốc, liệu trình điều trị đã hoặc đang sử dụng gần đây; từng mắc Covid-19 hay chưa; các loại vaccine tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; đang mang thai hoặc nuôi con bú hay không. Đặc biệt, bạn cần thông báo với cán bộ y tế nếu có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Nếu tiêm mũi vaccine thứ 2, người tiêm phải thông báo các phản ứng của cơ thể trong lần tiêm chủng đầu tiên. |
Ai không được tiêm vaccine Covid-19?
Người trên 65 tuổi, người có tiền sử giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu thuộc diện cần thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19. Những trường hợp này cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm tại cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu. |
Sau khi tiêm, người dân cần ở lại cơ sở y tế trong bao lâu?
Sau khi tiêm, người dân nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau tiêm để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng, tác dụng phụ. |
Khi trở về nhà, người được tiêm vaccine cần chủ động theo dõi sức khỏe trong bao lâu?
Khi về nhà, nơi làm việc, người tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 3 tuần sau đó. Ngoài ra, giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 nên được giữ lại. |
Các phản ứng thông thường có thể gặp phải sau khi tiêm?
Bạn có thể gặp một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh Covid-19. |
Người được tiêm cần đến viện khi có các biểu hiện nào?
Tăng, tụt, kẹt huyết áp được đánh giá là phản ứng có nguy cơ diễn biến nặng sau khi tiêm vaccine Covid-19. Vì vậy, người gặp phải phản ứng này cần nhanh chóng đến cơ sở y tế. |
Điều không nên làm sau khi tiêm vaccine covid-19?
Người tiêm chủng không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng; không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm; không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm. |
Với thông điệp “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”, quỹ vaccine phòng chống Covid-19 là địa chỉ tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân và quyết tâm của Chính phủ trong chiến lược tiêm vaccine, miễn dịch cộng đồng. Mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể quyên góp, ủng hộ quỹ vaccine qua các phương thức:
- Đóng góp trực tuyến qua website www.quyvacxincovid19.gov.vn
- Soạn tin nhắn: COVID NK gửi đến 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000, K thể hiện đơn vị (nghìn đồng)
- Chuyển khoản vào tài khoản số 686868 (VND, USD, EUR) tại HDBank
- Chuyển khoản Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước qua số tài khoản 3761.0.9098866.91999 (VND); 761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR)